Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Tràng An gắn với phát triển du lịch”

0
170

Sáng 20/4, tại khách sạn Bái Đính, Sở Du lịch Ninh Bình phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An gắn với phát triển du lịch”.

Dự và chủ trì hội thảo có đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh. Đồng chủ trì hội thảo có giáo sư, Tiến sỹ khoa học Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam; Phó Giáo sư, tiến sỹ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Việt Nam.

Cùng dự hội thảo còn có các nhà khoa học, các chuyên gia trong nước và quốc tế; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thành phố của tỉnh; một số doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Đây cũng là sự kiện hướng tới Kỷ niệm 1050 năm Nhà nước Đại Cồ Việt (968-2018) và Lễ hội Hoa Lư năm 2018.

Phát biểu chào mừng, khai mạc hội thảo, đồng chí Đinh Chung Phụng, TVTU, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định; Quần thể di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới Tràng An được Unesco vinh danh từ năm 2014 có ý nghĩa quan trọng với cả nước nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng. Với ý thức trách nhiệm trước Di sản của quốc gia và của nhân loại, cấp ủy, chính quyền, nhân dân tỉnh Ninh Bình đã, đang, sẽ tiếp tục cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện cam kết với mục tiêu cao nhất là quản lý, bảo tồn, giữ gìn các giá trị nổi bật toàn cầu của di sản, để trao truyền nguyên vẹn cho các thế hệ mai sau, đồng thời phát huy được những giá trị nổi bật của di sản gắn với phát triển du lịch bền vững phục vụ chiến lược phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Trong thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã có các chương trình, kế hoạch, chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch bền vững như: thành lập Ban Chỉ đạo bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới; ban hành Nghị quyết về nâng cao hiệu quả quản lý, bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị di sản; Quy chế quản lý tạm thời về xây dựng trong khu di sản; triển khai cắm mốc giới, biển báo vùng lõi và vùng đệm của di sản…

Tuy nhiên, Di sản Thế giới Quần thể danh thắng Tràng An cũng đang đối diện với không ít những khó khăn, thách thức, chịu sự tác động của sự biến đổi của môi trường tự nhiên và xã hội cần phải giải quyết như việc nhận diện, ngăn ngừa các nhân tố, sức ép tác động tiêu cực đến di sản, sức ép từ các hoạt động du lịch, gia tăng dân số và nhất là sức ép do sự tác động tiêu cực nhận thức chung của cộng đồng về bảo vệ di sản vẫn còn bị hạn chế…

Đồng chí Đinh Chung Phụng, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn, hội thảo lần này tiếp tục được trao đổi, ghi nhận những ý kiến rộng rãi của các chuyên gia, các nhà quản lý, các nhà khoa học trong nước và quốc tế về kế hoạch hành động để từng bước nâng cao công tác quản lý, bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản Tràng An gắn với phát triển du lịch bền vững của tỉnh Ninh Bình.

Hội thảo đã có 24 tham luận của các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu đến từ Hội đồng Di sản văn hóa Việt Nam, Văn phòng Uỷ ban quốc gia Unesco Việt Nam, Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia và các chuyên gia từ Hiệp hội bảo tồn thiên nhiên thế giới IUCN, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, trường Đại học Queens Belfast (Vương quốc Anh), Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế…

Các tham luận tập trung phân tích nghiên cứu chuyên sâu về cách thức phát triển du lịch có trách nhiệm tại quần thể di sản Tràng An; bảo tồn và định hướng phát triển du lịch văn hóa; vai trò và sự tham gia của cộng đồng địa phương trong quản lý, bảo tồn di sản; giải pháp bảo vệ môi trường gắn với phát triển du lịch…

Theo đó, các chuyên gia chia sẻ: Không chỉ riêng di sản Văn hóa, Thiên nhiên thế giới Tràng An, các di sản đã được vinh danh đang rất cần có chiến lược từ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, gắn với phát triển văn hóa du lịch có trách nhiệm – một trong những giải pháp có tính nền tảng nhằm nghiêm túc thực hiện Công ước 1972 của Unesco và phục vụ thiết thực cho mục tiêu phát triển bền vững.

Từ đó xây dựng những mô hình du lịch tác động đến di sản ít hơn; tăng cường sự tham gia của cộng đồng, tăng cường các hoạt động giáo dục di sản cho cộng đồng, nhất là thế hệ trẻ. Cùng với đó, tiếp tục xây dựng chính sách nhằm đẩy mạnh hợp tác công – tư trong phát triển du lịch, tăng cường mở rộng quan hệ hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương trong nước và quốc tế để học tập, áp dụng với mục tiêu bảo tồn và phát huy di sản gắn với phát triển du lịch.

Minh Đường- Đức Lam

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn