Hàng quán Hà Nội tìm cách xoay xở khi phải dừng bán tại chỗ

0
54

Mới chỉ quay lại nhịp kinh doanh bình thường trong khoảng 3 tuần trở lại đây, nhiều nhà hàng, quán ăn Hà Nội lại vất vả xoay xở lần nữa.

Từ 0h ngày 13/7, Hà Nội tiếp tục dừng tất cả hoạt động nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (chỉ cho phép bán hàng mang về), cửa hàng cắt tóc, gội đầu.

Mới hoạt động trở lại kể từ ngày 22/6, thông báo đóng cửa lần nữa khiến việc kinh doanh của nhiều nhà hàng, quán ăn tại thủ đô lần nữa rơi vào khó khăn.

Bán cầm cự qua ngày

Gần 21h tối 12/7, cô Nguyễn Thị Dung, chủ một hàng bánh cuốn trên phố Tô Hiến Thành, bận rộn ghi chép lại sổ sách cuối ngày. Bên cạnh, những nhân viên nhanh chóng dọn dẹp, lau chùi bàn ghế để đóng cửa theo quy định.

Buổi trưa cùng ngày, đọc thông báo mới nhất từ thành phố, cô Dung cho biết không tránh khỏi cảm giác chán chường khi việc làm ăn lại chững lại.

Những ngày tiếp theo, quán cô sẽ lại treo biển “chỉ bán mang về”.

“Sức bán mang về chỉ bằng 1/3 so với trước, bán chẳng được bao nhiêu nhưng mình vẫn phải mở ra bán túc tắc mỗi ngày thôi”, cô nói với Zing.

Ha Noi dung hoat dong an uong tai cho anh 3

Cô Nguyễn Thị Dung cho biết cửa hàng bánh cuốn của mình sẽ duy trì túc tắc qua ngày cho đến khi có thông báo mới.

“Bình thường, cửa hàng bánh cuốn gồm 3 gian nhà nằm liền kề nhau mới đáp ứng hết lượng người tìm đến quán ăn. Từ ngày xảy ra dịch bệnh, buôn bán giảm sút đi nhiều. Quán cũng chỉ mới bán tại chỗ trở lại khoảng 3 tuần, chưa thể đông lại như trước. Khách một phần e dè dịch bệnh, một phần cũng phải thắt chặt chi tiêu”, cô nói thêm.

Những ngày tới, lượng nhân viên túc trực cắt giảm đi nửa, luân phiên nhau nghỉ cho đến khi có thông báo mới.

Theo cô Dung, cái khó ở việc bán mang về là cần tìm cách cân đối lượng hàng vì “không biết người ta mua nhiều hay ít để chuẩn bị”. Khách không đến quán, chỉ còn gian nhỏ nhất mở ra để phục vụ.

Chi phí thuê nhà cũng là gánh nặng không nhỏ trong giai đoạn này, song chủ quán cho hay xác định làm ăn lâu dài nên sẽ cố gắng duy trì lâu nhất có thể.

Ha Noi dung hoat dong an uong tai cho anh 4

Mới phục vụ tại chỗ trở lại từ ngày 22/6, nhiều quán ăn, nhà hàng tại Hà Nội lại quay lại bán mang về từ ngày 13/7.

Tại phố Hàng Thùng, chủ một cửa hàng nem tai cho biết buôn bán ế ẩm giờ là tình trạng chung. Số lượng bán ra hiện giờ mỗi ngày chỉ bằng 50-60% như trước.

“Nhận thông báo mới, mình cũng phải tuân thủ theo thôi vì tình hình dịch khó lường lắm”, chủ quán cho hay.

Không thể bảo quản trong tủ lạnh hay trữ đông lâu như thịt, phần rau sống còn thừa trong ngày được cửa hàng chia ra thành các túi riêng lẻ, bán vớt cho ai có nhu cầu.

Nếu không bán hết, số rau còn lại đành phải bỏ đi vì hôm sau không dùng được nữa.

Doanh thu dựa hết vào bán take away

Tối 12/7, một nhà hàng chuyên về đồ cuốn trên phố Đoàn Trần Nghiệp đón những vị khách cuối cùng đến dùng bữa.

Ha Noi dung hoat dong an uong tai cho anh 5

Tối 12/7, nhiều khách hàng tranh thủ đi ăn lần cuối trước khi hàng quán tạm thời đóng cửa.

Lê Thị Thùy, quản lý của quán, cho biết dù thông báo của thành phố đến hơi đột ngột, nhà hàng về cơ bản đã có phương án dự trù từ trước.

Sau buổi họp gấp, nhà hàng sẽ chuyển qua bán take away các món chế biến sẵn và rau hữu cơ để duy trì việc kinh doanh trong thời gian tới.

“Trong khoảng một tuần trở lại đây, tình hình dịch tại TP. HCM và Hà Nội khá căng thẳng nên nhà hàng phải cân đối lại nguyên liệu nhập vào so với lượng đơn đặt hàng của khách nhằm tránh cảnh rau, thịt hỏng bỏ đi”, Thùy nói.

“Lúc trước, doanh thu chủ yếu đến từ lượng khách đến dùng bữa. Giờ nguồn thu hoàn toàn phụ thuộc vào dịch vụ online nên phần việc của mình sẽ nhiều thêm, đẩy mạnh số lượng đơn đặt hàng lên sao nhiều nhất có thể”, Lê Phương Thảo, phụ trách marketing của nhà hàng, chia sẻ với Zing.

Bùi Duy Anh (sinh năm 1998), nhân viên tại quán cà phê trên phố Bùi Thị Xuân, cho biết những ngày tới phần việc của cậu sẽ “nhàn” đi nhiều.

Thông thường, ở vị trí trưởng ca, ngoài bao quát công việc của mọi người, cậu sẽ kiêm luôn nhận order đồ, bưng bê, pha chế.

Giờ khách không đến quán, phần phục vụ bàn cũng dừng lại theo. Số ca làm của Duy Anh cũng vì thế mà bớt đi.

“Tất nhiên không ai thích khi thu nhập bị ảnh hưởng. Dù đã trải qua nhiều lần dịch bệnh gây gián đoạn nhưng lần này mình vẫn hơi có phần hụt hẫng. Về mặt tích cực là cửa hàng mình vẫn duy trì nhận đơn online. Mình chuyển qua làm shipper nữa để kiếm thêm”.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn