Theo số liệu của Sở VH-TT&DL, toàn tỉnh hiện có 2.134 lao động trực tiếp và 986 lao động gián tiếp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh du lịch và hoạt động du lịch. Trong đó, lao động có trình độ đại học và trên đại học chiếm 8,9%; lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp chiếm 45,1%; lao động phổ thông chiếm 46%.
Nguồn nhân lực du lịch của huyện Mai Châu được đào tạo đáp ứng nhu cầu của du khách (Ảnh: Nhân viên khu nghỉ dưỡng Mai Châu Ecolodge giao lưu với du khách)
Với mục tiêu nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, trong đó xác định yếu tố con người đóng vai trò đặc biệt quan trọng, trong những năm gần đây, công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch đã được ngành Du lịch quan tâm chú trọng. Tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề cho các đối tượng là cán bộ quản lý và nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch.
Hàng năm, Sở VH-TT&DL phối hợp với các trường chuyên nghiệp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về du lịch, kỹ năng kinh doanh lưu trú tại nhà dân; nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch; nghiệp vụ lễ tân, buồng, bàn, bar, quản lý cơ sở lưu trú; nghiệp vụ du lịch cho lái xe ô tô, lái tàu, thuyền, nhân viên trên phương tiện ô tô, tàu thuyền phục vụ khách du lịch… Năm 2018, Sở VH-TT&DL đã phối hợp mở 7 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho gần 500 lượt người là cán bộ quản lý và người hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm nay, Sở phối hợp mở 6 lớp tập huấn và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho gần 200 người, trong đó tập trung vào các lĩnh vực đào tạo kỹ năng nghề cho mô hình du lịch cộng đồng; kỹ năng quảng bá thương hiệu và xây dựng văn hóa trong hoạt động kinh doanh du lịch…
Đồng chí Đỗ Lê Phương, Phó trưởng Phòng Nghiệp vụ du lịch (Sở VH-TT&DL) cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có 9 điểm du lịch địa phương đã được UBND tỉnh có quyết định công nhận điểm du lịch cấp tỉnh; 7 công ty lữ hành nội địa, chi nhánh văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn tỉnh; 412 cơ sở lưu trú đã được thẩm định, trong đó có 6 khách sạn 3 sao, 23 khách sạn 2 sao, 8 khách sạn 1 sao, 233 nhà nghỉ, 142 nhà sàn du lịch cộng đồng. Thời gian qua, công tác đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã được tỉnh quan tâm mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho hàng trăm lượt người.
Tuy nhiên, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch hiện nay còn ở trình độ thấp, đa số chưa được đào tạo cơ bản, chủ yếu mới qua tập huấn và bồi dưỡng ngắn hạn. Lực lượng lao động có chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cao chưa nhiều, tính chuyên nghiệp còn hạn chế, đặc biệt yếu về trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin. Đây là vấn đề cần sớm khắc phục để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hiện nay, khi lượng du khách trong nước và quốc tế đến thăm quan du lịch ngày càng lớn. Trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đón trên 2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế trên 180.000 lượt khách, khách nội địa trên 1,8 triệu lượt khách.
Hiện, UBND tỉnh chỉ đạo Sở VH-TT&DL chủ động phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan xây dựng đề án cơ cấu lại ngành Du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn và đề án phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Theo đề án phát triển du lịch tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, mục tiêu đến năm 2020, du lịch tỉnh đón 3,2 triệu lượt khách, tạo việc làm cho 14.000 lao động, trong đó có 4.888 lao động trực tiếp có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Do đó, việc đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh.
Hồng Ngọc
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn