Quán xá đã mở lại song Bùi Anh Thiết vẫn giữ thói quen tự nấu nướng ở nhà. Chàng kỹ sư còn chuẩn bị đồ ăn trưa để mang lên văn phòng mỗi ngày.
Bùi Anh Thiết (kỹ sư xây dựng, Hà Nội) bắt đầu có thói quen tự nấu nướng trong đợt giãn cách xã hội hồi tháng 7.
Sống một mình nên chàng trai 25 tuổi vốn chỉ có thể tự làm một số món cơ bản. Đến khi đại dịch bùng phát, vì có thời gian, vừa muốn phục vụ nhu cầu cá nhân khi không thể gọi giao hàng, anh học hỏi trên mạng để nâng cấp khả năng bếp núc.
“Đến giờ, dù đã trở lại văn phòng được khoảng 2 tháng, việc ăn cơm tự nấu gần như mỗi ngày đã trở thành niềm yêu thích và thói quen của mình. Tất nhiên, việc hàng quán được mở lại vẫn khiến mình rất vui vì thi thoảng muốn đổi gió hay gặp mặt bạn bè, ăn nhà hàng vẫn là lựa chọn ưu tiên. Song phần lớn thời gian còn lại, mình thấy việc tự nấu và ăn không còn đáng sợ hay rắc rối như trước”.
Anh Thiết tự nấu ăn tại nhà trong thời gian giãn cách. |
Không riêng Anh Thiết, nhiều người trẻ cũng hình thành và duy trì thói quen tự nấu nướng trong thời gian giãn cách.
Theo khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Asia Plus Inc. thực hiện trên 685 người tại một số thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng vào tháng 7, thói quen ăn uống của nhiều người thay đổi rõ rệt trong đại dịch, nhất là người trẻ.
Cụ thể, ở cả 3 bữa trong ngày, việc tự nấu và ăn tại nhà luôn chiếm tỷ lệ cao hơn so với ăn ngoài, mua về dùng hoặc các lý do khác với bữa sáng là 56%, trưa 53% và tối 73%. Đặc biệt với bữa tối, 69% bạn trẻ 18-22 tuổi; 70% người 23-39 tuổi chọn nấu và ăn tại nhà.
Hiện tại, dù hàng quán đã mở lại, nhiều người vẫn lựa chọn tự nấu ăn tại nhà vì lo ngại lây nhiễm bệnh, đồng thời thói quen này giúp họ tiết kiệm chi phí, có thêm kỹ năng sống.
Tự nấu cơm mang đi làm
Không chỉ cơm tối, Anh Thiết còn tự chuẩn bị cơm đem đến văn phòng cho bữa trưa hôm sau.
Tan làm vào khoảng 17h, anh có đủ thời gian để đi mua thực phẩm tươi mỗi ngày. Chỉ mất khoảng hơn 1 tiếng, chàng trai 25 tuổi đã có thể chuẩn bị xong bữa tối và sơ chế thịt cho phần ăn trưa hôm sau.
“Vì sống một mình, các bữa ăn của mình khá đơn giản, thường gồm một món mặn, một rau và đôi khi là canh hoặc salad. Với phần cơm đem đi làm, mình chủ yếu nấu sơ các món cần nhiều thời gian như thịt trước. Sáng hôm sau, mình dậy sớm, khoảng 6h45 để nấu nốt rau, cắm cơm là xong, vẫn thoải mái thời gian chuẩn bị đi làm trước 8h”.
Theo nam kỹ sư, vì nhân viên trong công ty phần lớn là người có gia đình nên cũng thường chuẩn bị đồ ăn đem theo như vậy. Thay vì một mình ra ngoài ăn hàng, vừa tốn kém, vừa lo ngại tình hình dịch bệnh, chuẩn bị thức ăn rồi dùng bữa cùng mọi người, trò chuyện một chút vào giờ nghỉ sẽ vui hơn.
Anh Thiết học được nhiều món mới, nâng cấp trình độ nấu nướng trong thời gian nghỉ dịch. |
Hậu giãn cách, văn phòng mở cửa trở lại, Kiều Anh (21 tuổi, TP.HCM) khép lại chuỗi ngày chỉ ở trong bốn bức tường, bận rộn hơn với công việc và phải di chuyển nhiều nơi.
Vì dịch bệnh còn phức tạp nên công ty của cô hạn chế đặt đồ ăn và khuyến khích nhân viên tự mang cơm đi làm, bởi vậy Kiều Anh vẫn duy trì việc nấu nướng như những ngày còn phong tỏa.
“Mỗi sáng, dù bận bịu và phải thức sớm hơn nhưng mình vẫn duy trì việc nấu nướng và mang cơm đến công ty. Mình thường cố gắng dậy sớm, đi chợ mua ít đồ về nấu nhanh, khoảng 8h30 thì đến văn phòng. Mình thích hương vị đồ ăn tự nấu và còn nấu thêm phần cho cả một chị đồng nghiệp”, Kiều Anh tâm sự.
Tuy nhiên, lịch trình công việc bận rộn nên dù “đam mê” nấu nướng, nhiều hôm cô cũng mệt mỏi vì bận nhưng vẫn phải nấu cơm mang đi làm.
Thời gian này, Kiều Anh thường tự nấu cơm mang lên văn phòng để ăn trưa. |
Kiều Anh thừa nhận so với hồi trong dịch, cô không còn hào hứng với việc bếp núc nhưng vẫn muốn duy trì thói quen này.
Đi làm từ sáng đến tối muộn nên cô chỉ nấu ăn vào buổi sáng. Sau giờ làm, Kiều Anh thường đi ăn cùng đồng nghiệp hay tấp qua hàng quán và mua đồ ăn đem về.
“Mình chủ yếu nấu các món ăn thường ngày, còn các loại bột và lò nướng sắm hồi trong dịch thì đã ‘đóng băng’ vì chẳng còn thời gian làm bánh nữa. Thích nấu nướng thật, nhưng để sắp xếp được thời gian cũng rất khó, khi mà deadline cứ dồn đuổi mình cả ngày”.
Bỏ thói quen ăn hàng quán
Bùi Thị Bích Ngọc (lễ tân khách sạn, Hà Nội) vốn yêu thích bếp núc, khám phá các món mới nên việc tự chuẩn bị bữa ăn ở nhà không quá khó khăn. Ngoài ra, việc tự nấu cũng giúp cô kiểm soát thành phần và nêm nếm theo khẩu vị bản thân.
“Mình thích ăn các món luộc hoặc nêm ít gia vị, trong khi đó, phần lớn hàng quán gần nơi mình làm việc đều bán các loại thức ăn khá dầu mỡ. Những nơi chế biến ổn hơn, hợp ý mình thì giá lại quá cao cho một bữa trưa thông thường. Vì vậy, bỏ thêm chút công sức trong bữa tối hôm trước là mình có ngay phần ăn trưa nhanh gọn”.
Một lý do khác khiến Ngọc ngại ăn uống bên ngoài thời gian này là tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các ca cộng đồng vẫn xuất hiện rải rác. Bản thân Ngọc cũng làm công việc phải tiếp xúc nhiều người, vì vậy, cô cố gắng hạn chế những lần tới chỗ công cộng nhiều nhất có thể.
“Với lại, bây giờ hàng quán chỉ có thể bán tới 21h, nếu tụ tập với bạn bè thì việc ăn uống, trò chuyện cũng chưa ‘đã’. Nếu muốn gặp gỡ một cách an toàn và thoải mái với 2-3 người bạn thân, có lẽ mình sẽ chọn phương án mời mọi người về nhà rồi tự chuẩn bị đồ ăn”.
Bích Ngọc thích tự nấu ở nhà dù hàng quán đã mở cửa. |
Sau hơn 5 tháng ở nhà vì phong tỏa, Hà Phạm (26 tuổi, nhân viên truyền thông) cảm thấy lối sống của cô đã thay đổi, nhất là không còn thói quen ăn uống ở ngoài thường xuyên.
“Trước đây, vì phải đi làm ở ngoài, gặp khách hàng nhiều nên cả tuần mình chỉ có 1-2 bữa ăn cơm nhà. Những ngày trong dịch, không thể ăn ở ngoài, mình và cô bạn cùng phòng chăm chỉ thay nhau nấu ăn. Từ một người chỉ biết luộc rau, luộc trứng, giờ mình đã biết nấu kha khá món rồi”.
Được làm ở nhà nên cô vẫn duy trì thói quen nấu nướng. “Mình thường nấu bữa sáng và trưa, bạn cùng phòng đi làm tối mới về nên bạn ấy sẽ đảm nhận bữa tối, hoặc hai đứa mua đồ ăn ở ngoài về”.
Hồi còn giãn cách, Hà phải đặt rất nhiều đồ về trữ trong tủ lạnh, nhưng bây giờ vài ngày cô đi chợ một lần để đảm bảo thực phẩm tươi ngon, an toàn.
“Ăn cơm tự nấu quen, giờ đi ăn đồ ở ngoài mình thấy không thích nữa. Đồ mình mua tươi ngon nên hương vị món ăn cũng hấp dẫn hơn. Tự nấu nướng cũng giúp mình tiết kiệm hơn hẳn”.
Nguồn: News.zing.vn