Hội An tìm gì cho mình?

0
Hội An tìm gì cho mình?

Thương hiệu biển Cửa Đại đã không còn, hàng hóa rẻ tiền, cẩu thả. Thật dễ đoán lượng khách có tiền sẽ đổ về đâu trong tương lai khi những resort sang trọng của Đà Nẵng ở sát bên.

Nhà cổ, mái rêu, mắt cửa, trầm mặc…, Hội An trao cho khách phương xa một cách hào phóng những điều này, và tạo cho mình một hình ảnh không lẫn vào đâu được khi nghĩ đến du lịch miền Trung. Có thể nói mà không ngại rằng thương hiệu Hội An luôn đi kèm với những gì thanh sạch, hiền hòa. Nhưng có lẽ đã đến lúc nghĩ đến việc Hội An cần gì cho mình trong những năm tới khi đã tạo được cho mình một một thương hiệu du lịch như hiện nay.

Hoi An tim gi cho minh? hinh anh 1
Phố cổ Hội An.

Cơ hội làm việc tại Hội An giúp tôi có dịp quan sát đời sống nơi này như một người dân sống tại đây chứ không chỉ là cái liếc mắt thoáng qua của một du khách đi ngang Hội An. Nếu hỏi tôi bữa cơm trưa ngon nhất, tôi sẽ không ngại ngần chỉ bạn vào chợ ngồi ăn chen vai sát cánh với những người lao động nơi này. Cơm “bụi” trong chợ rẻ nhưng đậm đà khẩu vị Quảng Nam, một phần cơm chỉ khoảng 20.000 đồng. Chỉ khác ở một hàng cơm có được chứng nhận của Trip Advisor (trang web chuyên đánh giá các dịch vụ du lịch), giá cơm tăng vọt lên… 30.000 đồng. Thắc mắc với bà chủ hàng cơm, nhận lại cái liếc xéo và giải thích rất súc tích: “Có thấy được chứng nhận không?” Vậy là câu chuyện ra chợ Hội An mua thịt được hỏi mua làm gì, nếu cúng giỗ thì sang hàng bên cạnh mà mua vì hôm nay thịt dở, đã phai nhạt đi phần nào.

Dọc theo hai con đường sầm uất nhất của Hội An là Trần Phú và Nguyễn Thái Học quầy hàng lưu niệm san sát. Tôi có thói quen mỗi chiều sau giờ làm việc lại đi dọc hai con đường đó để quan sát nhịp buôn bán của Hội An. Cả Hội An như một siêu thị bán hàng lưu niệm khổng lồ, nhưng tìm đỏ mắt cũng không thấy cái gì là sản phẩm đặc trưng của Hội An. Lồng đèn chăng?

Những người cao niên tại Hội An nói rằng lồng đèn chỉ mới xuất hiện chừng hơn 10 năm trở lại đây, ngày xưa người Hội An không ai đi làm lồng đèn bọc vải như bây giờ. Hàng quần áo tơ lụa chăng? Bạn có thể tìm thấy những món hàng tương tự với giá còn rẻ hơn tại Sài Gòn hay Hà Nội. Sản phẩm Hội An có chăng được du khách nhớ đến là những bộ vest may đo lấy liền với giá không thể rẻ hơn, khoảng hơn 4 triệu đồng/bộ ở nhà may lớn nhất thành phố. Thành phố Hội An vừa giới thiệu bộ sản phẩm làm từ cây Ngô Đồng mọc ở Cù Lao Chàm hồi cuối năm ngoái với hy vọng sẽ tạo ra được một sản phẩm mang tính đặc trưng nhưng có lẽ còn nhiều việc phải làm hơn nữa để đang dạng hóa những sản phẩm như thế này.

Có lần ngồi với một quản lý người Đức của một resort sang trọng dọc biển Cửa Đại, anh này hỏi tôi: “Anh nghĩ khách của tôi muốn quay lại phố cổ để mua sắm sau khi đi một vòng tham quan chỉ với những mặt hàng nghèo nàn như vậy ư?”. Theo lời người này, những du khách lưu trú tại những resort hạng sang ở Hội An gần như không ra khỏi đây vào ban đêm để tìm kiếm chỗ vui chơi bên ngoài như tại những điểm du lịch khác. “Cả Hội An dường như chỉ tập trung phục vụ cho khách du lịch ba lô chứ không phải nhắm đến lượng khách có khả năng tiêu xài số tiền lớn”, vị quản lý này nói. Có thể hiểu được sự sốt ruột của những người quản lý các resort dọc biển Cửa Đại khi bờ biển nơi đây đang bị sạt lở nghiêm trọng.

Hoi An tim gi cho minh? hinh anh 2
Du khách nước ngoài học làm đèn lồng.

Nhiều resort phải đóng cửa vì các công trình sập đổ do bờ biển sạt lở. Ít nhất 3 cuộc hội thảo đã diễn ra nhưng chưa có cách nào giải quyết. Đi qua những khối tài sản trị giá hàng chục tỷ đồng phải đóng cửa tiêu điều, đoạn bãi biển Cửa Đại ngày nào du khách dập dìu nay sóng biển liếm vào gần sát con đường. Thương hiệu biển Cửa Đại đã không còn, hàng hóa rẻ tiền, cẩu thả… thật dễ đoán lượng khách có tiền sẽ đổ về đâu trong tương lai khi những resort sang trọng của Đà Nẵng lại ở sát bên.

Năm 2015, Hội An đón hơn 1,8 triệu lượt du khách, con số quá đẹp trong tình hình kinh tế thế giới vẫn chưa có nhiều sáng sủa. Thế nhưng ăn hôm nay không thể không nghĩ cho ngày mai. Một Hội An từng là trái tim của xứ Đàng Trong xưa với nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, hàng hóa khắp năm châu đến và đi, mang lại sự phồn thịnh cho Việt Nam của những thế kỷ trước. Ngày nay, thương cảng đã không còn thay vào đó là một đô thị du lịch không có nghĩa rằng mọi thứ từng làm nên Hội An xưa đều không còn giá trị.

Người đi du lịch phần nhiều không phải chỉ để hưởng thụ những sản phẩm vật chất. Họ muốn hít thở cái không khí, nhìn ngắm nhịp sống đến để có thể hòa mình vào vùng đất nơi mình đến. Trước đây, sáng kiến tổ chức những đêm rằm không ánh điện trong phố cổ đã từng mang lại tiếng vang cho điểm đến Hội An thì nay sao không nghĩ đến việc tái hiện những chuyến thương thuyền buôn bán dọc sông những sản vật của xứ Đàng Trong xưa! Để du khách có dịp “đi lạc” vào một đô thị cổ thật sự chứ không chỉ là đi dọc theo những quần thể những ngôi nhà cổ giờ đã trở thành shop bán hàng lưu niệm.

Nhớ lại một lần ngồi cùng ông Nguyễn Sự, khi đó đang là Chủ tịch thị xã Hội An, tôi hỏi ông bây giờ ông có còn tìm thấy những cái bàn thờ tổ tiên trong những ngôi nhà cổ ở Hội An nữa không khi chủ nhân những ngôi nhà này đang phải sang tên đổi chủ cho người nơi khác đến làm điểm bán hàng lưu niệm. Ông cười rồi nói: “Chắc chỉ còn tìm được bàn thờ thần tài”.

Những năm đó chính quyền Hội An nỗ lực cho dân vay tiền với lãi suất ưu đãi để sửa chữa nhà cổ, thậm chí mua lại nhà cổ rồi cho chính người dân Hội An thuê lại để tiếp tục sinh sống, làm ăn. Hơn ai hết, họ hiểu rằng sẽ không bao giờ có được linh hồn của phố cổ nếu những con người sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà đó phải rời bỏ nơi tổ tiên của mình đã sinh sống hằng trăm năm để thay bằng một ông chủ đầu tư từ nơi khác đến.

Năm mới nhưng nói chuyện đô thị cổ không biết có làm độc giả phiền lòng! Nếu có, chỉ mong mọi người hãy hiểu cũng bởi lòng yêu mến Hội An, một trong những điểm đến du lịch hiếm hoi còn giữ lại cho mình cái không khí bình yên cho du khách. Chỉ mong trong những năm tới Hội An sẽ tìm được cho mình con đường phát triển tiếp theo những gì đã làm được trong suốt thời gian qua. Hãy tìm cho Hội An một thương hiệu mới, lối đi mới để thu hút được đa dạng khách hơn nữa chứ không chỉ là điểm đến của những khách ba lô nước ngoài.

Nguồn: News.zing.vn