Xây dựng môi trường hỗ trợ xe đạp, từ đó chuyển đổi phương thức đi lại từ phương tiện cơ giới sang phi cơ giới là một trong những mục tiêu chính mà Đề án xây dựng Hội An, thành phố Sinh thái – Văn hóa – Du lịch hướng đến.
Mục tiêu này sẽ được thực hiện qua dự án “Lập kế hoạch phát triển giao thông bằng xe đạp và chương trình xe đạp chia sẻ miễn phí/chi phí thấp” (gọi tắt Dự án) do Tổ chức Hợp tác Phát triển Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ) tài trợ với tổng số tiền 178.000 EUR (khoảng 4,1 tỉ đồng).
Hướng tới giao thông phi cơ giới
Dự án vừa chính thức khởi động tại TP Hội An với hội thảo chủ đề “Lập kế hoạch phát triển giao thông bằng xe đạp tại TP Hội An”, do UBND TP Hội An và tổ chức Health Bridge Canada tại Việt Nam (HBV) phối hợp xây dựng.
Đại diện GIZ cho biết, từ nay đến khoảng tháng 5.2019 sẽ hỗ trợ để đưa ra các kế hoạch toàn diện phát triển giao thông bằng xe đạp, cũng như các hỗ trợ ban đầu để xây dựng cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp của Hội An. Các chuyên gia về giao thông đến từ các tổ chức quốc tế, đối tác hỗ trợ kỹ thuật đã chia sẻ, trao đổi các chính sách và sáng kiến phát triển giao thông phi cơ giới. Các kinh nghiệm, ví dụ về các chương trình phát triển xe đạp trên thế giới, từ đó sẽ phân tích về những cơ hội và thách thức của chương trình này tại Hội An. Bên cạnh đó sẽ tiến hành khảo sát thực tế, làm việc với Tổ công tác giao thông phi cơ giới của Hội An để xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai dự án trong thời gian đến.
Ông Jan Rickmeyer, Cố vấn chính sách giao thông của Sáng kiến chuyển đổi giao thông đô thị (TUMI), cho rằng việc phát triển giao thông phi cơ giới rất phù hợp trong bối cảnh xây dựng Hội An, TP sinh thái-văn hóa-du lịch.
Thời gian qua, Hội An đã tổ chức khá thành công nhiều hoạt động liên quan để phát triển giao thông phi cơ giới như phố đi bộ, phố không động cơ và xe thô sơ; ngày không khói xe, ngày đi xe đạp bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An, từ năm 2015, Hội An đã phát động toàn thể cán bộ công chức đi làm bằng xe đạp. Ban đầu chủ trương này nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận cao của cả hệ thống chính trị, người dân và du khách… Nhưng sau một thời gian, phong trào này dần lắng xuống và chỉ còn rải rác một số cá nhân tự giác thực hiện.
Từ kinh nghiệm trên, theo ông Sự, dự án này cần có những giải pháp lâu dài và trước mắt. Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng như đường sá, vạch đường riêng dành cho xe đạp, nơi để xe đạp công cộng, chương trình xe đạp chia sẻ miễn phí /chi phí thấp,… sẽ là những kế hoạch lâu dài. Trước mắt, để dự án này thành công, cần phải tác động, tuyên truyền đến ý thức của người dân, mà trước hết phải chính là công chức, cán bộ, học sinh,… về việc sử dụng xe đạp như cách mà người dân trong khu phố cổ Hội An đã thực hiện với phố đi bộ, phố không động cơ…
Hội An sẽ có xe đạp miễn phí
Ông Tống Quốc Hưng, Phó phòng VHTT Hội An cho biết, điểm đặc biệt mà dự án này hướng đến chính là những kế hoạch cụ thể quan tâm đến người đi xe đạp, qua đó sẽ đạt được các lợi ích như cải thiện môi trường, kinh tế, bình đẳng. Đây là những điều vốn ít được chú trọng trong các kế hoạch về giao thông.
Dự án sẽ thiết lập và phát triển chương trình xe đạp chia sẻ miễn phí hoặc chi phí thấp bằng cách kết nối các chương trình xe đạp hiện có của các khách sạn trên địa bàn và mở rộng thêm ra các khu vực mới, giúp người dân và du khách dễ dàng lựa chọn xe đạp hơn, tạo ra một hệ thống hợp tác công tư đầu tiên tại Hội An. Mô hình này cũng có thể là gợi ý thích hợp để các TP quy mô vừa và nhỏ tại Việt Nam như Huế, Đà Lạt có thể mở rộng các hệ thống tương tự.
Phát biểu tại hội thảo khởi động dự án, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, mô hình này sẽ góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường hỗ trợ xe đạp, từ đó giúp chuyển đổi phương thức đi lại trong TP từ phương tiện cơ giới sang phương tiện phi cơ giới. Cung cấp một môi trường hỗ trợ và an toàn hơn cho xe đạp cũng như hệ thống chia sẻ xe đạp để giúp người dân và du khách tiếp cận, lựa chọn xe đạp nhiều hơn với giá cả phải chăng, có sẵn.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn