U23 Việt Nam có mặt tại vòng chung kết châu Á 2022 và từ khởi đầu khó nhọc ấy, người ta thấy nỗ lực của HLV Park Hang-seo đưa lứa cầu thủ ít tên tuổi ra ánh sáng.
Bình luận
Tất cả chúng ta đều cố gắng để tránh so sánh U23 Việt Nam hiện tại với thế hệ từng làm nên chiến công oanh liệt ở Thường Châu. Tuy nhiên, nhìn vào mọi khía cạnh chuyên môn, đội bóng vừa giành vé đến Uzbekistan mùa hè 2022 đều tồn tại những vấn đề cần giải quyết.
Lối chơi và phong cách
Đấy là tập thể không có ngôi sao, nhưng cũng không phát huy được sức mạnh tổng hợp. Điểm chung của thầy trò ông Park trong 2 trận đấu với U23 Đài Loan (Trung Quốc) và U23 Myanmar là bế tắc ở hiệp 1, thay người và ghi bàn ở hiệp 2 nhờ những khoảnh khắc cá nhân.
Cụ thể hơn, các hiệp 1 đều là khoảng thời gian thất vọng của U23 Việt Nam. Chúng ta được đánh giá cao hơn, thực tế cũng kiểm soát bóng nhiều hơn, nhưng không tạo ra được cơ hội tiếp cận cầu môn đối thủ. Những pha phối hợp thường bị đứt gãy ngay khi xâm nhập quá nửa sân, đôi khi dấn sâu hơn được nữa thì đường chuyền cuối cũng luôn lạc nhịp.
Khi U23 Việt Nam gặp Đài Loan (Trung Quốc), sơ đồ 3-5-2 tương đối mới và áp lực khởi đầu làm bó chân các cầu thủ thì gặp U23 Myanmar, mục tiêu chỉ cần hòa lại khiến họ thận trọng trong từng đường lên bóng.
Thầy Park bố trí 2 tiền đạo và 3 tiền vệ có xu hướng tấn công, nhưng đội hình phòng ngự 3 trung vệ và 2 tiền vệ đánh chặn của chúng ta cũng luôn giữ vững cự ly. Không có sự mạo hiểm để gây sức ép dồn dập, U23 Việt Nam chấp nhận thế trận nhạt nhòa và đợi đối phương mắc sai lầm.
U23 Việt Nam thắng 2 trận với tỷ số 1-0 để giành quyền vào vòng chung kết châu Á. Ảnh: VFF. |
Tất nhiên, tiếp cận trận đấu theo hướng đó không phải là tâm thế của đội bóng cửa trên. Nhưng lựa chọn của HLV Park Hang-seo rõ ràng là có cơ sở, bởi ông biết cầu thủ của mình chất lượng thế nào và độ kết dính ra sao.
U23 Việt Nam gồm hầu hết gương mặt chưa được chơi thường xuyên ở trình độ cao, không có nhiều tích lũy qua các trận giao hữu hay giải đấu quốc tế. Dịch bệnh làm gián đoạn V.League, hạng Nhất và phá sản các kế hoạch tập huấn, bản thân thầy Park cũng chỉ tiếp quản đội ngay trước thềm vòng loại, nên ông phải cùng lúc làm 2 nhiệm vụ: Vừa hoàn thành chỉ tiêu giành vé, vừa thử nghiệm, ghép quân.
Thế mạnh của thầy Park là đi lên từ phòng ngự phản công. Nhưng các đối thủ yếu hơn lại không phù hợp để ông áp dụng lối chơi này. Hậu quả là chúng ta đã thấy U23 Việt Nam công không đủ sắc, trong khi thủ lại dư thừa.
Sự dư thừa không chỉ nằm ở quân số mà còn liên quan đến cả tinh thần. Ép sân toàn cục, nhưng các học trò thầy Park vẫn phải nhận nhiều thẻ phạt không đáng có. Liễu Quang Vinh quăng chân “sút” vào người Win Naing Tun trong tình huống chỉ cần đeo bám ép đối thủ ra biên. Bùi Hoàng Việt Anh cao chân trong pha truy cản lẽ ra đơn giản với cầu thủ U23 Đài Loan. Trần Văn Đạt, tệ hơn, còn đánh nguội hậu vệ Myanmar, một lỗi nếu bị VAR “soi” như ở vòng loại World Cup thật khó thoát thẻ đỏ.
Người hâm mộ sẵn sàng cảm thông nếu U23 Việt Nam chưa đá nhuần nhuyễn được như kỳ vọng, nhưng khó chấp nhận phong cách chơi không đẹp. Trọng tài hoàn toàn có thể rút thêm thẻ và phạt 11 m khi Lê Văn Xuân đá tung chân trụ tiền đạo Myanmar ở phút bù giờ. Chúng ta đã phải trả giá khá nhiều với những tiểu xảo như của Đỗ Duy Mạnh, Quế Ngọc Hải trên đội tuyển, và lứa “gối vụ” này cần được chấn chỉnh kịp thời để không giẫm lại lối mòn.
Những niềm hy vọng mới
Dẫn dắt U23 Việt Nam là công việc kiêm nhiệm của HLV Park Hang-seo. Nó đến trong thời điểm ông thầy Hàn Quốc chịu sức ép dư luận chưa từng có kể từ lúc đến Việt Nam vì thành tích vòng loại World Cup của đội tuyển quốc gia. Bởi vậy, an toàn là lựa chọn dễ hiểu cho tất cả.
Ông Park cần giành vé đi vòng chung kết (VCK) U23 châu Á, vì uy tín của mình và vì lợi ích gần của bóng đá Việt Nam. Có mặt ở VCK đồng nghĩa với cơ hội cọ xát cùng các nền bóng đá hàng đầu châu lục, dẫu chỉ ở cấp độ tuổi U. Chỉ có từ những sân chơi như vậy, ông mới nuôi hy vọng tìm thêm những gương mặt mới bổ sung cho tuyển lớn, vốn đã đạt đến giới hạn về đẳng cấp.
Bóng đá Việt Nam có thể đặt kỳ vọng vào lứa cầu thủ U23 hiện tại. Ảnh: VFF. |
Dĩ nhiên, trong lứa U23 này, chúng ta chưa nhìn thấy ai xuất sắc như Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Trần Đình Trọng của hôm qua. Nhưng tài sản quý nhất của họ là thời gian. Và thứ mà họ cần hơn cả là bệ phóng.
Nếu nói về thời gian, chỉ trong vài tuần ngắn ngủi, thầy Park đã “định danh” được Nguyễn Hai Long như tiền vệ sáng tạo tiềm năng, Lê Văn Xuân như của để dành cho hành lang trái, và mới nhất, phát hiện ra Hồ Thanh Minh, mẫu tấn công độc lập, mạnh mẽ và hứa hẹn một bản năng sát thủ.
Còn nói về bệ phóng, cả Hai Long và Văn Xuân sắp có những ngày chung sức trong màu áo CLB Hà Nội. Văn Xuân đá chính hầu hết mùa V.League dang dở vừa rồi, trong khi Hai Long rời “con tàu đắm” Quảng Ninh để về chia lửa cho những đàn anh hoặc đã rời đi như Lê Tấn Tài, hoặc đã luống tuổi như Phạm Thành Lương, Nguyễn Văn Quyết.
Thanh Minh đang chơi ở Huế, nhưng với màn giới thiệu ấn tượng vừa rồi, anh sẽ nhanh chóng vào mắt xanh của không ít đại gia V.League đang ráo riết săn lực lượng cho mùa giải mới. Chỉ có điều, những cầu thủ gốc Huế thường kém may mắn, sự nghiệp sớm nở tối tàn như Trần Thành, Lê Đức Tài và cầu thủ người dân tộc Tà Ôi này cần sớm tìm được bến đỗ phù hợp cho mình.
U23 Việt Nam đã khép lại hành trình nhỏ, vừa đủ khó khăn để đong đếm bản lĩnh, vừa đủ thành công để gây dựng niềm tin. Nỗi hồ nghi vẫn còn đó, nhưng sự lạc quan cũng dần hiện diện. Họ cần những đôi chân trên mặt đất, cần thách thức, cần trui rèn, đôi khi cần cả sự nghiệt ngã từ dư luận để lớn lên.
Nguồn: News.zing.vn