Sau hơn 100 ngày, Hong Kong (Trung Quốc) khống chế được đợt bùng dịch thứ 4 xảy ra từ cuối năm 2020 nhờ các biện pháp mạnh tay, dù tỷ lệ tiêm chủng trong giai đoạn này bằng không.
Từ khi đại dịch bắt đầu tới trước tháng 11/2020, Hong Kong đã lần lượt dập tắt 3 làn sóng Covid-19. Trong tháng 9/2020 tới giữa tháng 11/2020, số ca mắc Covid-19 tại thành phố này được giữ ở mức thấp: Khoảng 10 ca mới mỗi ngày.
Nhưng tới tháng đầu tháng 12, số ca nhiễm mới mỗi ngày ở Hong Kong đã lập đỉnh, với 100 ca mắc được ghi nhận vào ngày 10/12/2020, theo số liệu từ Our World in Data.
Trong 109 ngày, từ ngày 1/11/2020 tới ngày 19/2, Hong Kong về cơ bản đã khống chế được dịch và đưa số ca nhiễm trở về mức 10 ca mỗi ngày, dù nhà chức trách không tập trung tiêm chủng trong giai đoạn này. Chiến dịch tiêm chủng của Hong Kong bắt đầu từ gần cuối tháng 2.
Phương pháp chống dịch trong giai đoạn này tại Hong Kong là siết chặt các biện pháp giới hạn, tạo điều kiện cho người dân xét nghiệm, và phong tỏa kiểu “phục kích”.
Đến ngày 29/5, giáo sư Yuen Kwok-yung – chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm ở Hong Kong, khẳng định làn sóng thứ 4 ở đặc khu đã kết thúc do không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng suốt một tháng, theo South China Morning Post.
Tuy nhiên, đây chưa phải chiến thắng cuối cùng của Hong Kong. Sự xuất hiện của biến chủng Delta vào lúc này buộc nhà chức trách thành phố vẫn phải thận trọng. Các chuyên gia đều cảnh báo về làn sóng thứ 5.
Hong Kong, đặc khu với chỉ 7 triệu dân, sẽ khiến nỗ lực tiêm chủng không quá phức tạp như các quốc gia đông dân khác, tuy nhiên mật độ dân số cao bậc nhất thế giới sẽ khiến nguy cơ lây lan là rất lớn nếu mầm bệnh vẫn tồn tại trong cộng đồng.
Hong Kong khống chế cơ bản đợt dịch thứ 4 trong 100 ngày. Đồ họa: Lê Ý. |
Siết chặt giới hạn chống dịch
Đợt dịch thứ 4 tại Hong Kong bắt đầu vào giữa tháng 11/2020, xuất phát từ ổ dịch liên quan tới ít nhất 21 câu lạc bộ khiêu vũ.
Sau gần 2 tháng, tính đến đầu tháng 1, số ca mắc liên quan tới ổ dịch này đã tăng lên đến 732 người – con số lớn nhất tại Hong Kong kể từ đầu đại dịch.
Ngày 30/11/2020, khi Hong Kong ghi nhận 76 ca mắc mới, Trưởng đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) Carrie Lam tuyên bố siết chặt hơn nữa các biện pháp chống dịch, thậm chí vượt quá mức đề xuất từ chuyên gia y tế.
Cụ thể, thành phố cho đa số công chức làm từ xa, trừ những nơi thiết yếu.
Các tụ điểm giải trí như trung tâm vui chơi, công viên, câu lạc bộ khiêu vũ, phòng karaoke, bể bơi… đều bị ngưng hoạt động. Các cơ sở làm đẹp và phòng tập thể thao được phép mở cửa nhưng sẽ bị áp thêm một số giới hạn.
Nhà hàng phải ngừng phục vụ tại quán vào 22h mỗi ngày, sớm hơn 2 tiếng so với trước. Số khách mỗi bàn bị giảm từ 4 xuống 2. Mỗi nhóm tụ tập nơi công cộng chỉ được tối đa 2 người. Trường học và cơ sở giáo dục đóng cửa cho tới hết năm 2020.
Để chống dịch, chính quyền thành phố chỉ cho phép 2 người mỗi bàn khi ăn uống tại nhà hàng. Ảnh: South China Morning Post. |
Chính quyền thành phố cũng lập đường dây nóng để tiếp nhận tin báo về những vi phạm quy định giãn cách xã hội.
Bên cạnh người có triệu chứng Covid-19, nhà chức trách yêu cầu 2 nhóm người khác phải xét nghiệm bắt buộc: Nhân viên viện dưỡng lão và tài xế taxi. Xét nghiệm được thực hiện miễn phí, nhưng người không tuân thủ sẽ bị phạt tiền và có thể bị phạt tù.
Ngày 8/12/2020, trong lúc số ca mắc vẫn ở mức cao, giới hạn chống dịch một lần nữa bị siết chặt hơn.
Theo đó, từ ngày 10/12/2020, nhà hàng chỉ được mở cửa tới 18h mỗi ngày, phòng gym, tiệm massage, và tiệm làm đẹp bị yêu cầu ngưng hoạt động.
Công tác truy vết người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân Covid-19 cũng được chú trọng.
Trả lời báo chí ngày 24/12/2020, tiến sĩ Joseph Tsang Kay-yan, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, cho biết ở nơi có mật độ dân số dày đặc như Hong Kong, công tác truy vết là chìa khóa để chống lại virus.
Người dương tính với Covid-19 sẽ được đưa đi điều trị tại bệnh viện. Người từng tiếp xúc gần với bệnh nhân sẽ phải xét nghiệm và được đưa đi cách ly bắt buộc tại khách sạn trong 14 ngày để theo dõi.
Một phụ nữ bế con tại một trung tâm cách ly ở Hong Kong vào ngày 15/3. Ảnh: Reuters. |
Tạo điều kiện cho người dân chủ động xét nghiệm
Hong Kong chú trọng xét nghiệm PCR. Theo thông tin trên website chính thức của chính quyền thành phố, xét nghiệm kháng nguyên nhanh chỉ có thể có tác dụng tham khảo và không thể thay thế xét nghiệm PCR.
Để giảm tải cho phòng xét nghiệm của bệnh viện công, từ tháng 7/2020, Hong Kong thí điểm chương trình cho người dân tự lấy mẫu nước bọt ở sâu dưới họng tại nhà rồi gửi mẫu đi xét nghiệm tại các phòng xét nghiệm tuyến cơ sở.
Trong khuôn khổ chương trình trên, khi cảm thấy mình có rủi ro cao mắc Covid-19 hoặc thấy trong người hơi khó chịu, người dân có thể đến 22 phòng khám nhất định để nhận hộp lấy mẫu miễn phí.
Về nhà, người dân sẽ nhổ nước bọt vào hộp rồi niêm phong. Sau đó, họ cần mang hộp đựng mẫu cho phòng khám và chờ nhận kết quả xét nghiệm Covid-19 qua tin nhắn.
Bộ tự lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 được phân phát miễn phí cho người dân Hong Kong tại các phòng khám nhất định. Ảnh: South China Morning Post. |
Khi dịch bùng phát trở lại lần thứ 4 tại Hong Kong, chính quyền thành phố mở rộng thêm mạng lưới điểm phân phát bộ lấy mẫu.
Ngày 28/11/2020, 121 bưu cục tại Hong Kong bắt đầu phân phát bộ lấy mẫu miễn phí. Số phòng khám nhận hộp đựng mẫu cũng được tăng lên 47.
Ít lâu sau, nhà chức trách tiếp tục mở rộng mạng lưới phân phát bằng cách cho bộ lấy mẫu vào máy bán hàng tự động tại 20 ga tàu.
Các hộp lấy mẫu sẽ được đặt trong khu vực miễn phí của máy bán hàng tự động, nhưng người dùng cần dùng thẻ thanh toán đa năng Octopus của Hong Kong.
Bên cạnh phân phát bộ lấy mẫu miễn phí, nhà chức trách cũng lập ra các trung tâm xét nghiệm cộng đồng có trả phí.
Nếu có nhu cầu xét nghiệm Covid-19 để đi lại hoặc học tập, người dân có thể tới những trung tâm này để làm xét nghiệm với giá khoảng 30 USD mỗi lượt.
Phong tỏa kiểu “phục kích”
Các biện pháp siết chặt phần nào có tác dụng: Số ca mắc mới Covid-19 mỗi ngày vào nửa cuối tháng 12/2020 có xu hướng giảm. Nhưng tới nửa cuối tháng 1, các ca nhiễm tăng trở lại, lần này tập trung ở khu vực Yau Ma Tei và Jordan.
Ngày 23/1, nhà chức trách Hong Kong phong tỏa toàn khu Jordan trong 48 tiếng, ảnh hưởng tới 10.000 người dân. Trong số 7.000 người được xét nghiệm tầm soát, 13 người được phát hiện dương tính với Covid-19.
Do tin về lệnh phong tỏa bị rò rỉ 1 ngày trước, một số người dân đã kịp rời đi trước khi lối ra vào bị chặn. Điều này khiến nhà chức trách chuyển cách tiếp cận sang phong tỏa không báo trước.
Những lần phong tỏa bất ngờ này sẽ diễn ra trên phạm vi nhỏ, thường bắt đầu vào buổi tối hôm trước và kết thúc vào sáng hôm sau.
Người dân trong khu vực bị phong tỏa sẽ phải xét nghiệm hoặc đối diện mức phạt 645 USD. Nếu người dân không hợp tác, nhà chức trách có quyền phá cửa và đưa họ ra ngoài, theo Guardian.
Ngày 26/1, một khu dân cư tại Yau Ma Tei bị phong tỏa bất chợt. 330 người dân được xét nghiệm, 1 người cho kết quả dương tính.
Từ đó tới hết tháng 1, nhà chức trách thực hiện thêm 2 lần phong tỏa “phục kích” ở 2 khu vực khác, thực hiện hơn 800 lượt xét nghiệm nhưng không phát hiện ca dương tính.
Cảnh sát Hong Kong đứng gác trong lúc nhân viên y tế xét nghiệm cho người dân trong khu vực bị phong tỏa kiểu “phục kích” tại Sham Shui Po. Ảnh: Zuma Press. |
Cách tiếp cận của nhà chức trách Hong Kong vấp phải một số chỉ trích vì có thể gây phiền toái cho người dân nhưng không phát hiện được nhiều ca dương tính.
Trong khi đó, Cục Thực phẩm và Y tế Hong Kong cho biết mục đích của lệnh phong tỏa chớp nhoáng là xét nghiệm mọi người dân có liên quan trước khi chuỗi lây nhiễm hình thành trong các tòa nhà.
Việc một số lần phong tỏa không phát hiện ca mắc mới là nằm trong dự liệu, cơ quan này nói, theo Strait Times.
Tiến sĩ Leung Chi Chiu, thuộc Hiệp hội Y tế Hong Kong, cũng chỉ ra rằng thành phố Hong Kong không có đủ sở hạ tầng hoặc năng lực xét nghiệm để thực hiện phong tỏa quy mô lớn như Trung Quốc đại lục.
Đúng như lời hứa, nhà chức trách không thực hiện thêm các vụ phong tỏa trong dịp Tết Nguyên đán, bắt đầu từ ngày 12/2. Cũng từ thời điểm này, số ca mắc Covid-19 mới tại Hong Kong giảm dần xuống mức trung bình 10 ca mỗi ngày.
Từ ngày 18/2, các biện pháp giới hạn chống dịch được nới lỏng.
Phòng gym, cơ sở làm đẹp, công viên, và rạp chiếu phim được phép mở cửa trở lại. Nhà hàng cũng có thể mở cửa tới 22h, nhưng khách hàng phải dùng ứng dụng truy vết LeaveHomeSafe của chính phủ để check-in.
Trong suốt đợt dịch từ ngày 1/11/2020 tới ngày 19/2, Hong Kong không chú trọng tiêm vaccine. Chương trình tiêm chủng diện rộng của thành phố này chỉ được bắt đầu vào ngày 26/2, sử dụng vaccine từ Trung Quốc đại lục.
Sau đợt dịch ngày 1/11/2020-19/2, phải đến đầu tháng 6, tức 42 ngày sau, Hong Kong mới có ca mắc Covid-19 cộng đồng không thể truy vết, theo South China Morning Post.
Nguồn: News.zing.vn