Hai luồng tranh luận về ‘Hellbound’

0
40

Nhiều nhà truyền giáo cho rằng cách tôn giáo được miêu tả trong phim ảnh Hàn Quốc có thể làm gia tăng sự thù ghét.

Gần đây, The Korea Herald đưa tin trong buổi lễ ngày chủ nhật tại nhà thờ ở vùng ngoại ô Seoul, một mục sư lên tiếng cảnh báo không nên theo dõi tác phẩm phim gốc mới nhất do Netflix sản xuất.

Bài giảng trên đề cập tới bộ phim Hellbound của đạo diễn Yeon Sang Ho – người chỉ đạo nhiều dự án phim ăn khách của Hàn Quốc như Train To Busan.

ton giao trong phim anh han quoc anh 1

Các nhóm tôn giáo tại Hàn Quốc tỏ ra lo lắng trước cách Hội Chân Lý mới được diễn tả trong Hellbound. Ảnh: Netflix.

Bản thân đạo diễn Yeon Sang Ho cũng là người thường xuyên dự lễ tại nhà thờ, tuy nhiên, vào thời điểm lòng tin của công chúng Hàn Quốc dành cho tôn giáo đang giảm dần, thì cách Hội Chân Lý mới được mô tả trong phim đang gây ra sự lo lắng, bồn chồn cho các nhóm tôn giáo ngoài đời thực.

Yếu tố tôn giáo trong phim Hàn Quốc

Là tác phẩm thuộc dòng phim “phản địa đàng” (bộ phim miêu tả thế giới nơi xã hội phát triển theo chiều hướng tiêu cực, khiến con người buộc biến chất), nội dung chính của Hellbound xoay quanh nhóm tôn giáo Hội Chân Lý mới. Họ trau dồi quyền lực của mình bằng cách lợi dụng sự hỗn loạn do sinh vật ma quỷ, kỳ dị, chuyên tàn sát con người “được Chúa gửi đến” gây nên trong xã hội.

Sau khi ra mắt, Hellbound nhanh chóng đứng đầu bảng xếp hạng chương trình truyền hình không sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh, vượt qua cả Squid Game – loạt phim gốc lớn nhất tính tới hiện tại của nền tảng phim trực tuyến. Đại diện Netflix giải thích rằng loạt phim lấy chủ đề về cái chết, điều mà khán giả toàn cầu có thể theo dõi và suy ngẫm, qua đó khơi dậy sự hứng thú từ người xem.

Như tiêu đề của mình, nhiều yếu tố trọng tâm trong Hellbound được lấy ý tưởng từ Thiên Chúa giáo.

Tuy nhiên, theo giáo sư Lee Jung Hoon – người đã nghiên cứu thần học và viết sách về Cơ đốc giáo – của khoa Luật, Đại học Ulsan, cách tác phẩm mô tả Chúa và công lý của thánh thần đi ngược lại với những gì Kinh thánh viết.

“Trong bộ phim, khán giả không hề thấy sự phân biệt thiện ác trong nhân vật Chúa, và cũng không có định nghĩa rõ ràng nào về công lý được Chúa đưa ra”, Lee chia sẻ với The Korea Herald.

Tại Hàn Quốc, Hellbound bị lan truyền rộng rãi dưới danh nghĩa “bộ phim chống lại Cơ đốc giáo”, dù vậy, một số tín đồ Thiên Chúa giáo có ảnh hưởng trên mạng xã hội coi tác phẩm như “lời kêu gọi để chúng ta tự nhìn nhận lại bản thân”.

Trong Squid Game, sự xuất hiện của người chơi số 244 đã mang theo yếu tố tôn giáo vào bộ phim. Xuyên suốt trò chơi sinh tồn, anh được miêu tả như vị mục sư cuồng tín, luôn giữ vững niềm tin tưởng vào đức tin của mình. “Tôi gửi lời cầu nguyện tới Chúa, thay cho tất cả kẻ tội lỗi chúng tôi”, nhân vật này thốt lên sau khi đội của anh giành chiến thắng trong trò chơi kéo co.

Giáo sư Lee cho rằng nhân vật này là sự cường điệu của quan niệm “thần học thịnh vượng” – niềm tin tôn giáo khẳng định mọi lợi ích tài chính và sức khỏe tốt đều là ý muốn của Chúa và việc củng cố đức tin sẽ làm gia tăng của cải vật chất của mỗi cá nhân.

Lee phân tích: “Người xem chứng kiến anh ấy cầu nguyện trên cây cầu kính. Nếu bạn là tín đồ thực sự của Cơ đốc giáo thì ngay từ đầu, bạn đã không đồng ý tham gia vào trò chơi sinh tử, nơi bạn có thể thu lợi lớn khi sống sót”.

“Nhân vật này đã để lại cho tín đồ Cơ đốc giáo nhiều điều để suy ngẫm”, Lee Jung Hoon nhận xét.

Phim ảnh phản ánh một phần thực tế

Ở Hàn Quốc, vai trò của tôn giáo trong xã hội đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trong nhiều năm nay. Hành động truyền giáo mang tính tiêu cực, thái quá do một số nhà truyền giáo triển khai, chẳng hạn như cầm biểu ngữ khẳng định những người không tin vào tôn giáo sẽ “xuống địa ngục” ở không gian công cộng , thường xuyên bị công chúng chế giễu trên mạng xã hội với các meme (ảnh chế).

Theo cuộc thăm dò do Gallup thực hiện vào đầu năm, cứ 10 người Hàn Quốc thì 6 người xác nhận bản thân không theo tôn giáo nào. Con số này là 50% vào năm 2014. Bên cạnh đó, hơn 60% người Hàn Quốc không theo đạo cho biết họ không có tôn giáo yêu thích cụ thể nào.

Kết quả cuộc khảo sát cho thấy số người tin tôn giáo đem lại lợi ích cho xã hội đã giảm từ 63% vào năm 2014 xuống còn 38% trong năm 2021, mặc dù đa số người tham gia khảo sát vẫn nghĩ tôn giáo thành công duy trì sức ảnh hưởng với xã hội.

Giáo sư Lee tin rằng phản ứng dữ dội, gay gắt ngày càng gia tăng với tôn giáo có liên quan đến cách tổ chức tôn giáo được mô tả trong những tác phẩm như Hellbound.

Nhà phê bình văn hóa đại chúng Jung Duk Hyun cho biết Hellbound không nêu tên tôn giáo cụ thể nào, nhưng tác phẩm châm biếm điều công chúng coi là “những kẻ cuồng tín” – nhóm người hành động cuồng nhiệt thái quá, mang đức tin mù quáng với tôn giáo.

Jung phân tích: “Trong xã hội Hàn Quốc, một khi ý kiến chung giữa công chúng được hình thành, thái độ của họ với người có quan điểm ngược lại có thể trở nên rất hung hăng trên các không gian trực tuyến. Có thể nhận thấy điểm tương đồng giữa hiện tượng này và những kẻ cuồng tín”.

Jung bổ sung rằng hệt như cách Hội Mũi Tên trong Hellbound được miêu tả – manh động, cuồng tín, sử dụng phương pháp bạo lực, công cụ trực tuyến để trấn áp, giết hại những người không tin vào “phán xử của Đức Chúa trời”.

“Khi nhiều người cảm thấy thất vọng với các tổ chức tôn giáo, sự xuất hiện của những nhân vật này đang giúp giải phóng nỗi tức giận bị dồn nén của người xem dành cho tôn giáo”, nhà phê bình Jung giải thích.

Các bộ phim truyền hình Hàn Quốc gần đây trên Netflix không hề né tránh, ngược lại có xu hướng khai thác sâu rộng, kỹ lưỡng vấn đề xã hội. Bản chất phê phán xã hội này của phim truyền hình Hàn Quốc là điều khiến chúng trở nên hợp thời và hấp dẫn với khán giả quốc tế, theo Jung.

“Nếu nhìn vào các nội dung gần đây của Hàn Quốc trên Netflix, có thể thấy hầu hết đều là tác phẩm ‘phản địa đàng’. Và cốt lõi của ‘phản địa đàng’ là vấn đề xuất phát từ những kẻ cuồng tín”, Jung khẳng định.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn