‘Hết tháng 8, cố gắng tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân các KCN’

0
‘Hết tháng 8, cố gắng tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân các KCN’

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói cái khó là làm sao có vaccine về sớm nhất. Cố gắng hết tháng 8, sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các KCN trên cả nước.

Chiều 11/6, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, chủ trì cuộc họp của thường trực ban chỉ đạo với một số địa phương có nhiều khu, cụm công nghiệp về công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nguy cơ dịch lây từ TP.HCM sang các tỉnh lân cận

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết từ ngày 27/5 đến nay, thành phố đã lấy khoảng 482.000 mẫu xét nghiệm. Trong đó, 6.448 mẫu là F1, hơn 25.000 F2, gần 430.000 mẫu xét nghiệm sàng lọc mở rộng.

Do tăng cường xét nghiệm sàng lọc, truy vết nên 4 ca nhiễm là công nhân làm việc trong khu công nghiệp (KCN) đã được phát hiện kịp thời, chặn được chuỗi lây nhiễm.

Đồng thời, TP.HCM tăng cường giám sát có trọng điểm, khi cần thiết tiếp tục mở rộng xét nghiệm ra toàn xí nghiệp, phân xưởng, thậm chí cả KCN nếu nhận thấy có nguy cơ cao. Ngành y tế địa phương cũng duy trì sàng lọc theo tỷ lệ 20% công nhân của các nhà máy, xí nghiệp trong KCN.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đánh giá dịch bệnh ở địa phương vẫn có nguy cơ cao lây sang các tỉnh lân cận và vào các KCN. Vì vậy, các lực lượng của thành phố tiếp tục tăng cường xét nghiệm sàng lọc, tầm soát trong cộng đồng, các KCN, tập trung vào những khu vực có nguy cơ cao.

dich benh Covid-19 o cac khu cong nghiep anh 1

Lãnh đạo TP.HCM đánh giá nguy cơ dịch bệnh lây lan vào trong các khu công nghiệp là rất cao. Ảnh minh họa: Chí Hùng.

Trong khi đó, lãnh đạo 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương cho biết địa phương đã nâng công suất xét nghiệm, chuẩn bị chỗ cách ly tập trung, yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó khi có ca nhiễm.

Còn tại các tỉnh Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và Long An, đại diện các địa phương cũng cho biết đã chuẩn bị cho tình huống lây nhiễm trong khu, cụm công nghiệp. Trong đó, địa phương tính đến cả tình huống cách ly ngay trong doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ công nhân ra, vào tỉnh; xét nghiệm sàng lọc định kỳ 20-25% công nhân…

Ngoài ra, các tỉnh đang tăng cường giám sát dịch bệnh thường xuyên tại các khu vực tập trung đông công nhân ở trọ, xét nghiệm tầm soát tại khu vực có nguy cơ cao; giám sát người có triệu chứng khi đến các phòng khám, nhà thuốc.

Bài học từ Bắc Ninh và Bắc Giang

Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã nghe những bài học kinh nghiệm được đúc rút từ thực tế chống dịch tại Bắc Ninh, Bắc Giang thời gian qua.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, quá trình xử lý ca nhiễm trong KCN phải làm rất quyết liệt việc truy vết, khoanh vùng trong thời gian ngắn nhất, trong đó năng lực lấy mẫu, xét nghiệm đóng vai trò quan trọng để bắt kịp tốc độ lây lan của dịch.

Trước yêu cầu đặt ra là phải phát hiện rất sớm các ca nhiễm trong khu, cụm công nghiệp, Bắc Ninh thực hiện nghiêm công tác kiểm soát, xét nghiệm sàng lọc định kỳ khoảng 20% công nhân, tăng cường tại những nhà máy, phân xưởng có môi trường làm việc kín, mật độ đông.

Còn tại Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ánh Dương cho biết địa phương xác định được 4 nguồn lây chính trong KCN là môi trường làm việc khép kín, sử dụng điều hoà, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử; lây tại nhà ăn, khu vệ sinh chung; trên ôtô đưa đón; tại chỗ trọ của công nhân.

“Nắm được cách thức lây lan của dịch sẽ hỗ trợ rất tốt cho công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, chống dịch trong KCN không thể khoán trắng cho doanh nghiệp mà phải đưa tổ chống dịch gồm đại diện chính quyền địa phương, y tế cơ sở trực tiếp hỗ trợ doanh nghiệp”, ông Dương chia sẻ.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang cho biết do năng lực xét nghiệm ban đầu hạn chế nên địa phương không bắt kịp được dịch trong những ngày đầu tiên. Tuy nhiên, ngay cả khi nhiều đơn vị về hỗ trợ thì những ngày đầu còn rất lúng túng do thiếu sự điều phối, chỉ huy thống nhất.

Do vậy, các tỉnh phải chuẩn bị kỹ năng lực xét nghiệm nếu không sẽ không thể bắt kịp dịch, khống chế, kiểm soát trong thời gian nhanh nhất.

Phấn đấu tiêm xong vaccine cho công nhân ở khu công nghiệp trong tháng 8

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh qua hơn một tháng triển khai quyết liệt các biện pháp, tình hình dịch cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, mặc dù số ca nhiễm, số địa phương có dịch nhiều hơn trước.

Theo ông, các địa phương đã có kinh nghiệm tốt trong phòng, chống dịch tại cộng đồng. Vì vậy, dù chưa gặp phải tình huống phức tạp như chuỗi lây nhiễm của nhóm truyền giáo Hội thánh Phục hưng ở TP.HCM nhưng lực lượng phòng, chống dịch vẫn “đuổi bắt kịp chuỗi lây nhiễm”.

dich benh Covid-19 o cac khu cong nghiep anh 2

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì phiên họp trực tuyến với các tỉnh, thành có nhiều khu công nghiệp, chiều 11/6. Ảnh: VGP.

Hiện, vấn đề đáng lo ngại nhất là các địa phương chưa có kinh nghiệm chống dịch trong KCN, nhất là tại các doanh nghiệp sản xuất điện tử, môi trường làm việc kín, sử dụng điều hoà, rất đông công nhân. Vì vậy, số lượng công nhân cần lấy mẫu, xét nghiệm để truy vết rất lớn.

“Dịch vào khu công nghiệp là một bài toán hoàn toàn khác”, Phó thủ tướng nói và nhấn mạnh bên cạnh việc chuẩn bị các phương án ứng phó, các địa phương cố gắng để dịch không lây vào KCN, nếu có ca nhiễm phải phấn đấu phát hiện ngay trong vòng 3 ngày đầu tiên.

Muốn vậy, các địa phương phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc, cập nhật tình hình sức khoẻ của tất cả người làm việc trong KCN. Những người có lịch trình đi lại, tiếp xúc có nguy cơ thì phải được xét nghiệm sàng lọc.

Trả lời kiến nghị các địa phương mong muốn sớm có vaccine phòng Covid-19 tiêm cho công nhân trong KCN, Phó thủ tướng cho biết khó khăn lớn nhất là hiện nay là các nguồn vaccine đều không có cam kết về tiến độ giao hàng.

“Chúng ta không thiếu kinh phí nhưng khó nhất là làm sao có vaccine về sớm nhất, nhiều nhất có thể. Cố gắng trong tháng 7 sẽ tiêm hết vaccine phòng Covid-19 cho công nhân trong các nhà máy, KCN có nguy cơ cao. Hết tháng 8, sẽ tiêm xong cho toàn bộ công nhân trong các KCN trên cả nước”, Phó thủ tướng nói.

Cập nhật tình hình Covid-19

Xem chi tiết

Số ca lây nhiễm tính từ 27/4/2021

6.780Ca nhiễm

Tỉnh Hôm nay Tổng số ca
Hà Nội 6 457
Bắc Ninh 28 1255
Vĩnh Phúc 0 92
Đà Nẵng 0 158
Bắc Giang 95 3791
Hà Nam 0 47
Hưng Yên 0 37
TP.HCM 48 610
Yên Bái 0 1
Quảng Nam 0 3
Đồng Nai 0 1
Hải Dương 0 51
Thái Bình 0 21
Quảng Ngãi 0 1
Lạng Sơn 0 95
Thanh Hóa 0 5
Điện Biên 0 58
Nam Định 0 6
Nghệ An 0 1
Phú Thọ 0 4
Quảng Ninh 0 1
Hải Phòng 0 3
Thừa Thiên Huế 0 5
Đắk Lắk 0 4
Hòa Bình 0 7
Quảng Trị 0 3
Tuyên Quang 0 1
Sơn La 0 1
Ninh Bình 0 4
Thái Nguyên 0 3
Long An 0 11
Bạc Liêu 0 1
Gia Lai 0 1
Tây Ninh 0 1
Đồng Tháp 0 1
Trà Vinh 0 2
Hà Tĩnh 8 26
Tiền Giang 0 3
Bình Dương 0 8

Nguồn: News.zing.vn