Hạnh phúc là vẫn được làm việc sau mỗi lần test nhanh

0
Hạnh phúc là vẫn được làm việc sau mỗi lần test nhanh

Khi một công nhân ở TP.HCM được test nhanh Covid-19, kết quả âm tính hoặc dương tính sẽ đưa họ đến với những hoàn cảnh khác nhau.

Hanh phuc la van duoc lam viec sau moi lan test nhanh anh 1

Nhã vẫn nhớ cái vị chua ngọt của dĩa dưa leo xào cà chua theo kiểu miền Tây. Đó là bữa sáng ngày 6/7, cô ngồi ăn cùng má.

Chiều hôm đó, nữ công nhân quê Đồng Tháp đến làm việc tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TP.HCM). Cô không biết rằng lần rời nhà đó không hẹn ngày về.

Đêm xuống, Nhã cùng khoảng 60 đồng nghiệp được chuyển đến căn phòng trống. Người nằm, người ngồi vạ vật trên những tấm bìa carton. Tất cả đều dương tính với SARS-CoV-2.

“Chuyến nghỉ dưỡng” bất ngờ

“Tối hôm đó ở chỗ làm, em ăn thêm một chiếc bánh bao. Món em thích nhất mà không hiểu sao chẳng thấy mùi vị gì hết”, Nhã nhớ lại. Nữ công nhân làm ca đêm nên tiện thể lấy mẫu test nhanh Covid-19.

Lần gần nhất Nhã làm test nhanh là ngày 3/7, kết quả âm tính. Ba ngày sau, cô trở thành F0.

Hanh phuc la van duoc lam viec sau moi lan test nhanh anh 2

Cảnh F0 nằm chờ qua đêm tại Khu chế xuất Tân Thuận để chờ được đưa đến bệnh viện. Ảnh: N.N.

Khi TP.HCM bước vào đợt giãn cách xã hội khắt khe nhất, công nhân sản xuất và xây dựng vẫn được phát giấy thông hành để tiếp tục đi đến nơi làm việc. Nếu các y bác sĩ là lực lượng tuyến đầu chống dịch thì công nhân trở thành những người tham gia tuyến đầu của mục tiêu phát triển kinh kế.

“Có lẽ vì trước đó đã được tiêm vaccine nên em không có triệu chứng”, nữ công nhân nói. Chưa thấy vấn đề gì về sức khỏe nhưng cô bật khóc trước mặt các đồng nghiệp. Má của Nhã năm nay 60 tuổi và bà ngoại trên 80 tuổi. Ba người phụ nữ sống chung một nhà. Nhã đã tiếp xúc với cả 2 và biết họ đều có bệnh nền.

Sau một đêm thức trắng cùng các bệnh nhân khác, đến sáng hôm sau, Nhã vẫn chưa được đưa đi. Trải nghiệm của họ đúng như những gì Sở Y tế đã nói về tình trạng chậm chạp đưa F0 nhập viện.

Đến 14h ngày 7/7, sau khi Bệnh viện Dã chiến số 3 ở Thủ Thiêm chuẩn bị xong cơ sở vật chất, Nhã và các đồng nghiệp mới được chuyển đến. “Sáng 8/7, em nghe thông báo mẹ và bà ngoại đều âm tính. Bây giờ thì em cười được rồi”, nữ công nhân này chia sẻ.

Hanh phuc la van duoc lam viec sau moi lan test nhanh anh 3

Công nhân vẫn duy trì hoạt động tại nhà máy dù dịch bệnh diễn biến phức tạp ở TP.HCM. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.

9 năm làm việc tại công ty sản xuất dây cáp điện ôtô, đây là lần đầu tiên Nhã chứng kiến cảnh khác thường như vậy. Mỗi ngày làm việc, cô lại thấy đồng nghiệp hụt đi vài người, nhưng dây chuyền sản xuất vẫn không ngừng nghỉ.

Những chuyến tàu nghìn tấn từ cảng Bến Nghé vẫn kéo còi hướng ra cửa biển suốt ngày đêm. Hợp đồng giao hàng đã ký, chuỗi sản xuất không thể dừng lại.

Công ty sẽ chi trả toàn bộ viện phí và hỗ trợ 3 triệu đồng cho mỗi tháng nghỉ việc chữa bệnh. Vậy là mình may mắn hơn nhiều người rồi.

Thanh Nhã

Khi đến bệnh viện dã chiến, Nhã được thông báo rằng những đồng nghiệp chưa mắc bệnh sẽ ở lại nhà máy. Họ sẽ tiếp tục làm việc và xét nghiệm mỗi ngày.

“Công ty vừa báo họ sẽ chi trả toàn bộ viện phí và hỗ trợ em 3 triệu đồng cho mỗi tháng nghỉ việc chữa bệnh. Vậy là mình may mắn hơn nhiều người rồi”, Nhã mỉm cười.

Đứng ở ban công tầng 24 của tòa chung cư nằm giữa bán đảo Thủ Thiêm, cô gọi đây là căn hộ trong mơ, còn những ngày tháng này là “chuyến nghỉ dưỡng”. Nơi đây không phải là chung cư cao cấp nhưng nó là ước mơ của nữ công nhân đang trọ trong căn nhà cấp 4 ở huyện Nhà Bè.

“Trợ cấp đó để dành cho những người già, người không thể lao động”

Dng người gầy gò, đen sạm vì nắng, quần áo và dép dính bêtông, anh Ngô Việt Thắng (29 tuổi) ngồi nép ngoài cổng đại công trường ở xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Trên tay anh cầm tờ giấy xác nhận âm tính với SARS-CoV-2.

“Em là thợ xoa bêtông, quê Cà Mau, đang trọ ở quận 6”, anh Thắng giới thiệu và chỉ tay về chiếc Honda đang để giàn máy xoa ở yên sau.

Bóng râm mà anh Thắng ngồi được tạo nên từ cánh cổng cao sừng sững gắn tên một đại dự án nhà phố. Nơi đây sẽ mọc lên những dãy biệt thự liền kề hướng mặt ra đường Nguyễn Hữu Thọ, diện mạo tương lai của khu nam Sài Gòn.

Anh Thắng nói lát nữa, một người cai thầu sẽ ra cổng, đưa cho anh chiếc nón bảo hộ rồi dẫn vào làm việc. Mỗi ca như vậy, người thợ xoa nền bêtông nhận thù lao 500.000 đồng.

Hanh phuc la van duoc lam viec sau moi lan test nhanh anh 4

Công trường xây dựng nơi anh Thắng xoa nền bê tông. Ảnh: Ngọc Tân.

Với chiếc máy xoa bêtông đầu tư hết 9 triệu đồng, anh Thắng rong ruổi khắp các công trường xây dựng và kiếm khoảng 11 triệu đồng mỗi tháng, cao gấp rưỡi lương phụ hồ.

Nhưng đó là những ngày trước khi dịch Covid-19 bùng lên ở TP.HCM. Giờ đây, khi nhiều dự án nhỏ đóng cửa, anh phải lặn lội đến các công trường lớn mới có việc.

“Cả tháng rồi em chỉ làm được 6 ca thôi, đủ 3 triệu đóng tiền nhà”, người đàn ông này chia sẻ. Chiều nay, anh có thêm 500.000 đồng nhưng để được vào công trường lớn, anh Thắng đã phải bỏ ra 300.000 đồng làm test nhanh SARS-CoV-2.

Tấm giấy xét nghiệm ghi ngày 9/7, có giá trị trong 3 ngày. Nếu ngày mai anh không nhận thêm được ca nào, coi như 3 ngày chỉ thu về 200.000 đồng, chưa kể tiền xăng xe.

Trợ cấp đó để dành cho những người già, người không thể lao động. Tôi vẫn chưa thất nghiệp, sống qua ngày được mà.

Ngô Việt Thắng

Cuộc sống khó khăn nhưng Thắng nói sẽ không nhận các khoản trợ cấp cho người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

“Trợ cấp đó để dành cho những người già, người không thể lao động. Tôi vẫn chưa thất nghiệp, sống qua ngày được mà”, chàng trai quê Cà Mau nói trước khi đi về phía công trường.

Lúc này, một tốp công nhân tan ca. Họ hối hả ra về trong trang phục kín mít với khẩu trang và mũ chống nắng. Trong câu chuyện lúc tan làm, họ bày tỏ sự nóng ruột khi không biết chiều nay giá thực phẩm sẽ thế nào.

“40.000 đồng một chiếc bắp cải, ngay chợ Long Hậu đó”, chị Lâm, nữ công nhân nhà ở Cần Giuộc, thốt lên. Trong hầu bao của chị là những đồng tiền vay tạm bà con để chi tiêu lúc chờ nhận lương.

Tìm cách để sản xuất an toàn

“Đồng tiền phải luôn lưu chuyển”, vị doanh nhân trẻ tên Long nói khi vung chiếc gậy golf đánh “póc” một tiếng. Quả bóng trắng bay khỏi mặt cỏ rồi rơi xuống một gò đất cách đó 50 m. Một người bạn khác của anh Long lúc này đang lúi húi tìm bóng trong bụi cỏ.

Phóng viên gặp anh Long sau cuộc trò chuyện với nhóm công nhân xây dựng. Anh đỗ ôtô bên kia đường, nơi có một bãi cỏ xanh nằm liền kề khu biệt thự Dragon Parc Phước Kiển.

Anh là giám đốc một nhà thầu xây dựng, tìm đến bãi cỏ gần nhà sau khi các sân golf đóng cửa vì dịch bệnh. Trên sân golf không lỗ, người đàn ông đánh bóng rồi đi khắp sân nhặt lại cho đến khi lưng áo ướt mồ hôi. Trong lúc cơ bắp làm việc, đầu anh nghĩ về cách duy trì hoạt động cho doanh nghiệp của mình.

“Làm việc từ xa thì 100 lao động cấp dưới đói hết. Phải gặp đối tác, phải ký hợp đồng mới có tiền về, rồi dùng tiền đó trả lương cho anh em. Đồng tiền phải luôn lưu chuyển”, anh Long chia sẻ.

Trong khi những công nhân lương tháng 5 triệu đồng chau mày vì bài toán rau thịt cho gia đình, những doanh nhân như anh Long lại vắt óc cho bài toán tài chính doanh nghiệp. Covid-19 ảnh hưởng đến mọi ngành nghề, giữa những lo toan, anh Long vẫn tự động viên rằng ngành xây dựng may mắn khi chưa phải “bó tay chịu trói” như du lịch hay nhà hàng, khách sạn.

“Công trường xây dựng cũng giống như các nhà máy sản xuất, sẽ sống được trong thời dịch bệnh nếu như đội ngũ quản lý làm tốt. Họ sống thì nền kinh tế mới sống được. Vì sợ dịch mà cho công nhân nghỉ hết thì nền kinh tế sẽ chết”, vị giám đốc chia sẻ.

Anh Long xác định dù giãn cách, công trường vẫn cần hoạt động để thực hiện mục tiêu kép. Để đáp ứng điều kiện sản xuất an toàn, công ty của anh sẵn sàng trả chi phí xét nghiệm hàng tuần cho tất cả nhân viên.

Hanh phuc la van duoc lam viec sau moi lan test nhanh anh 5

Sông Sài Gòn chỉ còn những con tàu chở hàng ngược xuôi. Những chiếc du thuyền đã nằm im lìm từ khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Ngọc Tân.

Đầu tháng 7, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo cho thấy cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 trong quý II. Họ bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc hoặc nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập. So với quý trước, dịch đã làm tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.

Khi làm việc với TP.HCM và các địa phương, người đứng đầu Chính phủ đều nhắc đến yêu cầu đảm bảo đời sống cho người dân qua giai đoạn cam go của dịch bệnh.

Với những công nhân như anh Thắng và chị Nhã, hạnh phúc là sau mỗi lần test nhanh vẫn được làm việc tại nhà máy, công trường, nơi đem lại kế sinh nhai cho họ và cả giá trị cho nền kinh tế.

Nguồn: News.zing.vn