Với những hành động tổ chức Ngày Chủ nhật xanh để dọn rác tại các thắng cảnh, khu dân cư, địa điểm công cộng… hay các phong trào “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”, “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn” để đưa Huế trở thành “thành phố đáng đến” nhiều địa phương trong cả nước đã thể hiện nỗ lực xây dựng điểm đến du lịch đẹp hơn trong mắt du khách.
Nhóm “Vì Đảo Bé không rác thải nhựa” nhặt rác tại các bãi biển
Những ngày “Chủ nhật xanh”
“Vì Đảo Bé không rác thải nhựa” là một chương trình do hơn 20 bạn thanh niên sinh sống trên xã đảo An Bình (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) phát động từ tháng 3/2019 để làm sạch môi trường trên đảo. Nguyễn Thành Được, một thành viên của nhóm cho biết, vào mỗi dịp cuối tuần, các bạn đều tập trung để thu gom rác tại các địa điểm trên đảo như Hòn Đụn, Mom Tàu…, giúp cho đảo Bé bớt đi lượng rác trôi nổi quanh bờ biển hay ra đại dương.
Với mục tiêu giữ gìn cảnh quan, môi trường du lịch xanh, sạch, phong trào Ngày Chủ nhật xanh cũng được triển khai tại nhiều địa phương, nhiều điểm du lịch trong cả nước, phát huy tích cực vai trò của lực lượng thanh niên và người dân địa phương cùng tham gia. Bên cạnh đó, nhiều hội, nhóm, tổ chức xã hội cũng kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để cùng cải thiện môi trường du lịch, hạn chế rác thải làm xấu đi hình ảnh của điểm đến.
Từ tháng 1/2019, đều đặn mỗi cuối tuần, từ thành phố tới nông thôn của Thừa Thiên Huế, chiến dịch “Ngày Chủ nhật xanh” đã được phát động đã thu hút đông đảo các tổ chức đoàn thể, cơ quan, doanh nghiệp và nhân dân tham gia. Cả Huế xuống đường “Ngày Chủ nhật xanh” là phản ánh từ một bài báo về phong trào tại địa phương để cùng xây dựng hình ảnh điểm đến thân thiện, an toàn, môi trường xanh – sạch – sáng, gắn với phát triển dịch vụ du lịch. Mỗi người đóng góp công sức của mình từ vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà ở, vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, cơ quan, doanh nghiệp, dọn rác nơi cộng cộng tới trồng cây xanh, hoa tươi…
Các bạn trẻ Lý Sơn làm sạch bãi biển
Rất nhiều chương trình cùng hưởng ứng hoạt động giữ gìn môi trường của chính quyền đã được người dân tham gia như chương trình “60 phút sạch nhà, đẹp ngõ”, “Nhặt một cọng rác, bạn đã làm Huế sạch hơn”, “Cảm ơn dòng Hương” để tuyên truyền về bảo vệ môi trường, tổ chức các chiến dịch thu gom rác trong địa bàn dân cư, khu du lịch, bãi biển, dọc theo sông Hương… đã được thực hiện trong suốt thời gian qua đã nhận được phản hồi tích cực từ dư luận, trong đó có cả những du khách trong nước và quốc tế hưởng ứng chương trình.
Xây dựng những mô hình “đáng đến”
Mơ ước về những chính sách cấm mang nilon từ đất liền ra đảo giống như ở Cù Lao Chàm, ông Vũ Thanh Minh, Chủ tịch Hội Du lịch Cô Tô cho biết, hội đã có nhiều chính sách tuyên truyền tới các công ty lữ hành và du khách để hạn chế mang rác ra đảo. Tuy nhiên, điều này khó với Cô Tô bởi số lượng dân sinh và du khách tới đảo lớn, quy định không mang tính bắt buộc nên mang tính vận động là chủ yếu. Giữ môi trường xanh – sạch – đẹp là thách thức để huyện đảo du lịch nổi tiếng của miền Bắc này giữ được thương hiệu cho mình. Chính quyền Cô Tô đã cùng với Đoàn Thanh niên, Hội Du lịch Cô Tô đều đặn tổ chức các chương trình tình nguyện nhặt rác tại bãi biển, đưa các khẩu hiệu tuyên truyền bảo vệ môi trường tới người dân, các công ty lữ hành và du khách. Tuy nhiên, trong những đợt cao điểm trong mùa Hè, lượng khách tăng đột biến, tất yếu kéo theo lượng rác cũng tăng, áp lực lên môi trường rất lớn. Chưa kể một bộ phận du khách ý thức kém bỏ túi nilong, hộp đựng thức ăn, chai nhựa… lại sau những giờ liên hoan, cắm trại trên bãi biển, khi đi chơi đã làm ảnh hưởng tới nỗ lực chung của chính quyền và người dân địa phương.
Nếu như danh hiệu “thành phố đáng sống” hướng tới những tiêu chuẩn sống tốt đẹp dành cho cư dân thì một “thành phố đáng đến” sẽ là mong mỏi của du khách để mang lại sự thoải mái, tiện ích từ dịch vụ cũng như giá trị trải nghiệm chân thực. Yếu tố sạch sẽ và thoải mái cho người sử dụng cũng cần được đề cao. Tuy nhiên, điều khó không chỉ là xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường mà còn ở việc thay đổi thói quen tiêu dùng, nhất là sử dụng túi nilong và xả rác bừa bãi của khách du lịch.
Tại Thừa Thiên Huế, ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch cho biết, Huế cũng đang xây dựng lộ trình triển khai phong trào “Nói không với túi nilon” hướng tới với người dân và các doanh nghiệp, lắp camera giám sát an ninh tại các điểm tham quan, để phát hiện những hành vi kém ý thức. Bên cạnh đó, gắn với chủ trương xây dựng Huế trở thành “Thành phố bốn mùa hoa”, chính quyền Thừa Thiên Huế cũng phát động phong trào chỉnh trang đô thị và nông thôn, phát động mỗi người dân trồng ít nhất một cây xanh, ưu tiên sử dụng hàng rào xanh bằng cách trồng cây xanh, cây hoa…Đến nay, những con đường hoa đã được hình thành với sự chung tay góp sức của người dân, để mang lại những hình ảnh “du lịch xanh” cho du khách khi đến với mảnh đất cố đô.
Nguyễn Hương
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn