Hội “người già” 8x và 9x đời đầu hẳn ai cũng có một sự gần gũi thân thương đặc biệt với món… sữa đặc

0
Hội “người già” 8x và 9x đời đầu hẳn ai cũng có một sự gần gũi thân thương đặc biệt với món… sữa đặc

Từ cái thời mà quà vặt còn chưa đa dạng như bây giờ, lon sữa đặc không thể nghi ngờ gì là một món ăn “vạn năng” của nhiều đứa trẻ.

Có lẽ, những bạn trẻ thế hệ Z (sinh từ giữa thập niên 90 đến sau năm 2000) với vô số các lựa chọn ăn vặt, các sản phẩm ngoại nhập sẽ khó mà hiểu được sự “thần thánh” của món sữa đặc. Sẽ không ngoa khi nói rằng đối với 8x, 9x đời đầu, sữa đặc là một món ăn hết sức… vi diệu. Bởi vì trong khoảng chuyển giao từ thập niên 80 đến 90, khi hàng hoá, vật chất hãy còn thiếu thốn, chính những hộp sữa đặc vỏ kim loại giản dị nọ đã “thổi hồn” vào rất nhiều những món ăn thân thuộc đời thường. Mãi đến hiện tại, sữa đặc vẫn không ngừng phát huy vai trò của mình như một nguyên liệu có tính ứng dụng cao khi nấu ăn, song chỉ có những đứa trẻ thế hệ 9x đời đầu ngày xưa mới “thấm thía” và gắn bó với nó một cách đặc biệt:

Bánh mì chấm sữa

Ứng dụng của sữa đặc: bánh mì chấm sữa năm ấy ai cũng theo đuổi.

Bánh mì chấm sữa đặc có lẽ là một món ăn sáng “quốc dân” mà đứa trẻ 8x, 9x nào cũng từng thử qua, thậm chí vẫn còn lưu truyền đến bây giờ. Có một dạo, đây chính là món ăn sáng hằng ngày trước khi đi học. Đó có thể là ổ bánh mì nóng giòn từ mẻ đầu tiên trong ngày của lò bánh mì gần nhà, vỏ có màu vàng nhạt, khi bẻ ra để lộ ruột bánh trắng như bông, bên trong còn bốc khói. Xé một miếng bánh mì nhỏ và chấm với sữa đặc chính là cách ăn sáng “kinh điển” của nhiều gia đình.

Có hai cách ăn bánh mì với sữa đặc, cách thứ nhất là rót ít sữa đặc ra chén nhỏ rồi chấm ngay, ăn có vị giòn béo. Cách khác là pha sữa đặc với nước nóng cho loãng ra, có màu trắng nhạt giống sữa tươi, nhưng vị ngọt đậm hơn nhiều. Xé ít bánh mì ngâm trong đó rồi dùng muỗng múc, bánh mì ngâm thấm hoàn toàn cái ngọt của sữa – đây chính là món “ruột” của nhiều đứa trẻ ngày xưa.

Sữa đặc rưới kem

Ứng dụng thứ hai: sốt kem kinh điển.

Ngày xưa, xe kem với tiếng chuông kêu leng keng nhiều vô số kể, cứ tầm trưa trưa là bọn trẻ con lại ở trong nhà ngóng ra, mong chờ bóng dáng xe kem. Và sữa đặc lại một lần nữa gây dấu ấn sâu sắc trong lòng bọn trẻ con, khi mà mỗi xe kem này đều kèm một lon sữa đặc. Hẳn ai cũng nhớ hình ảnh lon sữa bằng kim loại, phía trên không cạy cả nắp ra mà được đục hai lỗ nhỏ, từ lỗ nhỏ xíu này vừa đủ chảy ra ít sữa đặc, được người bán dùng rưới lên kem. Thời đó, người bán kem nào cũng có một “quy trình” mà dám cá là đứa trẻ nào cũng thuộc nằm lòng: mở tủ, lấy kem, để kem vào ốc quế, rưới sữa, thêm đậu phộng. Que kem chỉ 1, 2 nghìn nhưng đi sâu vào lòng người, cùng với hình ảnh hộp sữa đặc thân thương.

Bạc xỉu

Ứng dụng thứ ba: bạc xỉu – “di sản” ẩm thực một thời của người Sài Gòn.

Vào cái thời mà văn hoá tiệm nước của đồng bào người Hoa còn thịnh hành, đi kèm là sự phổ biến của cà phê. Tuy nhiên cà phê có vị đắng, không phải ai cũng thưởng thức được, nên dần dà nhiều người nảy ra ý tưởng cho thêm sữa đặc vào để trung hoà. Nhiều người hay gọi bạc xỉu là cà phê sữa, nhưng sữa trong bạc sỉu không phải sữa bò tươi mà nhất định phải là sữa đặc. Đây là bởi vì thời xưa, sữa tươi đắt đỏ và cũng hiếm nên người ta dùng sữa đặc thay thế, lâu dần trở thành nét đặc trưng. Đến hiện tại, sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng nhắc đến bạc sỉu thì ai cũng hiểu rằng phải dùng sữa đặc mới… “chuẩn bài”.

Da ua

Hội người già 8x và 9x đời đầu hẳn ai cũng có một sự gần gũi thân thương đặc biệt với món… sữa đặc - Ảnh 4.

Ứng dụng thứ tư: làm da ua bịch – món mà đứa trẻ nào cũng mê.

Nhà bạn nào có mẹ, chị hay dì khéo tay hay làm, chắc hẳn sẽ quen thuộc hình ảnh hộp sữa đặc được khui ra để làm món da ua “thần thánh” nhỉ? Da ua, vốn có công thức tương tự yogurt kiểu Tây là sữa lên men chua, nhưng ngày xưa vì thiếu thốn sữa tươi nên người ta thường dùng sữa đặc thay thế. Theo đúng “chuẩn” sữa chua phương Tây thì sữa lên men không cho thêm nước, tuy nhiên theo công thức làm da ua từ sữa đặc thì lúc nào cũng phải thêm nước nên thành phẩm thường cứng và có vị đá. Song, đây mới chính là điều yêu thích của bọn trẻ. Da ua cho vào bịch hay túi nhỏ rồi đem để tủ lạnh, phải cứng cứng một tí thì mới thấy ngon!

Sữa đặc để… chấm mút

Hội người già 8x và 9x đời đầu hẳn ai cũng có một sự gần gũi thân thương đặc biệt với món… sữa đặc - Ảnh 5.

Ứng dụng thứ năm: để… chấm mút.

Khai thật đi, bạn có bao giờ thò tay vào tủ lạnh để… chấm mút ít sữa đặc vào những lúc thèm ngọt? Hay thậm chí là tìm một cái chén hay dĩa nhỏ, đổ sữa đặc vào rồi dùng ngón tay chấm và mút như thể đó là món ăn ngon nhất trần đời? Vào cái thời mà tiền tiêu vặt mỗi ngày chỉ khoảng 500 đến 1000 đồng và thức quà ăn vặt không phải nơi nào cũng có thì đây không thể nghi ngờ là món ăn “đỡ buồn miệng” siêu rẻ và siêu tiện ngay tại nhà.

Nguồn: KENH14.VN