Hơn 500 năm trước, xác chết của một người lính nằm dưới đáy hồ ở Litva, và trong nhiều thế kỷ, nó nằm ẩn mình dưới lớp bùn. Đến nay, những phần còn lại dưới nước đã được tìm thấy hé lộ những bí mật từ hàng trăm năm trước.
Bộ xương được phát hiện trong một cuộc tìm kiếm dưới nước, gần cây cầu cũ Dubingiai ở hồ Asveja, miền đông Litva. Nhà khảo cổ học Elena Pranckėnaitė cùng nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Klaipėda ở Klaipėda, Lithuania cho biết, mặc dù bộ xương nằm dưới lớp cát và phù sa, nhưng hiện trường không phải là một nơi chôn cất.
Các nhà khoa học thuộc Khoa Y tại Đại học Vilnius ở Vilnius, Lithuania, đã khám nghiệm thi thể và đưa ra báo cáo rằng, bộ xương là của nam giới và anh ta đã chết vào thế kỷ 16, mặc dù họ vẫn chưa biết lý do tại sao anh ta chết nhưng bộ xương và hiện vật được bảo quản tốt một cách đáng ngạc nhiên.
Theo nhà khảo cổ học Pranckėnaitė, vũ khí và các vật dụng khác được vớt từ đáy hồ gần thi thể cho biết anh ta có thể là một quân nhân. Ông cũng cho biết thêm rằng các khu chôn cất người có liên quan đến chiến tranh trước đây đã được khai quật trên khắp khu vực, nhưng đây là lần đầu tiên xác của một người lính từ thế kỷ 16 được phát hiện dưới nước ở Lithuania.
Các nhà khảo cổ đã hợp tác với thợ lặn nghiệp dư để thực hiện cuộc khảo sát và các thợ lặn đã định vị hài cốt ở độ sâu 9m trong khi kiểm tra hệ thống hỗ trợ của cây cầu gỗ Dubingiai.
Nhà khảo cổ học Pranckėnaitė chia sẻ thêm: “Một cuộc khảo sát trước đó vào năm 1998 đã tiết lộ rằng, một cây cầu khác đã từng đứng ở cùng một vị trí, có niên đại vào thế kỷ 16 hoặc 17, tức là vào khoảng thời gian người lính chết”. Bà nói: “Hiện tại, chúng tôi cho rằng những hài cốt người được phát hiện đó có thể được liên kết với cây cầu cũ dẫn đến lâu đài Dubingiai, nằm trên đỉnh đồi bên bờ hồ Asveja”.
Việc tìm thấy hài cốt người lính là một bất ngờ lớn, nhưng cũng kinh ngạc không kém là việc bảo quản bộ xương và hiện vật một cách kỳ công. Các thợ lặn đã vớt được một đôi ủng da có cựa, thắt lưng da có khóa, một thanh kiếm sắt và hai con dao có tay cầm bằng gỗ. Hiện một nhóm các nhà khảo cổ học, nhân chủng học và sử học tại Bảo tàng Quốc gia Litva hiện đang làm việc để bảo tồn và giải thích các vật thể.
Nguồn: https://baogiaothong.vn/hai-cot-mot-nguoi-linh-the-ky-16-he-lo-bi-mat-tu-500-nam-truoc-d490587.h…Nguồn: https://baogiaothong.vn/hai-cot-mot-nguoi-linh-the-ky-16-he-lo-bi-mat-tu-500-nam-truoc-d490587.html
Nguồn: 24H.COM.VN