Những cư dân trên hòn đảo này được coi là những người dũng cảm nhất vì họ đang sinh sống trên miệng của một ngọn núi lửa vẫn còn hoạt động.
Aogashima là một hòn đảo nhỏ bé nằm biệt lập giữa Thái Bình Dương, cách Tokyo hơn 350km về phía nam. Đây là hòn đảo cô lập nhất trong quần đảo Izu. Aogashima là một hòn đảo núi lửa nổi lên từ biển. Người ta cho rằng hòn đảo này được hình thành từ những tàn tích núi lửa chất chồng lên nhau. Chính điều này đã tạo cho hòn đảo một địa hình rất đặc biệt với những vách đá gồ ghề dựng đứng của trầm tích núi lửa.
Đảo Aogashima nằm biệt lập giữa Thái Bình Dương.
Cơ quan Khí tượng Nhật đã xếp Aogashima vào loại núi lửa hạng C do trung tâm của hòn đảo chính là một miệng núi lửa khổng lồ vẫn còn đang hoạt động. Lần phun trào gần đây nhất của núi lửa Aogashima diễn ra vào năm 1780 đã khiến cho phân nửa dân số trên đảo thiệt mạng. Những người còn sống sót buộc lòng phải chuyển đi nơi khác. Phải tới 50 năm sau mới có người quay trở lại hòn đảo này sinh sống. Cho tới ngày nay, dân số trên đảo vẫn chỉ duy trì ở khoảng 200 người.
Địa hình đặc biệt của hòn đảo khiến nơi đây trở nên vô cùng nổi tiếng.
Toàn bộ hòn đảo là một ngọn núi lửa khổng lồ vẫn còn đang hoạt động.
Điều làm nên sự đặc biệt của hòn đảo này là vì nó là một hòn đảo “núi lửa đôi”. Có một miệng núi lửa nhỏ nằm lọt thỏm ở trung tâm hòn đảo – vốn là một miệng núi lửa lớn. Chính vì hình dáng độc đáo này đã khiến cho nơi đây giống như quang cảnh trong bộ phim Công viên kỷ Jura. Không chỉ vậy, đảo Aogashima còn được lấy cảm hứng để tạo nên thị trấn Itomori trong bộ phim Kimi no Nawa nổi tiếng.
Có địa hình đặc biệt với những vách đá dựng đứng bao quanh, hòn đảo Aogashima gần như biệt lập hoàn toàn với thế giới. Nếu muốn đến nơi đây tham quan, du khách phải di chuyển bằng trực thăng, khởi hành từ hòn đảo láng giềng là Hachijojima cách đó tới 60km. Mỗi ngày chỉ có một chuyến trực thăng như vậy và chỉ chở tối đa là 9 hành khách ra thăm đảo. Bên cạnh đó, việc di chuyển bằng trực thăng tới đảo Aogashima còn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Những ngày biển động hay có sương mù dày đặc, những chuyến trực thăng này sẽ buộc phải hủy bỏ.
Du khách chỉ có thể di chuyển bằng trực thăng để tới hòn đảo Aogashima.
Aogashima cũng là tên của ngôi làng nhỏ nhất Nhật Bản tồn tại trên hòn đảo này. Dù nhỏ nhưng trên đảo vẫn có đầy đủ bưu điện, nhà hàng quán xá và trường học phục vụ cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, nơi đây chỉ có duy nhất một trường phổ thông với khoảng 25 học sinh. Khi tới 15 tuổi, các em học sinh buộc phải rời đảo, chuyển tới trường trung học ở thành phố khác để tiếp tục việc học. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dân số tại đảo Aogashima ngày một giảm.
Một cửa hàng trên đảo.
Cuộc sống của người dân trên đảo phụ thuộc nhiều vào nguồn địa nhiệt từ núi lửa đang hoạt động. Họ tận dụng nguồn nhiệt này để nấu ăn và sưởi ấm. Tại khu vực trung tâm của hòn đảo có một nhà tắm hơi để phục vụ cư dân và du khách. Họ có thể thư giãn với nguồn nước nóng đầy khoáng chất vô cùng có lợi cho sức khỏe. Du khách đến tham quan đảo cũng có cơ hội trải nghiệm việc nấu nướng bằng hệ thống năng lượng nhiệt từ núi lửa được thiết kế tại các khu cắm trại.
Nồi nấu sử dụng địa nhiệt.
Trên đảo Aogashima không có nhiều địa điểm vui chơi giải trí, nhưng phần lớn khách du lịch đến đây là vì muốn cảm nhận sự thanh bình và biệt lập với thế giới xung quanh của hòn đảo đặc biệt này.
Khung cảnh trên đảo vô cùng bình yên và thơ mộng.
Thưởng thức rượu Aochu truyền thống của người dân địa phương trên đảo là điều mà du khách không thể bỏ qua. Nhiều người cho rằng thứ rượu được chưng cất từ khoai lang và lúa mì trên đảo mang đến một hương vị rất đặc biệt, khác hẳn với rượu từ những nơi khác.
Bầu trời không bị ô nhiễm ánh sáng của đảo Aogashima.
Có lẽ vì là một hòn đảo nhỏ biệt lập, vẫn thường xuyên có người lựa chọn rời đảo, chuyển tới một nơi khác sinh sống nên những bài hát dân gian trên đảo Aogashima chủ yếu nói về những cuộc chia ly và những câu chuyện rời khỏi đảo. Nhưng đối với du khách, họ tới Aogashima là để tìm kiếm sự bình yên, thanh thản, tách biệt với cuộc sống bên ngoài của nơi đây.
Nguồn: https://baogiaothong.vn/hon-dao-dac-biet-co-nui-lua-nam-trong-mieng-nui-lua-o-nhat-ban-d508152.h…Nguồn: https://baogiaothong.vn/hon-dao-dac-biet-co-nui-lua-nam-trong-mieng-nui-lua-o-nhat-ban-d508152.html
Nguồn: 24H.COM.VN