Sạt lở kéo dài từ đỉnh núi xuống chân núi Bà Đen khiến cây xanh, đất đá bị cuốn trôi.
Chiều 14/11, nhiều người sống gần chân núi Bà Đen, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh) nghe tiếng động lớn. Họ nhìn lên đỉnh núi thấy một lượng lớn đất đá từ khu vực sườn núi Bà Đen, phía sau Chùa Bà ào ào đổ xuống. |
Vị trí sạt lở kéo dài hàng trăm mét, từ đỉnh xuống chân núi Bà Đen. Sạt lở khiến cây xanh, đất, đá bị cuốn trôi. |
Khu vực đỉnh núi Bà Đen gần điểm sạt lở là tượng Phật Bà bằng đồng cao nhất Đông Nam Á và một số công trình đang xây dựng dang dở. |
Theo Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, vị trí sạt lở xảy ra tại sườn núi phía sau Chùa Bà. Nguyên nhân ban đầu được xác định do mưa lớn kéo dài suốt 2 tuần làm nền đất yếu. Đến chiều 15/11, đơn vị quản lý vẫn chưa thể tiếp cận được hiện trường. Tuyến cáp treo lên đỉnh núi Bà Đen đang tạm dừng hoạt động do dịch bệnh. |
Sau khi xảy ra vụ việc, UBND tỉnh Tây Ninh đã yêu cầu các đơn vị liên quan đánh giá những tác động địa chất có thể xảy ra tiếp theo nếu mưa lớn kéo dài. Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị bố trí lực lượng, vật tư theo dõi khu vực sạt lở. |
Thời điểm xảy ra sạt lở, người dân sống gần chân núi Bà Đen nghe tiếng động rất lớn. Một số người sợ đá lăn nên chạy khỏi nhà. “Lúc đất đá lăn xuống núi, tôi hoảng hồn kêu con cái ôm đồ đạc cá nhân chạy ra ngoài liền, không dám ở trong nhà dù trời mưa rất to. Tôi sống ở dưới chân núi đã nhiều năm nay, đây là lần đầu tiên tôi thấy núi lở kinh khủng như vậy”, bà Nguyễn Thị Yến Oanh (45 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu) cho biết. |
“17h chiều 14/11, nghe đất đá từ đỉnh núi ầm ầm đổ xuống, tôi cùng rất nhiều người dân sợ đá đè sập nhà liền bỏ chạy ra đường. Lâu lâu cũng có vụ lở núi nhưng lần này nghiêm trọng quá”, bà Dương Thị Tìm (63 tuổi, ngụ huyện Dương Minh Châu) kể lại. |
Ông Trần Hải Sơn, Phó ban phụ trách Ban Quản lý Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen, cho biết quanh khu vực sạt lở không có các hộ dân sinh sống nên không gây ra bất cứ thiệt hại nào về vật chất, con người cũng như hoa màu. |
Sạt lở đất xảy ra tại núi Bà Đen (chấm đỏ) ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Google Maps. |
Nguồn: News.zing.vn