Hậu dịch ở hẻm ăn uống số 8 Lê Thánh Tôn

0
47

Dù đã mở cửa hoạt động trở lại hơn nửa tháng, nhiều hàng quán bên trong con hẻm số 8 (đường Lê Thánh Tôn, quận 1) vẫn khá vắng vẻ.

hem so 8 Le Thanh Ton anh 1

Giữa tháng 11, Zing ghi nhận tình hình vắng vẻ tại các nhà hàng, quán ăn ở hẻm số 8, đường Lê Thánh Tôn (quận 1). Giờ cao điểm, nhiều địa chỉ ăn uống không xảy ra tình trạng “cháy bàn” như trước dịch.

Hẻm nhỏ, nép mình sau những con đường lớn, là nét đặc trưng được nhiều người nhắc tới khi bàn về TP.HCM. Những con hẻm hình thành lâu đời, có chốn bình yên nhưng cũng không thiếu khu nhộn nhịp, hội tụ đủ loại hàng quán, thu hút thực khách khắp nơi.

Con hẻm số 8 dài chưa tới 100 m trên đường Lê Thánh Tôn là một nơi như thế. Với hàng chục nhà hàng, quán ăn phục vụ từ pizza, ramen đến cà phê, cơm văn phòng, hẻm nhỏ này từng tấp nập thực khách ra vào mỗi buổi trưa.

hem so 8 Le Thanh Ton anh 2


Chưa thể lấy lại vẻ nhộn nhịp thường thấy

Trở lại con hẻm vào ngày đầu tuần, ở khung giờ sôi động nhất (11h30-13h20), tôi chứng kiến khung cảnh có phần đìu hiu, vắng vẻ hơn hẳn so với ấn tượng cách đây hơn 5 tháng.

ITTOU RAMEN chưa có dấu hiệu hoạt động lại. Miso Ramen Chikura, Tru Nail & Beauty Japan chỉ mở cửa một số ngày nhất định trong tuần, không kinh doanh thứ hai.

Đại diện nhà hàng Miyakoya, Gyumaru, Mistrono Ramen Chikura cho biết mùa này, người đến dùng bữa thưa thớt hơn. Mỗi ngày, họ chỉ tiếp đón chừng 30-50% khách.

12h trưa, nhà hàng Gyumaru lác đác vài người ngồi ăn. Quản lý tại đây giải thích tình hình vẫn còn phức tạp nên nhiều người chưa tự tin ăn ngoài. Vì thế, số lượng đơn online của nhà hàng tăng, chiếm 50% doanh thu trong thời gian này.

Tôi có dịp ngồi trò chuyện với chị chủ một quán ăn phục vụ món Nhật kết hợp cơm trưa văn phòng.

“Công việc kinh doanh bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái đang dần ổn định thì đến tháng 5, tôi phải ngừng phục vụ tại chỗ. Hàng quán trong hẻm cũng đóng cửa gần hết nên không khí buồn lắm”.

Giống như nhiều địa điểm ăn uống khác, doanh thu của chị chỉ đạt chừng 50% so với thời điểm trước: “Hồi đó, đón 70-80 khách/lượt là điều bình thường với nhà hàng tôi. Bây giờ, lúc đông nhất, chúng tôi chỉ phục vụ chừng 25 người”.

Trước mùa dịch, chị thuê nhiều nhân viên đảm nhận từ khâu chế biến, phục vụ đến dọn dẹp nhưng buộc phải cắt giảm để tiết kiệm chi phí.

Coco Quán của anh Sơn, địa chỉ nằm đầu con hẻm, cũng gặp tình trạng tương tự. Thời gian mở bán lại gần đây, lượng khách đến quán chỉ ở mức 30%. Anh Sơn gọi đây là giai đoạn “chạm đáy”, ảm đạm nhất trong 8 năm kinh doanh ẩm thực của mình.

“Tôi may mắn hơn nhiều chủ nhà hàng, quán ăn khi không phải thuê mặt bằng kinh doanh, nhờ đó giảm bớt gánh nặng về chi phí và trụ vững qua mùa dịch. Tuy nhiên, tôi cho rằng phải mất thêm nhiều thời gian nữa lượng khách mới ổn định trở lại”, anh chia sẻ.


Thực khách thay đổi thói quen

Hoàn thành công việc muộn hơn thường ngày, Thanh Liên (nhân viên văn phòng, 28 tuổi) vội vã rời khỏi công ty vì đã đặt bàn lúc 12h tại nhà hàng pizza nằm cuối con hẻm số 8 Lê Thánh Tôn.

Tuy nhiên, khi đến nơi, cô bất ngờ vì lượng khách không đông đúc như tưởng tượng: “Trước kia, vào giờ cao điểm buổi trưa, nếu không đặt bàn mà đến, chúng tôi nhiều lần phải rời đi vì hết chỗ”.

Liên hỏi nhân viên phục vụ thì biết sau khoảng thời gian đông đúc ban đầu, 2 tuần nay, lượng khách đã dần bình ổn. Nơi đây cũng không xảy ra tình trạng “cháy bàn”.

Tự nhận mình là “khách ruột” tại các quán ăn trong hẻm nhỏ, Thái Bảo (31 tuổi) cũng có chung cảm nhận nơi này vắng vẻ hơn xưa.

Thời gian gần đây, anh quay lại nhiều lần nhưng hầu như không còn tình trạng đông đúc ở các quán cơm trưa. “Đi muộn một chút, tôi cũng không lo hết món”, Thái Bảo chia sẻ.

Anh Bảo cho biết: “Công ty tôi ở gần và có thể đi bộ tới đây. Trước kia, anh em đồng nghiệp rất hay rủ nhau ra ăn trưa vì hàng quán đa dạng, món Việt, món Nhật đủ mức giá. Song hiện nay, nhiều bạn bè tỏ ra e ngại đến nơi đông đúc như nhà hàng, quán ăn”.

Hậu dịch, thói quen ăn uống của người trẻ có sự thay đổi lớn, họ tự nấu hoặc đặt đồ ăn online thay vì ra ngoài.

hem so 8 Le Thanh Ton anh 5

Tôi hẹn Thanh Liên ở quán cà phê vỉa hè đầu con hẻm, trước khi cô bạn bắt đầu công việc buổi chiều. 12h45, quán có khoảng 20 khách dùng nước.

Liên cho rằng đa số nhà hàng bên trong đều “kín cổng cao tường” nên đây là nơi duy nhất thực khách có thể cảm nhận không khí náo nhiệt giờ trưa.

Dù chưa thật sự sôi động như trước, tôi và Liên đều đồng ý đây vẫn là dấu hiệu tích cực cho thấy con đường đang dần hồi sinh.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn