![Hà Nội: Hồn quê trong sợi miến dong Cự Đà Hà Nội: Hồn quê trong sợi miến dong Cự Đà](https://dulichmuonphuong.net/wp-content/uploads/2025/02/112ha-noi-hon-que-trong-soi-mien-dong-cu-da-1.gif)
Làng Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP Hà Nội là một ngôi làng cổ mang đậm dấu ấn lịch sử với hơn 400 năm tồn tại và phát triển.
Nơi đây không chỉ nổi tiếng với những căn nhà cổ mang kiến trúc giao thoa giữa truyền thống Việt Nam và phong cách Pháp mà còn là cái nôi của nghề làm miến dong – một nghề truyền thống đã tồn tại từ lâu đời…
Không ai biết chính xác nghề làm miến dong ở Cự Đà có từ khi nào, chỉ biết rằng khi sinh ra trên mảnh đất này, người dân đã thấy nghề làm miến hiện hữu, gắn bó mật thiết với cuộc sống của họ. Làng không có ông tổ làng nghề, nhưng từ bao đời nay, nghề làm miến vẫn được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác như một phần không thể thiếu của làng quê.
Ông Vũ Văn Tuấn, Trưởng thôn Cự Đà, người đã gắn bó với nghề làm miến dong từ nhỏ, chia sẻ: “Vào thập niên 1990, có khoảng 100 hộ dân theo nghề làm miến, chiếm gần 2/3 tổng số hộ gia đình trong làng. Khi đó, mọi công đoạn sản xuất miến đều được thực hiện thủ công, từ xay bột, tráng miến, phơi, sấy cho đến đóng gói đòi hỏi sức lao động lớn và nhiều nhân công.
Người dân Cự Đà chuyển những tấm miến đi phơi.
Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghệ và những thay đổi từ nhu cầu thị trường, số hộ làm nghề dần thu hẹp. Hiện nay, làng chỉ còn khoảng 40 hộ gắn bó với nghề, nhưng nhờ ứng dụng máy móc hiện đại, sản lượng đã tăng lên đáng kể. Nếu như trước đây, mỗi hộ chỉ sản xuất được từ 40 đến 70kg miến/ngày thì nay, một cơ sở có thể đạt sản lượng 1,5 đến 2 tấn/ngày, đáp ứng cả nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”.
Bà Đinh Tuyết Mai, chủ cơ sở sản xuất miến dong Nhuận Hòa ở xóm Điếm Tuần, làng Cự Đà cho biết: “Gia đình tôi theo nghề từ thời ông bà, đến nay vẫn giữ cách làm truyền thống nhưng đã có thêm sự hỗ trợ của máy móc để nâng cao năng suất. Mỗi ngày, cơ sở của tôi sản xuất khoảng 1 đến 1,5 tấn miến. Mùa cao điểm, nhất là dịp cận Tết, chúng tôi phải dậy từ 3 giờ sáng để kịp chuẩn bị nguyên liệu, làm việc đến tối muộn mới đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Sau Tết Nguyên đán là thời điểm diễn ra nhiều lễ hội, nhu cầu tiêu thụ miến tăng nên từ mồng Ba Tết, cơ sở đã tiếp tục sản xuất…”.
Theo ông Vũ Văn Tuấn, khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch hằng năm là lúc bận rộn nhất của làng bởi nhu cầu mua miến sử dụng dịp Tết, lễ hội đầu năm của người dân tăng cao. Mặc dù sản xuất quanh năm nhưng doanh thu của làng nghề chủ yếu vào dịp cuối năm và đầu xuân mới. Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, miến dong Cự Đà còn được xuất khẩu sang Lào và Campuchia, góp phần đưa thương hiệu miến dong Việt Nam vươn xa. Nghề làm miến đã mang lại cuộc sống ổn định, thậm chí khá giả cho không ít hộ dân trong làng. Tuy số hộ làm nghề không nhiều như trước, song đây vẫn là nghề chính của làng, bởi quy trình sản xuất miến đòi hỏi nhiều công đoạn, tạo ra nhiều việc làm cho người dân. Từ khâu xay bột, tráng miến, phơi miến, cắt sợi miến đến đóng gói, vận chuyển, mỗi công đoạn đều cần đến bàn tay khéo léo và sự cẩn thận của người thợ.
Nghề làm miến dong mang lại thu nhập ổn định nhưng không hề nhẹ nhàng như nhiều người nghĩ. Công đoạn vất vả nhất có lẽ là khâu phơi miến. Những ngày có nắng, người dân phải tranh thủ từng chút ánh sáng mặt trời để miến đạt độ dẻo, trong đúng chuẩn. Nhưng việc phơi miến không đơn giản là trải ra chờ nắng mà cần sự theo dõi sát sao, bởi nếu phơi quá lâu, miến sẽ giòn và dễ gãy, nếu chưa đủ nắng, miến sẽ dai và khó bảo quản.
Đi dọc theo những con ngõ nhỏ trong làng Cự Đà, không khó để bắt gặp hình ảnh những tấm miến vàng óng phơi trên giàn tre, phảng phất mùi thơm của bột dong riềng. Đó là hình ảnh gợi nhớ một nét đẹp truyền thống, một phần ký ức tuổi thơ của biết bao thế hệ người dân Cự Đà. Nhiều hộ gia đình tiếp tục bám trụ với nghề không chỉ để mưu sinh mà còn góp phần duy trì bản sắc làng nghề Việt…
Bài và ảnh: Hà Hồng Châu
Nguồn: Dulichvn