Trong đợt dịch lần thứ 4, công đoàn các cấp đã và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền 5.500 tỷ đồng.
Thông tin trên được bà Vũ Thị Giáng Hương, Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, cho biết tại cuộc họp báo chiều 28/10.
Theo báo cáo chưa đầy đủ, hơn 20.400 doanh nghiệp phải tạm dừng hoặc dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất hoặc giải thể do ảnh hưởng của dịch bệnh. Hơn 2,26 triệu người lao động phải ngừng, nghỉ, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng lao động.
Báo cáo của 34 tỉnh, thành phố cũng cho thấy hơn 3,15 triệu người lao động đã được hỗ trợ 5.200 tỷ đồng và hơn 187.000 doanh nghiệp đã được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền trên 1.700 tỷ đồng. Việc hỗ trợ này được thực hiện theo Nghị quyết số 68 của Chính phủ về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết dịch bệnh lần này tấn công trực tiếp vào đối tượng là công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất. Lực lượng này lại chủ yếu là người di cư nên dễ có tâm lý hoang mang, cảm thấy chơi vơi trong đại dịch. Những lúc đó, cán bộ công đoàn trở thành chỗ dựa của người lao động.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, phát biểu tại cuộc họp báo chiều 28/10. Ảnh: M.H. |
Tại cuộc họp báo, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thông tin về chương trình “Việt Nam – Khát vọng bình yên” và kết quả cuộc thi “Giai điệu nơi tuyến đầu”, phối hợp tổ chức với Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Sau khi chấm và chọn trong số hơn 1.200 tác phẩm, các bản ghi âm bài hát với chủ đề về dịch bệnh, ban tổ chức xét trao 3 giải nhì (không có giải nhất), 6 giải ba, 12 giải khuyến khích và 5 giải chuyên đề.
Nguồn: News.zing.vn