Nhóm chuyên gia tại Mỹ phát hiện những bệnh nhân này tự kiểm soát việc virus HIV nhân lên trong gần 4 năm. Sau đó, một người bị tái mắc HIV vì dòng virus khác.
Nghiên cứu do các nhà khoa học tại Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) chủ trì. Họ xác định được cách giúp người nhiễm HIV có thể tự kiểm soát virus trong thời gian dài sau khi ngừng thuốc điều trị. Với phương pháp này, người bệnh có thể sẽ không cần dùng thuốc vĩnh viễn mà không bị chuyển thành AIDS.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine ngày 28/10, do TS Tae-Wook Chun, Trưởng khoa Miễn dịch học HIV của Phòng thí nghiệm Điều hòa Miễn dịch, thuộc Viện Quốc gia về Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm (NIAID), chủ trì.
Dự án thực hiện trên hai người trưởng thành nhiễm HIV, được điều trị bằng thuốc kháng virus ARV ngay sau khi nhiễm bệnh. Họ điều trị trong 6 năm và đã ức chế virus thành công. Sau đó, hai bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng về HIV, ngừng dùng ART dưới sự giám sát y tế. Nhóm nghiên cứu đã theo dõi một người trong 4 năm và người còn lại hơn 5 năm. Mỗi tuần, họ tới phòng nghiên cứu để kiểm tra 2-3 lần.
Ảnh dưới kính hiển vi điện tử cho thấy các hạt HIV (màu vàng) xuất hiện và bao lấy một tế bào T bị nhiễm bệnh (màu xanh lam). Nguồn: NIAID. |
Nhóm chuyên gia theo dõi thời gian và kích thước của các đợt virus HIV tái bùng phát trong cơ thể hai tình nguyện viên. Đây là thời điểm lượng virus HIV trong máu của họ có thể phát hiện được qua các xét nghiệm.
Kết quả cho thấy một người ức chế được virus, ngăn không cho nó xuất hiện trở lại trong 3,5 năm liên tục. Tuy nhiên, sau đó, anh ta dùng ART liều thấp hơn cần thiết mà không nói với nhóm dự án. Nhóm nghiên cứu đã dừng quan sát người này và ghi nhận thời gian tự ức chế virus là 3,5 năm.
Người còn lại gần như đã tiêu diệt được hoàn toàn HIV trong 4 năm. Tuy nhiên, virus xuất hiện trở lại với số lượng đáng kể. Nguyên nhân là anh ta bị nhiễm một dòng HIV khác. Hiện tượng này gọi là “bội nhiễm”.
Ở người thứ nhất, các nhà khoa học tìm thấy số lượng lớn các tế bào miễn dịch đặc hiệu với HIV là T CD8+ có thể tiêu diệt virus. Trong khi đó, người còn lại có phản ứng tế bào T CD8+ yếu hơn nhưng phản ứng kháng thể trung hòa rất mạnh ở suốt thời gian được theo dõi cho đến khi HIV bùng phát trở lại đột ngột.
Theo nhóm chuyên gia, điều này có thể kết luận các kháng thể trung hòa đóng vai trò quan trọng trong việc ức chế gần như hoàn toàn HIV ở người này cho đến khi anh ta nhiễm phải dòng virus khác.
Từ đó, nhóm tác giả cũng xác định bội nhiễm HIV là nguyên nhân tiềm ẩn gây ra hiện tượng tái mắc HIV đột ngột ở những bệnh nhân ngừng điều trị. Lúc này virus HIV xuyên qua hàng rào miễn dịch và gây bệnh một lần nữa cho người đã có kháng thể.
Nhóm chuyên gia tại NIH nhấn mạnh để tránh hiện tượng virus kháng thuốc và ngăn chặn những hiểu sai dữ liệu khoa học có thể xảy ra, các nghiên cứu về HIV cần phải xét nghiệm thường xuyên bệnh nhân đã ngừng thuốc điều trị trong thời gian dài.
Nguồn: News.zing.vn