Kỳ vọng và áp lực từ gia đình, xã hội khiến nhiều học sinh Trung Quốc rơi vào trầm cảm, gặp nhiều vấn đề tâm lý.
Bộ Giáo dục Trung Quốc (MOE) cho biết sẽ bổ sung việc kiểm tra sức khỏe tâm thần vào hoạt động khám sức khỏe tổng quát của trẻ em, chuẩn bị cho kế hoạch quay lại trường học vào cuối năm 2022.
Việc kiểm tra sẽ sàng lọc, phân tích sức khỏe tâm thần của học sinh, nhằm mục tiêu xác định xem các em có bị trầm cảm hay không, theo SCMP.
Các nhà phân tích cho biết biện pháp này được áp dụng trong bối cảnh ngày càng có nhiều thanh thiếu niên gặp vấn đề về tâm lý.
“Hướng dẫn thanh thiếu niên phòng chống trầm cảm, đảm bảo sức khỏe thể chất và tinh thần là nhiệm vụ quan trọng để đạt được một nền giáo dục có chất lượng, toàn diện”, theo thông báo của MOE được công bố vào đầu tháng 11.
Bộ cũng đặt ra kỳ vọng về các sáng kiến giáo dục sức khỏe tâm thần dành cho học sinh và cho biết sẽ dự kiến thực hiện vào cuối năm 2022.
MOE cho rằng các cơ quan địa phương phụ trách mảng y tế, giáo dục và tuyên truyền cần xây dựng một khung chẩn đoán, điều trị, phòng ngừa và đánh giá sức khỏe tâm thần đối với học sinh.
Trung Quốc có kế hoạch chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh. Ảnh: Getty Images. |
Theo Wan Lizhu, chuyên gia tại Công ty Tư vấn tâm lý Ruiling Thượng Hải, có nhiều thanh thiếu niên bị trầm cảm hơn trong những năm gần đây. Thực tế cho thấy ngày càng có nhiều cơ sở chăm sóc sức khỏe tâm thần nhắm vào đối tượng học sinh từ 14 đến 18 tuổi.
“Các em phải chịu áp lực cao từ việc học hành, chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh trung học phổ thông hoặc đại học. Cả hai kỳ thi này đều rất mệt mỏi và khiến các em kiệt sức”, cô nói trên SCMP.
Một trong những khách hàng gần đây của Wan là một học sinh lớp 3. Em được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm nghiêm trọng.
“Những năm trước, em ấy dành gần như toàn bộ thời gian cho việc học và đạt thành tích xuất sắc trong lớp. Nhưng kể từ năm học vừa rồi, em không còn hứng thú với việc học và các hoạt động khác. Em từ chối nói chuyện với mọi người. Cậu bé gần như không có động lực để làm bất cứ điều gì, giống như một chiếc xe đã hết xăng vậy”, Wan kể lại.
Chuyên gia cho biết mẹ của cậu bé cảm thấy bất lực và không thể hiểu con trai mình. Cô chỉ biết trách con vì đã “từ bỏ chính mình”.
Trong năm 2020, hơn 20% số thí sinh tham dự các cuộc thi để du học khi chưa học đến lớp 12. Ảnh: China Daily. |
Còn theo Giáo sư Rong Xinqi, người sáng lập Hội thảo Tư vấn Tâm lý, ở Changsa, Hồ Nam, việc giữ bí mật kết quả kiểm tra sức khỏe tâm thần của trẻ em là rất quan trọng.
Ngoài ra, tư duy truyền thống về việc học hành của trẻ em cũng cần phải thay đổi, tạo một môi trường giáo dục lành mạnh hơn.
“Từ lâu, học sinh luôn được bảo ban rằng phải chăm chỉ học hành để trở thành những người ưu tú. Điều này sẽ dẫn đến sự thất vọng cho các em khi không thể đạt đến thành tựu cao nhất. Theo tôi, người lớn nên để học sinh hiểu rằng mức độ bình thường là ổn”, ông nói.
Giáo sư Rong cho biết học sinh cũng nên cân bằng giữa việc học tập và nghỉ ngơi, đồng thời cần dành thời gian cho thể thao và các hoạt động khác mỗi ngày.
“Một thói quen tốt và lối sống lành mạnh giúp các em làm giảm khả năng mắc bệnh trầm cảm. Đối với trẻ em, cuộc sống của càng không nên chỉ toàn học tập”, ông nói.
Nguồn: News.zing.vn