
VTV.vn – “Du lịch xanh” là cụm từ được nhắc đến hướng tới nền kinh tế bền vững, ứng phó với BĐKH. Quá trình “xanh hóa” cần được chuyển đổi từ trong tư duy, thói quen, lối sống.
Sau rất nhiều thay đổi khắc nghiệt của khí hậu, có lẽ chúng ta đều ý thức được rằng đã đến lúc quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường trong tất cả các lĩnh vực sản xuất – kinh doanh, đặc biệt là du lịch. Du lịch Việt Nam đã có những bước chuyển mình, nhưng ở đâu đó chỉ hô hào khẩu hiệu, hình thức chứ chưa thực sự đạt kết quả. Nhiều công trình được quy hoạch xây dựng chưa hài hòa với cảnh quan, nhiều điểm du lịch chưa phân loại rác thải và sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường, nhiều du khách vẫn xả rác khi lên rừng hay xuống biển.
“Xanh ở đây không phải là việc phủ sóng màu sắc mà là quá trình xanh hóa trong tư duy, thói quen, nếp sống, ứng xử và hành động để hình thành văn hóa xanh. Chỉ khi nhận thức rõ điều này, ngành du lịch mới có những điểm đến xanh, sản phẩm xanh và dịch vụ xanh” – ông Hà Văn Siêu – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam nêu rõ.
Thay thế nhựa một lần bằng những vật dụng bền vững, thân thiện với môi trường.
Ông Lương Duy Doanh, Trưởng ban truyền thông của Câu lạc bộ lữ hành Unesco Hà Nội, đồng thời là Giám đốc Fivestar Travel chia sẻ: “Cá nhân tôi hiểu du lịch xanh là gìn giữ, bảo tồn những giá trị về thiên nhiên, sinh thái, cũng như giảm rác thải, giảm sự tác động tới môi trường. Chúng ta cần tích cực trồng thêm cây xanh, phục hồi rừng để tăng màu xanh, đồng thời kết hợp với việc tuyên truyền, quảng bá tới tất cả người dân. Đặc biệt, các công ty lữ hành và khách du lịch nên lồng ghép những thông điệp bảo vệ môi trường trong hành trình khám phá cảnh đẹp.”
Cũng theo ông Doanh, có những đoàn khách khi thấy cành hoa đẹp sẵn sàng hái, bẻ, chặt để được đạt được mục đích của mình. Tưởng chừng hành động của một người không ảnh hưởng nhiều, nhưng nếu có cả hàng ngàn người như vậy thì làm gì còn cảnh đẹp nữa. Mà với du lịch thì không khí, môi trường là yếu tố tiên quyết để du khách cảm nhận sự khác biệt khi đến tham quan, trải nghiệm.
Những điểm đến xanh về thiên nhiên và văn hóa ở Lâm Bình, Tuyên Quang.
Phát triển các điểm đến và sản phẩm thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường
Theo Cục Lâm nghiệp, khách du lịch đến các khu rừng đặc dụng tăng mạnh sau dịch COVID-19. Có lẽ, nhiều người Việt đã quan tâm hơn tới sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần nên chọn hành trình “trở về thiên nhiên”. Cả nước có gần 2,4 triệu hecta rừng đặc dụng; 5,5 triệu hecta rừng phòng hộ. Trong đó có 67 ban quản lý khu rừng đặc dụng, phòng hộ có tổ chức các hoạt động kinh doanh du lịch sinh thái, chủ yếu là ở các khu rừng đặc dụng.
Tiêu biểu, Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) hiện có 17 sản phẩm du lịch. Bên cạnh các tour khám phá hang động vốn đã nổi tiếng tầm quốc tế, các sản phẩm du lịch sinh thái được khách nội địa yêu thích như: Suối nước Moọc, Sông Chày – Hang Tối,… VQG Phong Nha – Kẻ Bàng còn hướng tới phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, như khám phá văn hóa dân tộc tại các bản làng xung quanh vùng đệm của di sản nhằm góp phần làm phong phú thêm trải nghiệm của du khách, đồng thời mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Vườn quốc gia Cúc Phương phát triển du lịch xanh gắn với bảo tồn thiên nhiên, giáo dục môi trường với các sản phẩm như: trại hè “Lớn lên cùng đại ngàn” để nâng cao ý thức và tình yêu thiên nhiên cho các thế hệ học sinh, sinh viên… hay hành trình hồi sinh, tour “Về nhà” dành cho việc chăm sóc, cứu hộ các loài động vật hoang dã…
Khu du lịch Suối Moọc (Quảng Bình) có lượng du khách ổn định.
Thương hiệu “Go Green” của một công ty lữ hành nổi bật với bộ sản phẩm du lịch xanh “Hồi sinh những lá phổi xanh”. Du khách được tham gia trồng cây tại VQG Bidoup trong tour “Trao đi để nhận lại”; được tham gia trồng rừng phòng hộ ven biển tại Bãi Bồi trong tour “Những nẻo đường phù sa” ở đất mũi Cà Mau; tham gia nỗ lực nâng tỷ lệ phủ xanh rừng Cần Giờ trong tour “Về Cần Giờ – lắng nghe hơi thở của rừng”; tìm hiểu về chương trình bảo tồn rùa biển ở Hòn Bảy Cạnh (Côn Đảo); hay trải nghiệm cùng người dân bản địa đi gác kèo ong tại VQG U Minh Hạ…
Du lịch kết hợp trồng cây ở vùng đệm các vườn quốc gia.
Net Zero là trạng thái mà lượng phát thải khí nhà kính vào khí quyển được cân bằng với lượng loại bỏ khí nhà kính ra khỏi bầu khí quyển. Du lịch Net Zero là xu hướng mới trong ngành du lịch, hướng tới mục tiêu giảm thiểu hoặc loại bỏ lượng khí thải carbon cùng những tác động tiêu cực đến môi trường từ các hoạt động du lịch. Nhìn ra quốc tế, Bhutan – quốc gia ở phía Đông dãy Himalaya là nền kinh tế carbon âm tính duy nhất trên toàn cầu. Nền tảng của chiến lược đạt mục tiêu carbon âm tính của Bhutan là chính sách bảo tồn rừng nghiêm ngặt, với khoảng 72% diện tích đất được bao phủ bởi rừng. Việc bảo tồn rừng gắn liền với triết lý quốc gia về “hạnh phúc”, bởi môi trường đóng một phần không thể thiếu trong hạnh phúc chung của xã hội nên bảo vệ môi trường và xây dựng nền kinh tế xanh, thúc đẩy phát triển bền vững đã trở thành trọng tâm của quá trình ra quyết định và là sứ mệnh đạo đức của mỗi người dân Bhutan.
Du lịch xanh – Du lịch bền vững – Du lịch Net Zero sẽ không chỉ mang đến một nền kinh tế phát triển, mà còn giúp mỗi người dân được hít thở bầu không khí trong lành, được chăm sóc sức khỏe bởi năng lượng của thiên nhiên. “Khỏe để hạnh phúc”, và hạnh phúc ấy sẽ cần sự quyết tâm phối hợp của ngành du lịch với nhiều bộ, ngành liên quan. Nhưng trước khi chờ ai đó hành động, tốt hơn hết, mỗi người hãy chủ động có ý thức để bảo vệ môi trường sống xung quanh mình.
Nguồn: Vtv