Sự quan tâm đang được dành cho hàng thủ tuyển Việt Nam với quá nhiều chấn thương gây nên những xáo trộn lớn và để giải bài toán ấy, huấn luyện viên Park Hang-seo có gì?
Bình luận
Bóng đá là môn chơi tập thể và hệ thống. Đấy là điều ai cũng nói được và nhận xét được. Nhưng đặt nhận xét chung chung này vào bối cảnh cụ thể thì lại là câu chuyện khác. Và ở hoàn cảnh của đội tuyển Việt Nam trong trận gặp Australia trên sân Mỹ Đình lúc 19h ngày 7/9, chúng ta cần nhìn nhận vấn đề khó khăn mà tuyển Việt Nam đang đối diện bằng con mắt tổng thể, soi chiếu vào tập thể và hệ thống đúng tinh thần của môn thể thao này.
Giải quyết khó khăn ở hàng thủ không chỉ là câu chuyện khu biệt nơi hàng thủ ấy, với nhân sự thế nào, ai sẽ thay ai, xếp các hậu vệ ở vị trí ra sao. Nó còn là câu chuyện bố trí hàng tiền vệ kiểu gì, với nhân tố nào để hàng tiền vệ đó giảm áp lực lên cho hàng thủ. Chính nhờ hàng tiền vệ tốt mà hàng thủ sẽ đỡ gánh nặng đi rất nhiều, đặc biệt là lúc đội bóng không có được hàng thủ ưng ý nhất gồm các lựa chọn ưu tiên số 1 như bấy lâu nay.
Hoàng Đức trưởng thành rõ rệt từ sau vòng loại U23 châu Á 2020. Ảnh: Y Kiện. |
Tuyển Việt Nam chơi phòng ngự phản công
Rất dễ để đoán chắc rằng tuyển Việt Nam sẽ lại đá phòng ngự phản công. Australia hay bất kỳ đối thủ nào trong bảng đều mạnh hơn tuyển Việt Nam và do đó phòng ngự phản công là lựa chọn duy nhất, hợp lý nhất, logic nhất.
Nhưng phòng thủ phản công không chỉ là thứ dễ dàng được thực hiện như lý thuyết. Trên thực tế, muốn phản công cần có con người tạo ra được thế để phản công. Và trước tiên, huấn luyện viên cũng cần có con người để xây nên hệ thống phòng thủ chặt chẽ.
Ông Park Hang-seo có nhân sự ở hàng tiền vệ để thực hiện ý tưởng của mình một cách tốt nhất hay không? Câu trả lời ở đây là có.
Trong trận gặp Saudi Arabia, chúng ta chơi với hệ thống 2 tiền vệ trung tâm là Hoàng Đức – Tuấn Anh. Xét trên bình diện cá nhân, họ đã chơi rất tốt. Nhưng xét trên bình diện hệ thống, tiền vệ của tuyển Việt Nam chơi chưa tốt. Chúng ta giữ cự ly quá xa so với hàng thủ, tạo không gian rộng ở vùng giao tuyến cho đối thủ, và chúng ta cũng thiếu tính tranh chấp để từ đó dẫn tới việc bị Saudi Arabia tạo áp lực thường xuyên khiến hàng phòng ngự bộc lộ sai lầm.
Việc bố trí Tuấn Anh và Hoàng Đức ở vị trí ấy rõ ràng là do ông Park đã sử dụng Hoàng Đức đúng vùng nhược điểm của anh. Khi không được đặt ở vùng sở trường và buộc phải chơi ở khu vực sở đoản, khó cầu thủ nào có thể phát huy hết nội lực của mình. Và liệu rằng ông Park Hang-seo có thay đổi cách tiếp cận trước Australia hay ông lại tiếp tục duy trì thói quen trong vùng an toàn tư duy của chính mình?
Hoàng Đức có 2 điểm yếu lớn là thiếu độ sắc sảo trong các pha cố định và không mạnh về tranh chấp tay đôi. Thể hình mỏng cơm của Đức sẽ là bất lợi cho anh trong các đối kháng 1-1 với các đối thủ thể hình, thể chất vượt trội mình.
Chính vì thế, việc bố trí Đức chơi cặp tiền vệ trụ với Tuấn Anh sẽ là mạo hiểm, nhất là khi Tuấn Anh có tiền sử chấn thương, nên cũng hạn chế nhiều trong các pha va chạm. Và cơ bản hơn cả, tư duy của Hoàng Đức không phải là tư duy của tiền vệ trụ, do đó xu hướng hỗ trợ phòng ngự của anh thiên về trách nhiệm chiến thuật hơn là kỹ năng chiến thuật.
Hoàng Đức là hy vọng mới cho tuyến giữa. Ảnh: Minh Chiến. |
Thay đổi cách bố trí Hoàng Đức?
Nhưng Đức lại có những điểm mạnh rất nổi bật. Đó chính là nhãn quan chiến thuật tốt, chuyền bóng sắc sảo, dứt điểm xa tốt, và đặc biệt là khả năng kiểm soát bóng, khả năng thoát áp lực pressing và khả năng ứng chiến góp phần chuyển đổi phòng ngự sang tấn công rất tốt.
Hoàng Đức hợp với vị trí số 8 hoặc số 10 hơn là vị trí số 6, và ông Park hoàn toàn có thể đưa anh trở về với vị trí sở trường của mình để giúp tuyển Việt Nam cân bằng hơn, có cơ hội hơn.
Nếu ông Park sử dụng tiền vệ phòng ngự chơi cặp với Tuấn Anh thay cho Hoàng Đức và đẩy Hoàng Đức nhô cao hơn, đó sẽ là giải pháp tốt. Câu hỏi đặt ra lúc đó chỉ là Quang Hải sẽ chơi ở vị trí nào? Lời giải thực tế không khó kiếm tìm. Quang Hải sẽ thay đúng vào vị trí của Phan Văn Đức, chơi tự do như cầu nối giữa tiền vệ và tiền đạo trong hai vai trò linh hoạt: Vừa là tiền vệ vừa là tiền đạo thứ 2 khi cần.
Ở câu lạc bộ Viettel, Hoàng Đức thường chơi số 10 trong hệ thống hai số 6 và một số 10 của HLV Trương Việt Hoàng. Sau lưng Hoàng Đức thường là cặp tiền vệ Trọng Đại – Jaha. Chính vì nền tảng phía sau như vậy mà Hoàng Đức phát huy năng lực của mình rất tốt và được ông Park dành biệt nhãn để tập trung đội tuyển quốc gia. Ở vị trí tiếp nhận bóng từ chính các tiền vệ trụ này, Hoàng Đức phát huy tốt khả năng chuyển đổi trạng thái cuộc chơi nhờ cách cầm bóng hiệu quả và những đường chuyền hiểm hóc.
Tuyển Việt Nam rất cần chắt chiu từng cơ hội có bóng để phản công trước các đối thủ mạnh như Australia. Muốn cả hệ thống có thể chắt chiu, HLV Park Hang-seo cần có nhân tố biết chắt chiu quả bóng trước đã. Hoàng Đức chính là nhân tố ấy và nếu anh là người hỗ trợ cho Quang Hải, danh thủ của CLB Hà Nội sẽ có nhiều cơ hội hơn khi Tiến Linh đảm nhận tốt vai trò làm tường.
Vấn đề là ông Park có thay đổi không, và sẽ sử dụng ai bên cạnh Tuấn Anh nếu đôn Hoàng Đức lên một chút đây? Câu trả lời nằm trong chính kế hoạch của ông, với những cái tên như Đức Huy, Tuấn Hải, Xuân Trường.
Trả cầu thủ như Hoàng Đức về đúng với vị trí sở trường và đưa cầu thủ sở trường tranh chấp trám vào vị trí Đức để lại âu cũng là toan tính thông thường. Chỉ có điều, giữa toan tính thông thường ấy và toan tính riêng, niềm tin riêng của ông Park, rất có thể sẽ có độ lệch pha tương đối.
Nguồn: News.zing.vn