Halloween cũng chạy theo thời trang

0
202

Lễ hội hoá trang dành cho trẻ em, được tổ chức vào đêm 31/10 hằng năm. Halloween bắt nguồn từ chữ “All Hallow ‘s Eve” (Đêm Thần thánh), do diễn ra trước ngày Lễ các Thánh của đạo Thiên Chúa.

Đèn lồng Halloween.

Đèn lồng Halloween làm từ bí ngô.

Halloween là lễ lớn ở các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ, Ireland, Anh, Canada, Australia và New Zealand. Được du nhập vào Mỹ từ cuối thế kỷ 19, Halloween trở thành một sinh hoạt văn hoá đại chúng từ cuối thế kỷ 20.

Người Celtic ở Anh và Ireland coi Halloween là “Ngày của người đã khuất”. Họ cho rằng, những linh hồn chết sẽ sống lại vào ngày này, nên để sẵn đồ ăn thức uống ngoài cửa cho họ. Để doạ linh hồn của ác quỷ, người Celtic thường đeo mặt nạ. Khi Thiên chúa giáo du nhập vào Anh, họ “đồng hoá” ngày lễ theo cách riêng của họ, như coi đây là lễ mừng mùa màng bội thu và tưởng nhớ những người đã khuất. Truyền thống này sau đó du nhập sang Mỹ.

Chủ đề chính của lễ Halloween thường là những điều quái gở, rùng rợn như cái chết, phép thuật hay những quái vật bí ẩn. Các nhân vật thường gặp là ma, ma cà rồng, phù thuỷ, dơi, mèo đen, cú, yêu tinh, thây ma, bộ xương di động… Các gia đình thường trang trí những hình ảnh này trong ngày lễ Halloween.

Hai màu truyền thống của Halloween là đen và cam. Trong thế giới hiện đại, màu tía, xanh lục và đỏ cũng thường được sử dụng. Những vật phẩm đại diện của mùa thu như bí ngô và bù nhìn rơm cũng trở thành hình ảnh tiêu biểu của Halloween.

Baby.

Trong buổi tối ngày 31/10, trẻ em thường hoá trang, đi gõ cửa các nhà hàng xóm và nói “trick or treat” (Đùa hay thật?). Gia chủ (cũng mặc đồ hoá trang) ló ra, đưa cho các vị khách không mời kẹo ngọt, chocolate hay những đồ ăn vặt khác. Đôi khi trong nhà còn vang lên những âm thanh kỳ dị để tăng phần rùng rợn. Trẻ em thường “kiếm” được khá nhiều bánh kẹo trong những lần đi “doạ” hàng xóm như vậy.

Xu thế mới của những năm gần đây, trang phục truyền thống rùng rợn đang nhường chỗ thời trang của các nhân vật quen thuộc trên truyền hình. Năm 2001, sau sự kiện 11/9, trang phục hoá trang bán chạy nhất là đồ của lính cứu hoả, cảnh sát và sĩ quan quân đội Mỹ. Năm 2004, “nhân vật chính” thường xuất hiện trong lễ hội hoá trang này là Tổng thống Mỹ George W. Bush và Thượng nghị sĩ John Kerry. Đây cũng là năm “ăn nên làm ra” của trang phục dành cho Người Nhện, khi bộ phim Spider Man thống trị các rạp chiếu phim. Năm nay, “thời trang” Harry Potter, Chiến tranh giữa các vì saoNgười Dơi được coi là thời thượng.

Hoàng Lan tổng hợp

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn