Tổng lượng hàng hóa về TP.HCM ngày 8/7 đạt 2.100 tấn, giảm hơn 34% so với ngày trước đó, theo báo cáo của Sở Công Thương.
Cụ thể, lượng hàng về các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa xung quanh 3 chợ đầu mối đạt khoảng 900 tấn. Còn lượng hàng được các thương lái lớn bán hàng qua kênh điện thoại, mạng xã hội, giao hàng trực tiếp không về điểm tập kết ước khoảng 1.200 tấn. Trong đó có 300 tấn thịt gia súc, 50 tấn thủy hải sản và khoảng 1.750 tấn rau củ quả, trái cây.
Theo thống kê của Chi cục Thú y, số lượng heo tiêu thụ khoảng 4.000 con, tương đương 300 tấn thịt, riêng lò giết mổ Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn) cung ứng ra thị trường khoảng 1.916 con, tức khoảng 143,7 tấn thịt.
Khảo sát thực tế của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy các tiểu thương lớn ở chợ đầu mối Thủ Đức vẫn đưa rau củ quả về giao hàng trực tiếp cho các thương lái, mối quen.
Hàng hóa không vào chợ mà tập trung chủ yếu dọc 2 bên tuyến đường Nguyễn Thị Sóc, quốc lộ 22 hướng từ ngã ba chợ đầu mối về bến xe An Sương và ngược lại (phương tiện vận chuyển từ các tỉnh giao trực tiếp cho các mối) với sản lượng khoảng 550 tấn.
Chợ đầu mối đóng cửa nhưng tiểu thương vẫn được thương lái giao hàng trực tiếp hoặc có thể lấy hàng tại các điểm tập kết gần chợ đầu mối. Ảnh minh họa: Quỳnh Danh. |
Trong khi đó, các tiểu thương lớn của chợ đầu mối Thủ Đức có điểm bán hàng trực tiếp trên các tuyến đường xung quanh chợ, khu dân cư sau chợ, đường Ngô Chí Quốc sau chợ, đường xa lộ Hà Nội gần chợ,với tổng sản lượng rau củ quả ước đạt 750 tấn.
Còn tại chợ Bình Điền, thương lái lớn chuyển sang giao hàng trực tiếp, một số thương lái tập kết hàng dọc đường Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) để giao nhận hàng. Sản lượng rau củ quả đạt khoảng 450 tấn, thủy hải sản khoảng 50 tấn.
Sở Công Thương cho biết hầu hết mặt hàng lương thực, thực phẩm ở các chợ truyền thống có xu hướng tăng giá do số chợ tạm dừng hoạt động tăng cao. Ước tính sức mua tăng khoảng 30% sau thông tin TP áp dụng Chỉ thị 16. Người dân đổ xô mua sắm, dự trữ hàng hóa khiến một số chợ thiếu hàng cục bộ. Cụ thể, giá thịt heo tăng khoảng 10-20%, rau củ quả tăng khoảng 2-5% so với ngày 7/7.
Tính đến sáng 8/7, TP.HCM có 6/106 siêu thị, 85/2.616 cửa hàng tiện lợi, 148/234 chợ truyền thống và 3/3 chợ đầu mối tạm đóng cửa.
Do hiện tại tất cả người về các địa phương từ TP.HCM phải thực hiện cách ly y tế tại nhà 7 ngày, một số đơn vị bán lẻ có kho nằm ở tỉnh lân cận như Saigon Co.op (kho tại Bình Dương) gặp khó khăn. Chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối khác như Satra, Aeon Mall, Bách Hóa Xanh, Lotte… cũng chịu ảnh hưởng.
Theo những đơn vị này, việc yêu cầu kết quả âm tính của tài xế khi vào TP làm tăng chi phí bán hàng cho doanh nghiệp, dẫn đến tăng giá bán sản phẩm. Các bên cũng bị động trong công tác điều phối xe tải chở hàng do khâu kiểm soát giấy chứng nhận âm tính theo cách thức thủ công gây ùn ứ hàng hóa, không đảm bảo 5K.
Bên cạnh đó, công tác xét nghiệm chưa có sự điều phối, thống nhất giữa TP.HCM và các tỉnh, thành nên thời gian lấy giấy chứng nhận tại các điểm xét nghiệm chậm trễ.
Các doanh nghiệp bán lẻ đề xuất các địa phương có hướng dẫn rõ ràng, phân bổ địa điểm xét nghiệm cụ thể trên địa bàn của từng địa phương, tốt nhất nên tổ chức xét nghiệm tại các trạm kiểm soát để chủ động xử lý các trường hợp phát sinh đột xuất. Các địa phương có thể thống nhất chỉ yêu cầu xét nghiệm nhanh và có hiệu lực lưu hành 3 ngày.
Nguồn: News.zing.vn