20 năm qua, chúng ta không chỉ tự hào về danh hiệu đó mà chúng ta còn làm được rất nhiều việc trên nhiều phương diện.
Cách đây 20 năm, ngày 16/07/1999, Hà Nội vượt qua 70 ứng cử viên khác để được đề chọn là 1 trong 5 thành phố được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu trong quá trình đổi mới cũng như khát vọng hòa bình của người dân Việt Nam. Nhìn lại chặng đường 20 năm, Hà Nội không chỉ xứng dáng với danh hiệu đã nhận mà còn phải tiếp tục phấn đấu cho hòa bình – nền tảng vững chắc cho sự phát triển thịnh vượng và hội nhập. Phóng viên Đài TNVN phỏng vấn TS, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam.
TS KTS Đào Ngọc Nghiêm – nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam- Ảnh LĐ
PV: Thưa Tiến sĩ, KTS Đào Ngọc Nghiêm, ông có thể điểm qua một số thành tựu sau 20 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh Thành phố vì hòa bình?
Trải qua 20 năm, Hà Nội không chỉ xứng đáng danh hiệu thông qua 5 tiêu chí mà đạt được hơn thế nữa khi đã tôn vinh được giá trị của mình. Những truyền thống văn hóa của Hà Nội ngày càng được thể hiện rõ nét qua các khía cạnh tạo sự bình đẳng, sự thân thiện mến khách, bảo tồn di sản, phát huy lợi thế cảnh quan thiên nhiên. Kết quả về phát triển giáo dục, thể thao, bảo vệ môi trường, phát triển đô thị mới, công trình kiến trúc xanh, khôi phục các làng nghề truyền thống…là minh chứng cho thấy Hà Nội đã làm tốt được vai trò của mình.
Vân thềm rồng – Điện Kính Thiên- Khu di sản Hoàng Thành Thăng Long- Hà Nội – Ảnh HTTL
Tóm lại, 20 năm qua, chúng ta không chỉ tự hào về danh hiệu đó mà chúng ta còn làm được rất nhiều việc trên nhiều phương diện. Đúng như chúng ta suy nghĩ những năm đầu nhận được danh hiệu. Đó sẽ phải là một thành phố Hà Nội vừa hiện đại, dân tộc, văn hiến nhưng cũng văn minh, từng bước xứng tầm một thủ đô của một quốc gia với gần trăm triệu dân, có vị thế nhất định trên thế giới. Phải nói rằng trong lĩnh vực đối thoại Việt Nam làm rất tốt. Hà Nội trở thành một điểm đến, một điểm kiến tạo hòa bình của thế giới.
Đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội và UNESCO thả chim bồ câu, biểu tượng của hòa bình.- Ảnh Tienphong
PV: Vâng hẳn đây sẽ là động lực để Hà Nội tiếp tục vươn lên trong phát triển mới. theo ông, Hà Nội còn có những tiềm năng gì để phát huy hơn nữa giá trị danh hiệu đó?
Với quỹ di sản đô thị vô cùng phong phú của Hà Nội, chúng ta đã biết phát huy và nhưng còn rất nhiều tiềm năng chưa khai thác hết. Ví dụ, di sản tầm cỡ thế giới như Hoàng Thành Thăng Long, Văn miếu Quốc Tử Giám. Nhiều nước mong muốn có một cảnh quan non nước hữu tình như Hà Nội. Điều đó đặc biệt hấp dẫn cho phát triển du lịch. Thuận lợi thứ 2 là Hà Nội là nơi tập trung trí thức khi có hơn 60 trường Đại học, Viện nghiên cứu. Với nguồn tri thức dồi dào như vậy, việc chuyển giao kỹ thuật mới vào phát triển kinh tế sẽ giúp Hà Nội hội nhập mạnh hơn ,có nhiều đất dụng võ cho thế hệ sáng tạo khởi nghiệp.
Thời gian tới, chúng ta đứng trước không ít thách thức nhưng Hà Nội cũng thấy có nhiều tiềm năng cần khai thác. Nếu như trước kia chúng ta phát triển Hà Nội để tạo ra sự bền vững chỉ ở phía Nam sông Hồng. Thì nay đang tiến tới phát triển cả vùng Hà Nội Mới. Một lợi thế nữa là Hà Nội đang đã chủ động liên kết các vùng trọng điểm cả nước và kết nối với thủ đô của hơn 110 quốc gia trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 7%, với nhiệm kỳ mới, định hướng phát triển mới, đặc biệt là những đột phá mới hi vọng Hà Nội sẽ làm cho danh hiệu này tỏa sáng hơn, tiếp tục vươn lên đại diện cho không chỉ khu vực mà thế giới.
PV: Bên cạnh những tiềm năng như ông vừa nói thì Hà Nội phải đối mặt không ít những khó khăn do tốc độ đô thi hóa gây ra?
Thách thức lớn nhất tôi cho rằng đó là phải đảm bảo Hà Nội phát triển bền vững.Trong đó có vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, chăm lo đời sống của một khối lượng dân số gần trăm triệu người, làm thế nào thấy Hà Nội là nơi dung hòa được mọi thành phần của dân số Vàng. Trong khi đó áp lực về quá tải giao thông cũng đang là vấn đề rất lớn mà Hà Nội đang khó giải quyết. Một thách thức nữa đặt ra là việc quản lý dân số. Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn đối vớingười di cư. Vì thế, một trong những tồn tại của vấn đề này, là việc Hà Nội chưa quản lý tốt chính sách về di dân và dân số.
Đinh hướng năm 2030, số dân Hà Nội sẽ là 9,2 triệu người nhưng tôi e rằng đến khi đó con số đó sẽ là hơn 10 triệu. Vậy phải có giải pháp gì tạo áp lưc để Hà Nội không bị dân từ các nơi khác di chuyển đến?. Đó là vấn đề tôi cho rằng cần phải sớm giải quyết.
PV: Thưa ông, UNESCO cho biết đang xem xét để đưa Hà Nội vào Mạng lưới các thành phố Sáng tạo thế giới. Vậy Hà Nội cần chú trọng thêm trong chính sách phát triển của mình?
Trong phát triển Hà Nội, bên cạnh yếu tố phát huy truyền thống, văn hiến nghìn năm lich sử, Hà Nội còn là đô thị rất nhạy bén với hội nhập, tiếp cận với cái mới. Từ năm 1992, khi có khái niệm phát triển bền vững, Hà Nội đã tích cực tham gia để trở thành đô thị bền vững. Chúng ta đã xây dựng được đô thị sinh thái, từng bước phát triển đô thị thông minh. Chúng ta đã có chính quyền điện tử, tạo ra mạng lưới kết nối để hội nhập. Hà Nội cũng là nơi áp dụng rất tốt thành tựu của những công nghệ hiện đại nhất thế giới.
Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn hiến, trái tim của đất nước Việt Nam-Ảnh Viettravel.com
Hiện nay, sau thành phố thông minh là Đô thị Sáng tạo, Hà Nội đang đưa vào danh sách để phấn đấu vươn lên. Cùng với đó, Hà Nội cần không ngừng học hỏi, lựa chọn, đúc kết kinh nghiệm từ các nước đểđưa ra những giải pháp thích hợp cho phát triển đô thị, qua đó phát huy tính sáng tạo, nhanh nhạy của người Hà Nội.
Với cách quản lý mới, tinh thần Đổi mới, sự nhiệt tình tham gia của xã hội hóa, tôi tin rằng Hà Nội sẽ là một thành phố Sáng tạo trong tương lai.
PV: Vâng xin trân trọng cảm ơn Ông
Hà Linh
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn