Hành trình 24 lần chinh phục Everest của người đàn ông 49 tuổi

0
149

Kami Rita (49 tuổi), người Nepal, với sức khỏe “trời phú” đã lập kỷ lục khi leo lên đỉnh Everest 24 lần. Vẫn chưa thỏa mãn, ông còn muốn chinh phục “nóc nhà thế giới” thêm nữa.

Đối với nhiều người, chinh phục đỉnh Everest một lần đã là thành tựu cả đời. Bởi ngoài số tiền lên đến hàng chục nghìn USD hay thời gian theo học các khóa đào tạo bài bản, muốn leo lên “nóc nhà thế giới”, bạn cũng cần khá nhiều may mắn.

Vào ngày 24/5, trên đường leo phía Tây Tạng, một người đàn ông 56 tuổi đến từ Ireland đã phải bỏ mạng giữa núi rừng. Nhà leo núi người Anh, Robin Fisher, 44 tuổi, lên đến đỉnh Everest vào sáng 25/5, nhưng cuối cùng đã ngã quỵ khi mới chỉ đi được 150 m trên đường xuống núi.

Những thông tin cập nhật số người chết trên đỉnh Everest chưa bao giờ có hồi kết. Tất cả đã minh chứng cho sự “khó nhằn” của cung đường chinh phục nóc nhà thế giới.

Tuy nhiên, Kami Rita (49 tuổi) lại lao vào “con đường chết chóc” ấy như một thú vui. Ngày 21/5, ông leo lên đỉnh Everest và đó đã là lần thứ 24 Kami tái hiện kỳ tích mà nhiều người phải dùng cả đời để đánh đổi…

Hanh trinh 24 lan chinh phuc Everest cua nguoi dan ong 49 tuoi hinh anh 1
Kami Rita ngồi trên đỉnh Everest sau chuyến đi lần thứ 23 vào ngày 15/5. Ảnh: Getty.

Sinh ra đã là bạn của núi

Kami là một người thuộc tộc Sherpa, tộc người thiểu số ở Nepal với dân số khoảng 150.000. Họ sống chủ yếu tập trung quanh khu vực Everest và nổi tiếng với khả năng leo núi, sức lực tốt khi sống ở độ cao.

Hanh trinh 24 lan chinh phuc Everest cua nguoi dan ong 49 tuoi hinh anh 2
Một người Sherpa vác thang cho người đi chinh phục đỉnh Everest. Ảnh: Tashi Sherpa/AP.

Bởi vậy, người Sherpa có khả năng làm việc trên núi cao, trong điều kiện oxy loãng – môi trường đòi hỏi người bình thường sẽ mất nhiều ngày hoặc hàng tuần để thích nghi. 

Nhiều người dân vùng thấp phải trải qua “cơn say” độ cao và các vấn đề đe dọa đến tính mạng như cao huyết áp hoặc phù não trên hành trình lên đỉnh. Tuy nhiên, người Sherpa lại hiếm gặp những vấn đề như vậy. 

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy nhóm dân tộc Sherpa đã phát triển các gene giúp họ đối phó với độ cao. Chúng có thể chuyển hóa không khí, tạo ra nhiều năng lượng hơn khi không có oxy.

Nối nghiệp bố, tạo nên kỳ tích

Bố của Kami Rita từng làm việc như một hướng dẫn viên trợ giúp những đoàn chinh phục đỉnh Everest. Đến năm 1992, ông quyết định nghỉ hưu để tận hưởng cuộc sống an nhàn với bầy gia súc.

Cùng thời điểm, Lakpa Rita, anh trai ruột Kami, hiện sống ở Seattle, đang làm hướng dẫn viên cho một cuộc thám hiểm đã mời em mình tham gia vào nhóm với vai trò đầu bếp.

Ít lâu sau, Kami Rita được đào tạo để trở thành một hướng dẫn viên leo núi chuyên nghiệp. Dân bản địa vẫn coi ông là người giỏi nhất ở Sherpa từ năm 1993 đến năm 2000. 

Hanh trinh 24 lan chinh phuc Everest cua nguoi dan ong 49 tuoi hinh anh 3
Nhiều người Sherpa làm việc như một hướng dẫn viên lên đỉnh Everest. Ảnh: Yongyut Kumsri/Shutterstock.

Với kinh nghiệm dày dặn và dòng máu Sherpa trong người, ông Kami đã trở thành người hùng trên con đường chinh phục “nóc nhà thế giới”. Kể từ năm 1994, lần đầu Kami đặt chân lên đỉnh Everest, gần như năm nào ông cũng thực hiện cuộc hành trình chinh phục độ cao 8.848 m.

Gần đây, Kami chinh phục thành công ngọn núi cao nhất thế giới vào sáng 21/5. Đó là lần thứ 24 ông leo lên đỉnh Everest. Lần 23 của người đàn ông này hoàn thành vào ngày 15/5, tức chỉ trong một tuần, Kami đã thực hiện 2 chuyến đi thành công.

Tuy nhiên, người đàn ông Sherpa với sức khỏe phi thường ấy cũng có lúc phải đối diện với “tử thần”. 

Năm 2015, một trận bão tuyết kinh hoàng ập đến bất ngờ đã vùi chôn 19 nhà leo núi dưới lớp đá lạnh giá mãi mãi. Kami may mắn sống sót trong giây phút hãi hùng ấy. 

Sau thảm họa, ông chịu áp lực lớn từ gia đình về việc từ bỏ công việc nguy hiểm. Dù vậy, Kami vẫn quyết định tiếp tục hỗ trợ các nhà leo núi lên đỉnh Everest.

Tháng 5 là mùa cao điểm để chinh phục đỉnh núi cao 8.848 m. Để giúp những nhà thám hiểm lên được đỉnh Everest, người Sherpa phải nghiên cứu trước địa hình, đặt dây thừng, neo thang tạm thời và chuẩn bị bình oxy. Tuy nhiên, sự hy sinh thầm lặng của họ lại ít được để tâm.

Theo Kami, mỗi ngọn núi đều có một nữ thần cai quản. Do đó, người Sherpa có trách nhiệm làm thần thánh hài lòng. “Nhiều tháng trước khi leo lên đỉnh, tôi bắt đầu cầu nguyện và xin nữ thần tha thứ vì tôi sẽ phải bước đi trên thân thể của thần”, ông chia sẻ.

Còn khỏe là còn đi

Ở tuổi 49, độ tuổi mà đáng lẽ ra người ta đã yên ổn bên mái ấm gia đình thì ông Kami vẫn miệt mài với “cơn nghiện” leo núi. 

Trả lời BBC, ông nói: “Tôi chưa có ý định nghỉ leo núi. Tôi có thể leo thêm vài năm nữa. Tôi khỏe mạnh, có thể tiếp tục đi cho đến khi tôi 60 tuổi. Có bình oxy hỗ trợ thì mọi thứ chẳng hề hấn gì.

Tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện lập kỷ lục. Thật ra, tôi còn chẳng biết tới chuyện đó nữa. Nếu biết sớm, tôi đã leo lên đỉnh núi nhiều lần hơn”.

Hanh trinh 24 lan chinh phuc Everest cua nguoi dan ong 49 tuoi hinh anh 4
Hành trình chinh phục “nóc nhà thế giới” của Kami chưa dừng lại, ông muốn được leo lên đỉnh Everest nhiều hơn nữa. Ảnh: Smithsonian.

Theo bà Mira Acharya, phát ngôn viên Tổng cục Du lịch Nepal, ông Kami Rita vẫn còn muốn chinh phục đỉnh núi Everest thêm một lần nữa. “Tôi vẫn khỏe và muốn leo lên Sagarmatha 25 lần” (Sagarmatha là cách gọi núi Everest theo tiếng địa phương), ông Kami Rita giãi bày.

Ngoài 24 lần tới đỉnh Everest, ông Kima đã chinh phục những “nóc nhà” khác trên thế giới gồm đỉnh K-2 (8.600 m), Cho-Oyu (8.188 m), Manaslu (8.163 m) và Lhotse (8.516 m).

Trở về như người hùng

Ngày 26/5, người đàn ông Sherpa 49 tuổi được gia đình, bạn bè và đông đảo người hâm mộ đón chào nồng nhiệt tại sân bay khi trở về thủ đô Kathmandu, Nepal, từ núi Everest.

Hanh trinh 24 lan chinh phuc Everest cua nguoi dan ong 49 tuoi hinh anh 5
Ông Kima trong sự chào đón của gia đình và người hâm mộ. Ảnh: AP.

Một bữa tiệc chúc mừng nhỏ được tổ chức ngay tại khu vực đỗ xe của sân bay Kathmandu trong tiếng trống truyền thống.

Kami trả lời phóng viên: “Tôi vô cùng hạnh phúc nhưng cũng cảm thấy có chút kiệt sức”.

Trong mùa leo lên đỉnh Everest gần nhất vào tháng 5, có 41 đoàn với tổng số 378 người được phép chinh phục “nóc nhà thế giới”. Tuy nhiên, khoảng hơn 10 người đã phải bỏ mạng giữa đường vì thiếu oxy ở độ cao gây đau đầu, nôn mửa, khó thở và rối loạn tâm thần.

Murari Sharma, Giám đốc điều hành Everest Parivar Expedition, nói: “Tôi thật sự đau lòng cho những ai đã ngã gục trên cuộc hành trình. Một người Anh tên Fisher đã bất tỉnh giữa chừng. Sau đó, nhóm Sherpa dù đã cố gắng hết sức cũng chẳng thể giữ lại mạng sống cho anh ấy”.

Cô gái sống sót từ đỉnh Everest kể giây phút bị mắc kẹt Điều kiện khí hậu không thuận lợi đã khiến đường lên đỉnh Everest bị ùn tắc nghiêm trọng. Có ít nhất 11 người đã thiệt mạng trong mùa chinh phục “nóc nhà thế giới” năm nay.

Nguồn: News.zing.vn

Kinh nghiệm du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn