Khoảng 10.000 du khách quốc tế sẽ đến Indonesia để chiêm ngưỡng nhật thực toàn phần duy nhất năm 2016, diễn ra ngày mai.
Vào ngày 9/3, nhật thực toàn phần sẽ đi qua toàn Indonesia, từ cực tây ở Sumatra tới cực đông Maluku. Đây là cơ hội cho những người yêu thiên văn chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này, đồng thời cũng là một dấu mốc quan trọng với những bộ lạc còn lưu giữ truyền thống nhiều màu sắc và cả những tín đồ Hồi giáo.
Nhật thực toàn phần sắp diễn ra ở Indonesia sẽ kéo dài trong khoảng 3 phút. |
Người dân từ khắp các khu vực như vùng rừng Sumatra (miền tây Indonesia) cho tới cư dân quần đảo Maluku (thuộc miền đông Indonesia) đều sẽ đổ xô đến những điểm quan sát nhật thực. Indonesia ước tính có khoảng 10.000 khách quốc tế và 100.000 khách nội địa sẽ tham gia sự kiện lần này.
Nhiều hoạt động đặc biệt như lễ hội, biểu diễn nhạc sống cho đến đua thuyền rồng đã được lên kế hoạch tổ chức. Những khách sạn có tầm nhìn tốt đã được đặt kín chỗ từ nhiều tuần trước. Anas Cenoras, lãnh đạo du lịch Maluku, cho biết 1.500 phòng khách sạn trong thành phố đã được đặt hết. Chính quyền Maluku mở thêm dịch vụ ngắm nhật thực trên thuyền để đáp ứng nhu cầu của du khách.
I De Pitana, lãnh đạo cục Du lịch quốc tế, bày tỏ sự biết ơn với đấng tối cao vì đã tạo điều kiện để Indonesia có thể chiêm ngưỡng hiện tượng kỳ thú này và biến đảo quốc trở thành điểm thu hút khách du lịch.
Đối với nhiều quốc gia Hồi giáo, nhật thực toàn phần là sự kiện tâm linh mà những người đứng đầu khuyến khích các tín đồ cầu nguyện bài kinh đặc biệt khi mặt trăng hoàn toàn che lấp ánh sáng từ mặt trời. Ma’ruf Amin, người đứng đầu Hội đồng Ulema và cộng đồng Hồi giáo Indonesia, cho hay nhà tiên tri Mohammed đã gửi lời cầu nguyện lên thánh Allah tối cao khi Người đã tạo ra hiện tượng kỳ diệu này.
Tuy nhiên, nhiều cư dân của các bộ tộc lại tỏ ra sợ hãi trước nhật thực. Những người thổ dân Dayak trên quần đảo Borneo sẽ lập đàn tế lễ để cầu cho hiện tượng này không xảy ra quá lâu. Bộ tộc này có truyền thống xăm hình cầu kỳ và khả năng làm ra những trang phục công phu. Trong khi đó, bộ tộc Balian Ba Ampar-Ampar sẽ tổ chức biểu diễn nhạc truyền thống, tụng kinh và dâng hương hoa lên thần linh để cầu xin mặt trời sẽ không biến mất sau nhật thực.
Nhiều nhà khoa học cũng tới Indonesia trong dịp này. Một nhóm 4 thành viên Nasa cũng sẽ tới thị trấn Maba (nằm trên quần đảo Maluku) để chiêm ngưỡng toàn bộ quá trình diễn ra nhật thực toàn phần trong khoảng 3 phút, quãng thời gian dài nhất để quan sát sự kiện. Nat Gopalswamy, một nhà thiên văn học trong nhóm nghiên cứu trên của Nasa chia sẻ rằng hiện tượng thiên nhiên này rất đáng chiêm ngưỡng, vậy nên mọi người hãy tới xem nếu có điều kiện.
Xem thêm: Cuộc đời Robinson trên đảo hoang có thật ở Indonesia
Phạm Huyền
Nguồn: Vnexpress.net