Hành trình tìm về miền cổ xưa ở Trung Quốc

0
163

Hình ảnh những người dân tốt bụng, phong cảnh núi, sông thơ mộng, hùng vĩ đã để lại trong lòng mình tình cảm thân thương, yêu mến về vùng đất Vân Nam (Trung Quốc).

Hanh trinh tim ve mien co xua o Trung Quoc hinh anh 1

Hình ảnh con người tốt bụng, thân thiện, thị trấn cổ xưa, yên bình, phong cảnh thiên nhiên thơ mộng, hùng vĩ đã để lại trong lòng mình những tình cảm thân thương, yêu mến về vùng đất Vân Nam (Trung Quốc).

Bởi ước mơ khám phá vùng đất Trung Hoa rộng lớn từ thời thơ ấu, sau chuyến Phượng Hoàng Cổ Trấn, mình tiếp tục hành trình đến với miền cổ xưa Vân Nam. Cảnh sắc nơi đây khiến bạn như lạc vào khu vườn cổ tích giữa đời thực.

Lịch trình chuyến đi

Mình đi hoàn toàn bằng đường bộ bởi vé máy bay qua Trung Quốc khá hạn chế, đắt đỏ và cảm giác khi được ngắm sông, nhìn núi từ cửa sổ toa tàu rất thú vị.

Mất hơn một ngày để mình di chuyển quãng đường Hà Nội – Lào Cai, sau đó qua Hà Khẩu và có mặt trên chuyến tàu đêm để đến với vùng đất Vân Nam.

Theo kế hoạch, bốn ngày là khoảng thời gian để mình tham quan và khám phá những địa điểm nổi tiếng như thành cổ Lệ Giang, núi tuyết Ngọc Long, Hương Cách Lý Lạp, tu viện Tùng Tán Lâm, hồ Nạp Mạt Hải…

Tuy nhiên, nơi đây có quá nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, mình quyết định thêm một ngày níu chân ở cổ trấn Lệ Giang và một đêm để khám phá Côn Minh, thành phố được mệnh danh là “Geneva của phương Đông”.

Lịch trình này của mình không dành cho những người có thể trạng yếu bởi khả năng cao bạn sẽ khá mệt, thậm chí oải dần vào những ngày cuối.

Có cần xin visa không?

Nhiều người hỏi mình: ” Đi Trung Quốc có cần visa không?”. Câu trả lời là người Việt Nam cần có visa (thị thực) để nhập cảnh Trung Quốc.

Theo mình tìm hiểu, từ khi Phượng Hoàng Cổ Trấn nổi lên, giá tăng khá nhiều, chi phí thấp nhất hiện nay là 80 USD. Trước đó, giá để làm visa chỉ dao động vào khoảng 65-75 USD.

Nếu muốn tiết kiệm hơn, bạn có thể đến Đại sứ quán ở Hoàng Diệu, chi phí để làm visa là 60 USD. Thông tin về thủ tục trên Internet khá rõ ràng, chi tiết.

Những thứ cần chuẩn bị

Đây là phần rất quan trọng trước mỗi hành trình. Mình mất 3 tháng để tìm hiểu về Lệ Giang, chuẩn bị đồ đạc, đặt nơi ăn, chốn ở… Không biết do trời thương hay vì cẩn thận, chuyến đi diễn ra suôn sẻ, may mắn. 

Lời khuyên của mình trước khi đến một nơi xa xôi là đừng chỉ đọc một thông tin, hãy tìm tất cả mọi thứ liên quan và dành thời gian chuẩn bị kỹ càng để chuyến đi thuận lợi nhất có thể.

Đầu tiên, bạn không thể quên sạc dự phòng. Vật đính kèm này sẽ giúp bạn thoải mái chụp ảnh, liên lạc với mọi người cũng như tìm hiểu qua Internet bằng điện thoại trong những trường hợp rủi ro.

Ẩm thực Vân Nam rất ngon, siêu thị đặt cạnh các ga tàu khá nhiều, mình nghĩ không cần thiết chuẩn bị nhiều đồ ăn sẵn. Thay vào đó, bạn nên mang theo giấy vệ sinh, ở đây rất hiếm vật dụng này, thâm chí nhà hàng ăn uống cũng không có và nhớ bỏ vào vali miếng dán nhiệt vì Hương Cách Lý Lạp rất lạnh.

Lệ Giang luôn tấp nập khách du lịch, bạn nên đặt phòng trước để tránh rủi ro không còn chỗ ngủ. Giá chung của các hostel nhỏ xinh là 40-50 tệ/dorm/người (135.000-170.000 đồng), phòng riêng 160-250 tệ (540.000-840.000 đồng).

Với phương tiện di chuyển, bạn có thể đến ga mua vé hoặc đặt trước trên web với phí 30 tệ (hơn 100.000 đồng). Để phân bổ thời gian phù hợp cho chuyến đi, tham khảo trước giờ tàu chạy, ghi nhớ bằng cách viết ra giấy hoặc chụp lại cẩn thận là điều bạn không nên bỏ qua. 

Mình đổi tiền ở phố Hà Trung (Hà Nội), giả vờ kiểm tra xem giả hay thật và may mắn chưa bị lừa đảo lần nào. Bạn có thể đi từ đầu đến cuối đường, tìm chỗ rẻ nhất, thương lượng với chủ quán để đổi nhiều tiền với giá tốt.

Người dân địa phương ở khu vực mình tới gần như không dùng tiếng Anh. Bạn nên học một số câu hỏi quan trọng như ở đâu, bao tiền, đắt thế, bớt đi… hoặc chuẩn bị sẵn những từ thông dụng trong điện thoại để người bản xứ hiểu ý mình muốn nói khi cần sự giúp đỡ .

Với diện tích rất rộng, thủ tục ở ga tàu khá phức tạp, nếu không chuẩn bị một ít vốn ngoại ngữ, bạn sẽ rất mất thời gian, dễ chán nản và khó tìm kiếm sự trợ giúp từ người dân. Mình có học thêm tiếng Trung cơ bản, chăm chỉ xem phim, nghe nhạc nên đủ để giao tiếp thông thường.

Những địa điểm ghé thăm

Đến ga Côn Minh lúc 15h30, thành phố mùa xuân của Trung Quốc có rất nhiều địa điểm để sống ảo. Sau 5 tiếng khám phá ẩm thực, dạo phố, mua sắm, mình tiếp tục hành trình trên chuyến tàu đi Lệ Giang và đặt chân đến miền đất cổ xưa vào một buổi sáng trong lành.

Cổ trấn Lệ Giang: Với mình, thị trấn nơi đây bình yên đến lạ. Đêm xuống, nhạc từ các quán bar ven đường nhẹ nhàng phát ra. Vừa dạo phố, ăn bánh hoa đặc sản, mình cảm thấy cuộc sống này êm đềm, dễ chịu hơn bao giờ hết.

Hanh trinh tim ve mien co xua o Trung Quoc hinh anh 23
Khung cảnh êm đềm ở cổ trấn.

Vạn Cổ Lâu: Vì không tìm hiểu đường trước khi đi, mình mất khá nhiều thời gian để di chuyển. Vạn Cổ Lâu có những quán cà phê ngắm trọn Lệ Giang tuyệt đẹp. Bạn có thể đến đây vừa nhâm nhi ly nước nóng hổi, vừa chiêm ngưỡng toàn cảnh mảnh đất cổ kính này.

Núi tuyết Ngọc Long: Chi phí bao gồm vật dụng đi kèm và các loại vé đầy đủ là 530 tệ/người (1,8 triệu đồng) và 780 tệ (2,62 triệu đồng) nếu xem chương trình Ấn tượng Lệ Giang.

Sau quãng đường vất vả vì phải đi bộ khá xa, mình vỡ òa sung sướng khi được tận hưởng khung cảnh đẹp tuyệt của nơi đây, Mặt Trời ló ra, tuyết phản chiếu lấp lánh, rực rỡ.

Quảng trường Ngọc Hà: Là một trong những cổng chính để vào cổ trấn Lệ Giang, quảng trường Ngọc Hà nổi tiếng với hình ảnh những chiếc chuông gắn thông điệp riêng của nhiều người, hai bánh xe nước khổng lồ độc đáo dưới con sông êm ả chảy quanh thị trấn cổ Lệ Giang.

Tu viện Tùng Tán Lâm: Vé vào cửa tu viện là 115 tệ (387.000 đồng), rẻ hơn 10 tệ (34.000 đồng) nếu mua tại hostel. Mình có thẻ sinh viên quốc tế nên chỉ mất 75 tệ (252.000 đồng). Tu viện to rộng với kiến trúc độc đáo của người Tây Tạng với thung lũng lá đỏ, vàng sống ảo tuyệt vời. 

Nạp Mạt Hải: Nơi đây là vùng đất rộng lớn, mênh mông, bạt ngàn cỏ xanh, những đàn ngựa nhởn nhơ bên hồ nước hiền hòa. Bạn có thể đi bộ, giá vé vào là 40 tệ (135.000 đồng) hoặc đi ngựa có người dắt với chi phí 100 tệ/một tiếng (337.000 đồng/một tiếng).

Hương Cách Lý Lạp: Nằm ở phía Tây Bắc, Vân Nam, nơi đây tập trung chủ yếu người Tây Tạng với khung cảnh thiên nhiên thanh bình, những ngọn đồi xanh mướt, dãy núi tuyết trắng hùng vĩ, không khí quanh năm trong lành, mát mẻ.

Mình nghĩ ai cũng nên đến Vân Nam một lần trong đời. Vì yêu mến mảnh đất này, sau chuyến đi, mình đã quyết định sẽ trở lại cùng người thương để chụp ảnh cưới.

Chi phí cho chuyến đi

Mỗi người một mức chi tiêu khác nhau. Theo mình, bạn cần ít nhất 12 triệu cho hành trình đường bộ, chưa kể quà cáp. Nếu không có kinh nghiệm, bạn nên đổi 3.000-3.500 tệ (10-12 triệu đồng) và cầm thẻ hộ chiếu đi kèm để đề phòng trường hợp bất trắc xảy ra.

Thị trấn 2.000 năm ở Trung Quốc mệnh danh ‘Venice của phương Đông’ Nằm trên con đường tơ lụa, Trấn Viễn là thị trấn cổ 2.000 năm tuổi của Trung Quốc thu hút nhiều du khách tham quan. Vì sao nơi này được mệnh danh là “Venice của phương Đông”?

Nguồn: News.zing.vn

Kinh nghiệm du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn