Hồ Đen được ví như ‘Biển Chết’ thứ hai ở châu Á

0
187

Ở độ cao khoảng 4.000 m giữa dãy núi Pamir của Tajikistan, hồ Karakul nằm cao hơn cả hồ nước nổi tiếng Titicaca ở Nam Mỹ. Hồ có diện tích hơn 380 km2 và sâu tới 230 m, được hình thành sau một vụ thiên thạch va vào trái đất từ 25 triệu năm trước. Karakul được bao quanh bởi các núi tuyết và vùng sa mạc, du khách muốn tới chỉ có thể đi qua cao tốc Pamir.

cao tốc Pamir (một trong những con đường ngoạn mục nhất thế giới).

Hồ Karakul nằm giữa khu vực có cảnh quan hùng vĩ, gần các thị trấn như Murghab của Tajikistan và Osh của Kyrgyzstan.. Ảnh: Dave Stamboulis.

Những chuyên gia vẽ bản đồ người Anh đặt tên hồ là Victoria, về sau đổi thành Karakul (nghĩa là Hồ Đen). Màu nước thay đổi theo thời gian trong ngày, từ sắc ngọc lam cho tới xanh lục rồi sang xanh cobalt đậm. Đây là một trong những điểm đến hấp dẫn các du khách ưa mạo hiểm đang trên đường khám phá Trung Á.

Có rất nhiều muối lắng đọng mà nước hồ Karakul không thoát ra ngoài được nên nó trở thành hồ mặn nhất châu Á. Lượng muối ở đây đậm đặc đến mức dưới mặt nước chỉ toàn đá và chỉ có một loài cá có thể sống sót ở các vùng hồ nông có cát. Tuy nhiên, vùng đầm lầy và đảo nhỏ của hồ vẫn thu hút được một số loài di trú đến sống như kền kền Himalaya hay gà cát Tây Tạng.

Màu nước ở hồ có thể thay đổi trong ngày. Ảnh: Dave Stamboulis.

Màu nước ở hồ có thể thay đổi trong ngày. Ảnh: Dave Stamboulis.

Ngoài ra, Karakul quá mặn khiến thuyền dễ bị lật úp, nên hầu như không con thuyền nào có thể di chuyển được. Karakul chính là phiên bản “Biển Chết” của vùng Trung Á, dù vậy, vẫn có nhiều du khách tới đây và cố thử chèo thuyền trên hồ. Hồ hiện là nơi tổ chức một lễ hội thường niên là “Cuộc đua trên nóc thế giới”. Sự kiện thu hút rất nhiều người tới vào mùa hè để tham gia lướt ván hay chèo xuồng hơi.

Khu vực quanh hồ Karakul từng là một trại tù giam giữ tù nhân Đức trong Thế Chiến thứ 2, về sau thành nơi chăn thả cừu và dê của dân du mục dịp hè. Có một số dân địa phương sống ở ngôi làng nằm phía đông hồ cũng tên là Karakul. Dân làng làm dịch vụ homestay phục vụ du khách thích tự khám phá và đủ mạo hiểm để vượt đường cao tốc Pamir tới đây.

Những ngôi nhà màu trắng trong làng. Ảnh: Dave Stamboulis.

Những ngôi nhà màu trắng trong làng. Ảnh: Dave Stamboulis.

Đi bộ quanh làng dưới ánh nắng mơ màng của buổi sớm mai, bạn sẽ thấy nơi này khá giống đảo Santorini của Hy Lạp nổi tiếng với các ngôi nhà sơn trắng. Tuy nhiên, bạn dễ có cảm giác như đang ở làng ma. Rất ít cư dân sinh sống ở đây do thời tiết nóng như lửa vào các tháng hè còn mùa đông lạnh giá. Ngoài ra, dù có lượng muối cao, hồ Karakul và ngôi làng vẫn bị muỗi quấy rầy vào mùa nóng.

Làng Karakul là địa điểm nằm trên Con đường tơ lụa cổ xưa, cũng là một trong số ít nơi nghỉ chân cho các đoàn người di chuyển giữa Kashgar của Trung Quốc, Bukhara và Samarakand của Uzbekistan. Trên những con phố hoang vắng và khô cằn như sa mạc, bạn vẫn thấy có nhiều thứ sót lại gợi nhắc về quá khứ của trung tâm nhộn nhịp của châu Á. Làng vẫn còn một thánh đường trắng cổ kính nằm lặng lẽ, và những ngôi nhà xây bằng gạch bùn… Cảnh tượng càng lúc càng hư ảo hơn khi những ngôi nhà bằng và thấp bị che khuất bởi bầu trời rộng lớn và không gian bất tận.

Hồ Đen – nơi không con thuyền nào có thể nổi

 
 
Hồ Đen – nơi không con thuyền nào có thể nổi

Video: Wesley Dinwiddie.

Dãy núi dài miên man bao quanh khiến không khí ẩm không xâm nhập được vào Karakul, kèm theo lượng mưa chưa tới 30 mm/năm nên nơi này trở thành một trong những địa điểm khô hạn nhất của Trung Á. Mặc dù ít dân và hồ nước khó tiếp cận, việc Karakul mới được công nhận thuộc Vườn quốc gia Tajik góp phần giúp nơi này trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong những năm tới.

Khánh Trần (theo BBC)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn