Hai tuần siết chặt giãn cách xã hội của TP.HCM

0
93

TP.HCM đã đạt được một số kết quả tích cực sau 2 tuần siết giãn cách. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu đặt ra vẫn chưa hoàn thành như mong muốn.

TP.HCM siet chat gian cach xa hoi anh 1

23/8 là ngày bắt đầu nhiều biện pháp giãn cách xã hội chưa từng có tiền lệ tại TP.HCM. “Ai ở đâu ở yên đó” trở thành khẩu hiệu mới trong 15 ngày siết chặt giãn cách.

Đối tượng ra đường được giới hạn, toàn bộ người dân được “đi chợ hộ”. Các vùng nguy cơ (xanh, vàng, cam, đỏ) được tái sắp xếp, đánh giá đến từng tổ dân phố. Kế hoạch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố được khởi động.

Với sự hỗ trợ tối đa, mọi mặt trận từ Trung ương và các tỉnh, thành phố khác, TP.HCM chính thức bước vào trận đánh quyết định “buộc phải thắng”, như lời Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên. Vậy sau 2 tuần, TP.HCM đã đạt được bao nhiêu mục tiêu đã đặt ra?

Người ra đường giảm rõ rệt

Những ngày đầu siết giãn cách, quy định về cấp giấy đi đường cho ai và như thế nào liên tục thay đổi. Ngày 21/8, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình ký ban hành danh sách 17 nhóm đối tượng được phép ra đường từ 23/8 đến 6/9, giao cho cơ quan chủ quản từng đơn vị cấp giấy này. Chỉ vài giờ sau, thành phố tiếp tục ra văn bản bổ sung và thay đổi một số nhóm đối tượng.

Ngày 23/8, TP.HCM một lần nữa ra công văn thêm đối tượng và chuyển thẩm quyền ký, cấp giấy đi đường cho Công an TP. Toàn bộ giấy đi đường đã cấp trước đó bị vô hiệu và các đơn vị phải làm lại từ đầu.

Mục đích của thay đổi này là để Công an TP.HCM kiểm soát người được lưu thông trên đường. Giấy đi đường mới có mã QR để người dân khai báo di chuyển nội địa tại TP.HCM. Đến ngày 25/8, Công an TP.HCM ban hành hướng dẫn riêng cho lực lượng chức năng để thống nhất quy định kiểm tra tại các chốt kiểm soát.

Sự thay đổi trong xu hướng di chuyển của người dân TP.HCM trước và sau 23/8
Nguồn: Google Mobility
Nhãn 16/8 17/8 18/8 19/8 20/8 21/8 22/8 23/8 24/8 25/8 26/8 27/8 28/8 29/8 30/8 31/8
Siêu thị và hiệu thuốc % -64 -64 -65 -63 -52 -42 -48 -93 -92 -91 -89 -88 -88 -88 -85 -84
Đường cơ sở 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0 0
Khu dân cư 45 44 41 39 48 41 32 53 51 48 45 56 50 40 51 48
Điểm bán lẻ -88 -88 -86 -85 -86 -83 -83 -97 -96 -95 -95 -95 -95 -95 -94 -93
Nơi làm việc -84 -85 -85 -85 -85 -82 -72 -93 -93 -93 -93 -93 -91 -87 -92 -92
Bến xe, nhà ga -84 -83 -84 -81 -82 -77 -78 -95 -94 -94 -93 -93 -92 -93 -91 -90
Công viên -84 -83 -83 -83 -83 -80 -78 -94 -93 -93 -93 -92 -92 -91 -90 -89

Dù việc cấp giấy đi đường liên tục thay đổi, việc siết chặt giãn cách của TP.HCM đã cho thấy hiệu quả ngay từ ngày 23/8, số phương tiện ra đường giảm 85% so với ngày trước đó.

Theo báo cáo xu hướng di chuyển của cộng đồng (Google Mobility), xu hướng di chuyển của người dân TP.HCM thay đổi rõ rệt sau 23/8. Từ biểu đồ trên có thể thấy giai đoạn 20-22/8, xu hướng di chuyển đến siêu thị, hiệu thuốc, nơi làm việc… tăng cao hơn hẳn những ngày trước đó, ngược lại, xu hướng di chuyển trong khu dân cư giảm nhẹ. Điều này phù hợp với ghi nhận của báo chí khi người dân đổ ra đường trước ngày siết chặt giãn cách để mua lương thực, thực phẩm.

Tuy nhiên, kể từ 23/8, xu hướng di chuyển tại các địa điểm công cộng giảm sâu. Việc di chuyển trong khu dân cư cũng không có nhiều thay đổi. Dữ liệu này minh chứng cho hiệu quả rõ rệt của việc siết chặt giãn cách tại TP.HCM.

Bên cạnh đó, nhờ ứng dụng khai báo di chuyển nội đô, Công an TP.HCM phát hiện 30 trường hợp F0 di chuyển trên đường qua quét mã QR tại các chốt chặn. Công an cũng phát hiện 2 vụ làm giả giấy đi đường của tại quận 10 và 12 (tính đến 31/8).

Số ca nhiễm chưa giảm

Trong 2 tuần qua, số ca nhiễm theo ngày tại TP.HCM vẫn có xu hướng tăng (trung bình khoảng 4.000-5.000 ca nhiễm/ngày nhưng ngày 3/9, con số này tăng vọt lên 8.500 ca). Theo lý giải của ngành y tế, F0 tăng do thành phố đang đẩy mạnh xét nghiệm đại trà.

Chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố là điểm nhấn trong 2 tuần siết chặt giãn cách của TP.HCM. Nhân cơ hội người dân “ai ở đâu ở đó”, ngành y tế thần tốc xét nghiệm để sớm phát hiện F0, bóc tách ra khỏi cộng đồng. Đây là cơ sở để thành phố vẽ lại bản đồ tình hình dịch trên toàn thành phố và đưa ra những quyết sách cụ thể.

Kế hoạch xét nghiệm đến 15/9 được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu ký ban hành hôm 21/8. Khi ấy, TP.HCM tham vọng test nhanh mẫu đơn cho toàn bộ người dân tại vùng cam, đỏ trong 3 ngày. Khoảng 2,1 triệu sinh phẩm xét nghiệm được giao về cho các địa phương để thực hiện.

Số mẫu xét nghiệm và số ca nhiễm tại TP.HCM từ 23/8
Nguồn: HCDC
Nhãn 23/8 24/8 25/8 26/8 27/8 28/8 29/8 30/8 31/8 1/9 2/9 3/9 4/9
Số mẫu xét nghiệm mẫu 264195 317389 514974 377390 433183 366423 369242 362970 451113 443469 396817 294804 323603
Số ca nhiễm ca 4251 4627 5294 3934 5383 5481 4957 5889 5444 5368 5963 8449 4104

Tuy nhiên, thực tế TP.HCM mất đến 7 ngày để hoàn thành lấy mẫu xét nghiệm đợt 1 ở vùng cam, đỏ. Số mẫu được lấy mỗi ngày cũng không đồng đều. Trong hơn 1,6 triệu mẫu được lấy (tính đến 30/8), ngành y tế phát hiện 64.299 người dương tính, chiếm tỷ lệ 3,8%.

Tới ngày 4/9, hầu hết địa phương đã thực hiện xong đợt xét nghiệm đầu tiên ở cả 5 vùng (xanh, cận xanh, vàng, cam, đỏ). Trong đó, quận 7, Gò Vấp, huyện Củ Chi, Cần Giờ hoàn thành sớm, nhanh chóng bước vào đợt 2. Đến 5/9, 22 địa phương đã đạt tỷ lệ xét nghiệm trên 80% của đợt 2 và dự kiến xong vào 6/9.

Kết quả đến nay cho thấy tỷ lệ dương tính vùng xanh và cận xanh là 0,8%; vùng vàng là 1,5%. Với vùng cam, đỏ, tỷ lệ đợt 1 là 3,6% và đợt 2 giảm xuống còn 2,7%.

Ngành y tế cho rằng mức giảm này vẫn thấp hơn kỳ vọng. Phải đến khi 22 địa phương hoàn thành 3 vòng xét nghiệm, TP.HCM mới có thể đánh giá cụ thể về tình hình dịch toàn thành phố.

Bài toán đi chợ hộ

Từ việc chỉ được đi chợ 2 lần/tuần, toàn bộ người dân TP.HCM đều phải nhờ đi chợ hộ từ ngày 23/8. Quyết định này được đưa ra chưa đầy 12 giờ trước khi áp dụng, thay đổi so với thông báo cho phép người dân vùng xanh được đi chợ 1 lần/tuần được đưa ra hôm 21/8.

Để cung cấp hàng thiết yếu cho khoảng 9,4 triệu dân, 2.890 cán bộ, chiến sĩ của Quân khu 7 đã được điều động đến 310 phường, xã, thị trấn ở TP.HCM để hỗ trợ triển khai gói an sinh, đi chợ giúp dân…

Dù lên kế hoạch từ trước và huy động lực lượng lớn, liên tục 6 ngày, hệ thống cung ứng của TP.HCM phải xoay sở với tình trạng quá tải đơn hàng, trong khi người dân nhận hàng chậm, thậm chí hàng tươi sống còn bị hỏng do thời gian vận chuyển lâu.

Thiếu nhân lực do nhân viên chuỗi cung ứng bị giới hạn giấy đi đường và lực lượng hỗ trợ (tình nguyện viên, bộ đội…) thiếu kinh nghiệm đi chợ, giao hàng là 2 vấn đề lớn được Sở Công Thương chỉ ra. Để tìm giải pháp, ngày 28/8, sở này đã có văn bản đề xuất cho phép tăng số lượng shipper và cho shipper được hoạt động trở lại tại các địa phương vùng đỏ, gồm: TP Thủ Đức, 8, 12, Gò Vấp, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Hóc Môn.

Số lượng đăng ký và tỷ lệ đi chợ hộ tại TP.HCM
Nguồn: Sở Công Thương
Nhãn 30/8 31/8 1/9 2/9 3/9 4/9
Số hộ đăng ký đi chợ hộ Hộ 176907 101645 89489 104213 78893 81703
Tỷ lệ nhận hàng % 73.9 99.8 104.1 115.3 111.3 116.9

Ngay khi được UBND TP.HCM chấp thuận hôm 30/8, lực lượng shipper đã góp phần giảm tải áp lực cho hệ thống cung ứng. Sở Công Thương cho biết số lượng giao hàng/ngày của shipper cao hơn nhiều so với số đi chợ hộ.

Từ ngày 30/8, khi shipper tham gia phân phối hàng cho dân, nhu cầu đi chợ hộ giảm hẳn, trong khi đó, tỷ lệ giao hàng của hệ thống cung ứng tăng lên.

Bên cạnh đi chợ hộ, thành phố đã trao 1,6 triệu túi an sinh cho người dân. Đồng thời, các địa phương cũng đã trao hơn 3,5 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19.

Tốc độ tiêm vaccine giảm

Công suất tiêm vaccine tối đa của TP.HCM có thể lên đến 300.000 mũi/ngày, tuy nhiên, từ giữa tháng 8, tốc độ tiêm của TP.HCM liên tục “rơi tự do”. Trong khoảng thời gian từ 23/8 đến nay, số mũi tiêm cao nhất một ngày của thành phố là gần 75.000 liều.

Siết chặt giãn cách xã hội, người dân hạn chế ra đường là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tiêm không còn như những ngày đầu tháng 8. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã đạt tỷ lệ tiêm mũi 1 trên 90% và đang chờ vaccine để tiêm mũi 2.

Tiến độ tiêm vaccine của TP.HCM
Nguồn: Cổng thông tin Covid-19
Nhãn 26/7 27/7 28/7 29/7 30/7 31/7 1/8 2/8 3/8 4/8 5/8 6/8 7/8 8/8 9/8 10/8 11/8 12/8 13/8 14/8 15/8 16/8 17/8 18/8 19/8 20/8 21/8 22/8 23/8 24/8 25/8 26/8 27/8 28/8 29/8 30/8 31/8 1/9 2/9 3/9 4/9
Số lượng tiêm vaccine Mũi 46753 54558 64162 70167 80205 91265 92645 113495 140281 159389 189306 219846 236411 221229 203881 219150 297301 276663 135201 86831 73829 91531 132951 130574 112064 106831 95516 61574 58817 37746 57982 51886 62349 39546 32603 30190 40212 33448 63341 44948 74998

Từ 1/9 đến 15/9, Sở Y tế TP.HCM lên kế hoạch tiêm vaccine mũi 2 cho hơn 2 triệu người. TP.HCM sẽ tiêm 703.641 liều AstraZeneca, 446.118 liều Moderna, 24.913 liều Pfizer và 859.171 liều Sinopharm.

TP.HCM chủ động trong nguồn vaccine Sinopharm được tài trợ. Mới đây, Bộ Y tế vừa phân bổ 1 triệu liều vaccine AstraZeneca và Pfizer cho thành phố. Riêng với vaccine Moderna, TP.HCM vẫn đang chờ Bộ Y tế phân bổ để có thể tiêm mũi 2 cho người dân như kế hoạch.

Tỷ lệ tử vong giảm nhưng chưa ổn định

Ngày 2/9, huyện Củ Chi và quận 7 cùng công bố kiểm soát được dịch. Đây là những tín hiệu vui trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM. Như kỳ vọng khoảng 1 tháng trước của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, TP.HCM đã thật sự có vùng hậu phương an toàn để kiểm soát dịch.

Đây là điểm sáng sau 2 tuần TP.HCM tăng cường giãn cách xã hội, tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận kết quả chống dịch ở các tỉnh phía nam (trong đó TP.HCM) chưa cao và chưa được như mong muốn.

Trong 8 quận, huyện mà TP.HCM đặt mục tiêu kiểm soát dịch trước 31/8, chỉ có quận 7 và huyện Củ Chi hoàn thành.

Số bệnh nhân đang điều trị và số ca tử vong từ 23/8
Nguồn: HCDC
Nhãn 23/8 24/8 25/8 26/8 27/8 28/8 29/8 30/8 31/8 1/9 2/9 3/9 4/9
Số bệnh nhân điều trị Người 35425 36029 36829 37138 37993 40259 40133 40561 40979 41040 41470 42862 42863
Số ca tử vong Ca 292 266 242 287 271 256 245 335 303 217 250 256 222

Ngoài mục tiêu “xanh hóa” chưa đạt, nỗ lực giảm ca tử vong của ngành y tế cũng cần thêm thời gian để thấy kết quả.

Từ 23/8 đến nay, số bệnh nhân đang điều trị của TP.HCM liên tục tăng mỗi ngày. Đến 4/9, con số này là gần 43.000 trường hợp. Theo báo cáo của ngành y tế, đến 31/8, tổng công suất điều trị Covid-19 ở cả 3 tầng điều trị lên đến 94.439 giường (tầng 1 – 29.439; tầng 2 – 60.400; tầng 3 – 4.600).

Như vậy, số bệnh nhân đang điều trị vẫn ở dưới ngưỡng năng lực điều trị tối đa của ngành y tế. Tuy nhiên, số ca tử trong 2 tuần qua vẫn liên tục tăng – giảm không ổn định.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, nếu tính cả số F0 đang điều trị tại bệnh viện và đang điều trị tại nhà thì tỷ lệ tử vong hiện khoảng 4,2%. Trong đó, tỷ lệ tử vong trên số ca điều trị tại tầng 2 là 4,4%, tầng 3 là 32%.

Để giảm tỷ lệ trở nặng, tử vong, thành phố có 312 trạm y tế phường, xã và có 414 trạm y tế lưu động để theo dõi, điều trị F0 cách ly tại nhà. 64.000 túi thuốc cũng được cấp để chăm sóc F0 tại nhà. Từ ngày 15/8 đến 31/8, ngành y tế đã nâng công suất điều trị từ 77.173 giường lên 94.439.

Theo ngành y tế, tỷ lệ tử vong có độ trễ nhất định so với số ca nhiễm do thời gian phát hiện và điều trị. Vậy nên, TP.HCM phải chờ một thời gian nữa thì mới có thể hy vọng số ca tử vong giảm.

So sánh các kết quả trên với những mục tiêu đặt ra ban đầu, từ nay đến 15/9, TP.HCM sẽ còn 3 công việc chính phải làm, đó là tăng địa bàn “xanh hóa”, kéo giảm số ca tử vong và tăng tốc độ tiêm vaccine. Đây đều là những tiền đề quan trọng để TP.HCM trả lời câu hỏi có nên mở cửa lại nền kinh tế sau 15/9 hay không.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn