(TITC) – Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) không chỉ nổi tiếng với khu du lịch nghỉ dưỡng lý tưởng mà còn là mảnh đất địa linh với nhiều đền thờ, chùa cổ và những lễ hội đặc sắc. Tiềm năng phong phú về du lịch tâm linh đã góp phần thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, chiêm bái tại Tam Đảo, đặc biệt vào mùa lễ hội.
Khu di tích danh thắng Tây Thiên (Nguồn ảnh: Internet)
Nổi bật nhất trong hệ thống các di tích văn hóa ở huyện Tam Đảo phải kể đến Khu di tích danh thắng Tây Thiên (xã Đại Đình), cách thủ đô Hà Nội khoảng 70km về phía tây bắc. Nằm trên đỉnh núi Thạch Bàn thuộc dãy Tam Đảo, Tây Thiên được bao bọc bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, nên thơ, tạo nên bầu không khí trầm lắng, thanh tịnh. Đối với du khách, Tây Thiên được biết đến là vùng đất linh thiêng, nơi giao thoa giữa văn hóa đạo Phật và tín ngưỡng thờ Mẫu.
Nơi đây sở hữu một quần thể đền, chùa, miếu phong phú như Đền Thượng Tây Thiên (nơi thờ Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu – Hoàng phi của vua Hùng Chiêu Vương thứ VII), Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm, Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, Đền Thõng, Đền Cậu, Đền Cô Bé, Đền Tam Tòa Thánh Mẫu, Đền Địa Mẫu, Đền Cô Chín và các ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII-XIV. Cũng tại Tây Thiên, Lễ hội Tây Thiên được coi là một trong những lễ hội lớn nhất miền Bắc, tổ chức từ ngày 15-17/2 âm lịch hàng năm với phần lễ và hội đặc sắc.
Cáp treo Tây Thiên
Nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của du khách, tuyến cáp treo Tây Thiên được hoàn thành và đưa vào hoạt động từ đầu năm 2012 là dự án nằm trong chiến lược phát triển du lịch tâm linh tại Khu di tích danh thắng Tây Thiên. Với chiều dài 2,5km, tuyến cáp treo giúp du khách chiêm ngưỡng trọn vẹn cảnh sắc non nước hữu tình trên hành trình “Đến với Phật về với Mẫu”.
Rời khỏi Tây Thiên và ghé thăm thị trấn Tam Đảo, du khách sẽ có cơ hội tham quan các điểm du lịch – văn hóa đặc sắc của thị trấn. Hệ thống các điểm du lịch tâm linh tại đây rất đa dạng trải dài từ chân núi lên đến đỉnh. Từ Đền Chân Suối, Đền Đức Thánh Trần, Đền Cô, Đền Cậu đến Đền Bà Chúa Thượng Ngàn, Đền thờ Quốc Mẫu Vua Bà, Chùa Vàng. Mỗi di tích lại mang một câu chuyện khác nhau, nhưng linh thiêng và nổi tiếng nhất là Đền Bà Chúa Thượng Ngàn.
Tọa lạc trên dãy Tam Đảo, Đền Bà Chúa Thượng Ngàn (còn gọi là Đền Chúa) mang kiến trúc đặc trưng như những ngôi đền khác ở vùng đồng bằng Bắc bộ và thờ Mẫu theo tín ngưỡng dân gian của người Việt. Được biết, ngôi đền được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, khi người Pháp bắt đầu khám phá ra Khu du lịch Tam Đảo. Trong quá trình làm các tuyến đường lên Tam Đảo, một nhà thầu người Việt đã đầu tư xây dựng ngôi đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn.
Đi bộ dọc theo con đường nhỏ ôm lấy những triền núi, lối vào đền bắt đầu bằng 300 bậc đá được phủ mát bởi những hàng trúc xanh. Phía bên ngoài đền có treo bảng sơn nền đỏ với 4 chữ vàng “Lĩnh Chủ Linh Từ”, bên trong được trang trí nguy nga, tráng lệ. Ở độ cao trên 1.400m so với mực nước biển, ngôi đền được ví như nơi giao hòa giữa trời và đất, thích hợp cho những chuyến hành hương khai xuân. Ngày nay, ngôi đền đã được trùng tu lại khang trang hơn, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái.
Nhà thờ đá Tam Đảo (Nguồn ảnh: TTXVN)
Trong cõi tâm linh trên đỉnh Tam Đảo, bên cạnh các chùa, đền, miếu mạo, còn có Nhà thờ đá cổ. Không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân, Nhà thờ đá cổ Tam Đảo còn trở thành địa điểm du lịch không thể thiếu với mỗi du khách khi đến Tam Đảo. Từ ngôi nhà sàn lợp lá được người Pháp xây dựng vào năm 1906, Nhà thờ chính thức được xây dựng kiên cố bằng đá theo mô hình kiến trúc Gothic vào năm 1937.
Phía trước Nhà thờ là một khoảng sân rộng với những cửa vòm được làm bằng đá xanh. Từ cửa vòm này, du khách có thể chiêm ngưỡng toàn bộ thị trấn nhỏ xinh đẹp Tam Đảo. Giữa vẻ đẹp huyền ảo của thị trấn ngàn mây, đây là một trong 4 nhà thờ đá nổi tiếng của nước ta (cùng với nhà thờ đá cổ Sa Pa, nhà thờ đá Nha Trang và nhà thờ đá Phát Diệm).
Bên cạnh vẻ đẹp trữ tình, Tam Đảo còn mang một vẻ đẹp tâm linh, huyền bí với những đền, chùa cổ kính mang đậm dấu ấn lịch sử-văn hóa, trở thành nơi thư thái, tịnh tâm với bất kỳ du khách nào.
Khánh Trang
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn