Hòn đảo ‘khát’ nước ngọt giữa Thái Bình Dương

0
Hòn đảo ‘khát’ nước ngọt giữa Thái Bình Dương

Từng tồn tại hàng thập kỷ qua nhiều mùa hạn hán, cư dân đảo Banaba đang đối mặt với tình trạng sử dụng nguồn nước ô nhiễm – hệ quả từ việc khai thác mỏ quá mức trong quá khứ.

Trận mưa đúng nghĩa cuối cùng trên hòn đảo Banaba, thuộc một phần của Kiribati là từ hơn một năm trước. Không có mưa, người dân trên hòn đảo bị cô lập giữa Thái Bình Dương này buộc phải sử dụng một nhà máy khử muối để có nước uống, sinh hoạt và trồng trọt, theo Guardian.

Tuy nhiên từ cuối tháng 11/2020, nhà máy ngưng hoạt động. Điều này như một vết dao cứa vào sự tuyệt vọng của gần 300 cư dân sinh sống trên hòn đảo. Những người này buộc phải uống nguồn nước bị ô nhiễm, lo lắng bùng phát dịch bệnh và đối mặt với sự sợ hãi về nạn đói kéo dài.

Bất lực

“Bệnh ngoài da và tiêu chảy đang lan rộng, đặc biệt ở trẻ em. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc uống nguồn nước bị ô nhiễm hoặc nước mặn”, Taboree Biremon – cư dân của hòn đảo Banaba – cho biết.

“Bọn trẻ không hề ổn bởi chúng không hiểu (tại sao mình phải đối mặt với điều này). Chúng cứ đòi hỏi loại thức ăn mà không bao giờ có được. Chúng tôi chỉ cảm thấy rất buồn vì điều đó nhưng chúng tôi có thể làm gì đây?”.

Theo ông Taboree, đã 3 tháng rồi người dân không có nước ngọt để uống, không thể tắm rửa, không có thức ăn nào khác ngoài cá bởi tất cả mùa màng đều chết.

“Chúng tôi cũng không thể ngủ được. Tất cả những gì chúng tôi muốn là tìm kiếm nguồn nước trên đảo. Chúng tôi đang tìm cách để tồn tại. Chúng tôi trôi dạt trên biển, lạc lõng và không một ai quan tâm”, ông Taboree nói.

hon dao khong co nuoc Banaba anh 1

Kệ đồ ăn trống trơn – hình ảnh quen thuộc tại nhiều ngôi nhà ở Banaba. Ảnh: Guardian.

Một con tàu từ Kiribati – cách đó 400km – cập bến vào tháng 3 vừa qua – cung cấp nước đóng chai và thiết bị để thiết lập một nhà máy khử muối mới.

Nhưng những người cao tuổi tại đảo khẳng định dựa vào sự hỗ trợ từ xa là không khả thi và bền vững, đặc biệt khi cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng trầm trọng.

“Các nhà máy khử muối không phải là một giải pháp lâu dài. Khi sự cố tiếp diễn, chúng tôi lại rơi vào tình cảnh bế tắc tương tự. Những gì người dân cần là phục hồi lại hiện trạng của hòn đảo”, Roubena Ritata, một già làng cho biết.

Các nhà lãnh đạo Banaba đang tìm kiếm một giải pháp lâu dài. Trên thực tế, có một giải pháp mà tổ tiên họ đã làm trong nhiều thập kỷ để tồn tại trên hòn đảo này: phương pháp lấy nước truyền thống.

Nguyên nhân

Những người lớn tuổi đang viết thư cho chính phủ Australia và New Zealand nhằm yêu cầu hỗ trợ xây dựng hoặc làm sạch mạng lưới nước ngầm trong các hang động, được gọi là te bangabanga.

Australia và New Zealand góp phần phá hủy hệ thống te bangabanga trong thế kỷ 20 từ hoạt động khai thác phốt phát. Hoạt động này khởi xướng bởi nhà khai thác mỏ người Australia Albert Ellis vào năm 1900.

Trong 80 năm tiếp theo, Ủy ban phốt phát của Anh (BPC) – thuộc sở hữu của Australia, New Zealand và Anh – khai thác mạnh mẽ đảo Banaba đến mức khoảng 90% hòn đảo là đất trống.

“Sự tàn phá hoàn toàn (đảo Banaba) là hệ quả từ hoạt động của những quốc gia này. Họ đến, kiếm tiền đầy túi rồi rời đi”, Katerina Teaiwa – Phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia và là tác giả của cuốn “Đảo đại dương: Câu chuyện về con người và phốt phát từ Banaba” – nói.

Người Banaba trong lịch sử đã sống sót qua nhiều đợt hạn hán khắc nghiệt nhờ vào các hang động tích và lưu trữ nước.

hon dao khong co nuoc Banaba anh 2

Các hang động dưới lòng đất được gọi là te bangabanga. Ảnh: Guardian.

Tuy nhiên, các cư dân cao tuổi ở đây đều khẳng định gần như tất cả các hang động đều đã bị phá hủy, số ít còn lại thì bị ô nhiễm nghiêm trọng.

“Đối với nhiều người, te bangabanga giờ chỉ tồn tại trong những câu chuyện và điệu múa được truyền qua nhiều thế hệ”, trưởng lão Pelenise Alofa cho biết. Trong lịch sử, chỉ phụ nữ mới được vào các hang động này, cho thấy tầm quan trọng và vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng Banaba.

“Chúng tôi biểu diễn các điệu múa và kể lại câu chuyện về cách tổ tiên tìm thấy hang động cho lớp trẻ. Đó là một phần của con người Banaba. Tôi tưởng những vấn đề này sẽ được giải quyết, nhưng chúng lại trở nên tồi tệ hơn”, ông Alofa nói.

Người Banaba từng được nhận một khoản tiền đền bù vì những gì họ phải chịu đựng. Năm 1976, một nhóm người đã kiện Anh về hành động tàn phá thiên nhiên hòn đảo. Sau đó, tòa án phán quyết Anh chỉ có khoản nợ về mặt luân lý chứ không có nghĩa vụ về mặt pháp lý.

Cuối cùng, chính phủ Anh thay mặt nhóm quyết định cung cấp cho người Banaba một khoản bồi thường thiện chí gần 7,8 triệu USD, với điều kiện họ phải từ bỏ tất cả các hành động pháp lý tiếp theo.

Giờ đây, khi tình trạng hạn hán kéo dài, những người Banaba buộc phải tiếp tục tìm kiếm sự đền bù và tìm ra một giải pháp lâu dài.

Đi tìm công lý

6.000 người buộc phải di cư khỏi hòn đảo này chuyển sang đảo Rabi của Fiji.

“Công dân Banaba sinh sống ở Fiji và cộng đồng hải ngoại ở Auckland đều mong muốn quay trở lại Banaba và kết nối với quê hương của mình. Nhưng sự tàn phá do hoạt động khai thác mỏ khiến mọi người không còn cách nào khác”, Rae Baineti, giám đốc của tổ chức Kiribati Auteroa Diaspora Director, nói.

“Là một nhà hoạt động xã hội, tôi khuyên thế hệ trẻ giữ vững lập trường và lòng dũng cảm. Tôi khuyến khích họ đối thoại để yêu cầu chính phủ chịu trách nhiệm vì hành động phá hoại đất đai của chúng tôi”, ông nói thêm.

hon dao khong co nuoc Banaba anh 3

Một cantilever (công xôn) cũ từng dùng để tải phốt phát ra cho tàu biển. Ảnh: Guardian.

Khai thác mỏ quá mức còn đến dẫn đến việc nhà tại Banaba phải xây dựng bằng amiăng. Chất này khi hít phải có thể dẫn đến hai căn bệnh chết người là ung thư phổi và ung thư trung biểu mô.

Mike McRae-Williams, chuyên gia môi trường người Australia với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực khai thác mỏ, đến Banaba vào năm 2008 để đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình hình. “Đây là một mối nguy hại trầm trọng tới sức khỏe những người sinh sống tại đây”, ông nói.

“Thay vì liên tục đưa những câu chuyện như ‘người Banaba nghèo khổ, không có nước, hãy giúp đỡ họ’, chúng ta nên hướng tới cách tiếp cận là tìm một giải pháp hợp lý”, cư dân Teaiwa bức xúc.

Tuy ủng hộ nỗ lực giải cứu khẩn cấp cùng với chính phủ Kiribati, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand từ chối bình luận về đề nghị của cư dân Banaba yêu cầu New Zealand và Australia giải quyết gốc rễ cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia không đưa ra câu trả lời cho vấn đề này.

Nguồn: News.zing.vn