Mở cửa hơn 30 năm, bánh đúc bà Nội đã trở thành hương vị gắn liền với tuổi thơ của nhiều thực khách. Có những vị khách đã gắn bó với quán bà Nội vài chục năm qua.
Chủ cửa hàng, bà Phạm Thị Nội chia sẻ: “Tôi bán bánh đúc hơn 30 năm nay, mỗi ngày bán được bao nhiêu suất tôi cũng không đếm xuể nữa”.
Khi đến đây, khách hàng có thể quan sát trực tiếp gian bếp và quá trình chế biến sản phẩm từ lúc nấu chín, thêm thịt mộc nhĩ, chan nước dùng nóng cho đến rắc hành khô, hành lá…
Bà Nội bật mí, công thức làm bánh được gia đình truyền lại từ xưa. Quán bánh đúc đã được kinh doanh từ đời mẹ của bà. Khách đến quán cũng đa dạng, từ những khách quen đã vài chục năm cho đến khách du lịch trong nước và cả người nước ngoài.
Thành phần chính của bánh đúc là từ bột gạo, nấu cho đến khi đặc quánh lại, sền sệt. Nước dùng được nấu từ xương và nước mắm chua ngọt, vị thanh.
Bánh đúc bà Nội có thêm đậu hũ chiên giòn. Bánh dẻo, quyện với cái béo ngậy của nhân thịt, mộc nhĩ, thơm dịu của hành lá. Nhân bánh làm từ thịt và mộc nhĩ băm nhuyễn rang chín.
Bà cũng cho biết, ban đầu bánh đúc được coi là món ăn của những người nghèo khó, bánh được ăn không hoặc chấm với nước mắm. Sau này, trải qua nhiều thế hệ, người dân đã kết hợp với nhiều nguyên liệu khác để biến bánh đúc thành món ăn thanh tao của Hà Nội, một món ăn dân dã của người Việt.
Dù là buổi trưa hay chiều tối, quán bánh đúc của bà Nội luôn kín chỗ.
“Ở tuổi này, quán bánh đúc không chỉ là nơi bán hàng mà còn là niềm vui cuối đời đối với vợ chồng tôi”, bà Nội chia sẻ.
Anh Khánh (SN 1994) và bạn gái là hai khách quen của quán. “Chúng tôi đã ăn bánh đúc ở quán này hơn 7 năm nay. Tuần nào, chúng tôi cũng phải qua đây 2-3 lần”, anh cho biết.
Theo hai bạn trẻ, bánh đúc ở đây có hương vị truyền thống, ngon và dễ ăn. Tuy nhiên diện tích quán khá nhỏ, lại đông người tới ăn, nên anh thường không thể ngồi lâu mà phải ăn nhanh để nhường chỗ cho vị khách tiếp theo.
Agnes Chin, một du khách đến từ New Zealand, trong chuyến đi tới Việt Nam vào năm trước, cô và em gái được một người bạn đưa tới trải nghiệm tại một quán bánh đúc. Sau khi ăn thử, cô và em gái khá thích thú với món ăn này và đã tới ăn tiếp khoảng 4 lần trong chuyến đi.
Lần trở lại Việt Nam này, dù mới hạ cánh chưa được lâu, cô đã nhanh chân tới quán để được thưởng thức lại món bánh đúc đậm đà, nóng hổi.
Đã tới ăn tại quán bánh đúc bà Nội từ khi còn học đại học, Lê Thị Thu Huyền (SN 2000, Thanh Oai) chia sẻ: “Tôi rất yêu thích món bánh đúc và thường tới quán khoảng 4-5 lần/ tháng. Bây giờ phải đi làm, không có nhiều thời gian đi chơi, ăn vặt như thời sinh viên, nhưng cứ mỗi khi rảnh, tôi thường rủ các bạn cùng đi ăn bánh đúc”.
Theo lời giới thiệu của một người bạn đã từng du lịch tại Việt Nam, Lucille (bên phải, du khách Pháp) và bạn trai tìm đến quán bánh đúc nằm ngay trung tâm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Lucille chia sẻ: “Tôi rất yêu những món ăn châu Á, người bạn tôi đã gợi ý quán bánh đúc này. Cô ấy nói rằng, đây là quán bánh đúc đầu tiên được mở tại Hà Nội và rất ngon”.
Du khách người Pháp cho biết, cô đã ăn rất nhiều món ăn nổi tiếng tại Hà Nội như bún chả, bún đậu, phở, bún thang… nhưng, bánh đúc mang đến cho cô một cảm giác rất đặc biệt.
“Tôi cảm giác như khi ăn bánh đúc, mình vừa ăn một món ăn kết hợp từ cháo, bún đậu và phở vậy. Vừa có đậu rán của bún đậu, lại có thịt băm của cháo và rau mùi của phở nữa”, Lucille hào hứng chia sẻ.
Đôi bạn trẻ người Pháp bày tỏ sự thích thú khi thưởng thức món bánh đúc, giơ ngón tay trỏ kèm theo biểu cảm trên gương mặt với hàm ý “đây là món bánh đúc ngon nhất tôi được thưởng thức”.
Hiện tại, ngoài bánh đúc, quán phục vụ thêm các món bún ốc chuối đậu, bánh đa trộn, bún riêu, miến trộn thập cẩm, miến cá, cua…
Giá mỗi món ăn dao động từ 20.000 đồng đến 40.000 đồng/bát, phù hợp cho bữa sáng, trưa, xế chiều của nhiều độ tuổi. Bánh đúc có giá 20.000 đồng/bát. Quán mở từ 8h-21h hằng ngày, đông nhất vào buổi trưa và xế chiều.
Nguồn: Dantri.com.vn