Thỏa thuận mật cho phép các đặc vụ an ninh của Trung Quốc tiếp cận Thụy Sĩ, và bằng tiền thuế của dân Thụy Sĩ, lần đầu tiên được tiết lộ trong lúc Bern muốn gia hạn thỏa thuận.
Được ký kết từ năm 2015, bản “thỏa thuận tái tiếp nhận” vừa hết hiệu lực vào ngày 7/12. Các điều khoản đã cho phép đặc vụ Trung Quốc đến Thụy Sĩ để phỏng vấn những công dân Trung Quốc nằm trong diện tình nghi của giới chức Thụy Sĩ và có nguy cơ bị trục xuất.
Khác với hơn 50 thỏa thuận mà Thụy Sĩ từng ký kết với các quốc gia khác, thỏa thuận tái tiếp nhận với Trung Quốc chưa từng được công khai, thậm chí không được thừa nhận cho đến tháng 8 vừa qua.
Thỏa thuận tái tiếp nhận là các thỏa thuận song phương hoặc đa phương được ký giữa các quốc gia để điều chỉnh nền tảng, quy trình và cách thức một nước trao trả lại những người ngoại quốc không còn đủ điều kiện hoặc mong muốn ở nước họ nữa.
Theo Guardian, nhóm vận động nhân quyền Safeguard Defenders đã tiết lộ bản dịch tiếng Anh của thỏa thuận Trung Quốc – Thụy Sĩ.
Bản thỏa thuận ngầm
Theo bản dịch của thỏa thuận, các “chuyên gia” từ Bộ Công an Trung Quốc (MPS) sẽ được mời đến Thụy Sĩ để “làm nhiệm vụ” trong vòng 2 tuần. Sau khi nhận lời mời, Trung Quốc có thể lựa chọn và gửi đặc vụ đến Thụy Sĩ mà không cần đợi chính phủ nước sở tại phê duyệt.
Đáng chú ý, các đặc vụ Trung Quốc sẽ được giữ kín danh tính và tự do nhập cảnh vào Thụy Sĩ. Những báo cáo trong thời gian công tác cũng được giới chức nước sở tại giữ bí mật.
Theo nhóm Safeguard Defenders, thỏa thuận tái tiếp nhận là điều thường thấy trong luật pháp quốc tế. Song thỏa thuận năm 2015 của Bern với Bắc Kinh lại “hoàn toàn khác biệt”, so với những văn kiện mà nước này ký kết với các quốc gia khác.
Người Trung Quốc sống tại Thụy Sĩ chào đón Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến thăm năm 2017. Ảnh: China Daily. |
Ngoài việc giữ bí mật thỏa thuận thì việc chính phủ Thụy Sĩ cho phép các đặc vụ Trung Quốc tự do hoạt động tình báo cũng là điều bất thường.
Ông Peter Dahlin, chủ tịch nhóm Safeguard Defenders bình luận: “Chỉ trong một vài trường hợp, các bên ký thỏa thuận tái tiếp nhận mới cử đại diện sang nước đối tác. Nếu làm vậy, người đại diện phải bị giới hạn phạm vi hoạt động và phải thực hiện các nhiệm vụ một cách công khai”.
Cũng theo ông Dahlin, không có điều khoản nào quy định việc giám sát các đặc vụ Trung Quốc. Điều nghiêm trọng hơn là các đặc vụ ẩn danh có thể sử dụng visa du lịch. Như vậy, họ hoàn toàn có khả năng hoạt động tình báo trong khối Schengen gồm 22 nước thuộc Liên minh châu Âu.
“Trong hai tuần, hoạt động của các đặc vụ Trung Quốc không hề được giám sát”, ông Dahlin nói. “Nếu giữ bí mật thỏa thuận này, chính phủ các nước khác sẽ không nhận thức được nguy cơ bị do thám”.
Giáo sư luật Margaret Lewis từ Đại học Seton Hall, Mỹ, nhận xét bản thỏa thuận ắt hẳn đã mang về lợi ích lớn cho Trung Quốc. “Thật kỳ lạ khi những người di cư trái phép lại khiến giới chức Trung Quốc bận tâm đến mức đích thân sang thẩm vấn”, bà nói.
Quốc hội Thụy Sĩ không hay biết
Bản thỏa thuận với Trung Quốc được giữ bí mật đến mức Quốc hội và Ủy ban Đối ngoại của Thụy Sĩ cũng không hề hay biết. Mới đây, Ủy ban Đối ngoại đã bỏ phiếu để bổ sung thủ tục tham vấn trước khi chính phủ gia hạn thỏa thuận này.
Khi mới được công khai thừa nhận hồi tháng 8, bản thỏa thuận đã khiến dư luận tại Thụy Sĩ dậy sóng. Cùng lúc này, cộng đồng quốc tế lo ngại việc Trung Quốc coi các nhà hoạt động bất đồng chính kiến là mục tiêu.
Trong khi đó, Ban Thư ký Di cư Thụy Sĩ (SEM) lại coi đây là biện pháp cần thiết để đối phó với tình trạng di cư bất hợp pháp. Đơn vị này khẳng định vẫn kiểm soát việc cung cấp thông tin cho các đặc vụ Trung Quốc.
Theo nhiều nhóm vận động, Thụy Sĩ có nguy cơ vi phạm các nguyên tắc bảo vệ người tị nạn. Các nhóm bày tỏ quan ngại khi nước này không có cơ chế giám sát nhằm đảm bảo an toàn cho những người tị nạn bị trả về Trung Quốc.
Du khách Trung Quốc tại Thụy Sĩ. Ảnh: Quartz. |
Nhà hoạt động Wang Aizhong từ Quảng Châu nhận xét thỏa thuận này cũng có thể gây nguy hiểm cho những người rời bỏ Hong Kong. Theo ông Wang, việc ký kết thỏa thuận ngầm với Trung Quốc có thể đẩy Thụy Sĩ vào “thế khó xử”.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường và triển khai nhiều chiến dịch không chính thức, theo hình thức song phương hoặc đa phương, nhằm truy tìm công dân đang cư trú ở nước ngoài.
Giáo sư luật Margaret Lewis cảnh báo: “Chính phủ các nước luôn muốn kiểm soát chặt chẽ đặc vụ nước ngoài đang hoạt động trên lãnh thổ của mình. Nếu Thụy Sĩ tiếp tục ưu ái đặc vụ Trung Quốc, tôi sợ rằng các cuộc thẩm vấn công dân Trung Quốc sẽ diễn biến theo chiều hướng tiêu cực”.
Nguồn: News.zing.vn