Đầm Chuồn nằm trong hệ thống đầm phá Tam Giang – Cầu Hai (thuộc địa phận xã Phú An, huyện Phú Vang) đã trở thành địa chỉ du lịch nổi tiếng, thu hút du khách về dạo chơi, ngắm cảnh và thưởng thức những món ngon.
Thủy sản tươi sống ở đầm Chuồn (Ảnh: Hà Nguyên)
Tận dụng cảnh sắc hữu tình, nguồn thủy sản phong phú, nhiều khu nhà chòi nổi giữa đầm đã trở thành điểm đến thú vị. Thế nhưng, về lâu dài, để đảm bảo nguồn lợi du lịch – dịch vụ người dân trong vùng cũng tính đến việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái nơi đây.
Bảo vệ môi trường từ việc nhỏ nhất
Ở đầm Chuồn có khu nhà hàng, gồm các nhà chồ làm bằng tre, gỗ hay bê tông cách mặt nước 2 – 3 mét. Khách ngồi trên đò lênh đênh theo dòng nước nhìn từ xa sẽ thấy được cảnh nhà chồ hiện lên như những tổ chim lơ lửng, đẹp hơn khi bình mình ló dạng hay hoàng hôn khuất bóng về chiều. Về đầm Chuồn từ tháng 4 đến tháng 7, du khách được hòa vào không khí rộn ràng của mùa thu hoạch hải sản với những cá móm, cá hanh, cá vược, cá nâu, cá mú, cá dìa, cá kình, hay tôm sú, cua nước lợ… . Nguồn thủy sản ở đây được ngợi ca không chỉ ở sự “tươi” mà còn là “sống”, chẳng cần bảo quản đông lạnh, người ta để cá tôm tung tăng bơi lội ở đầm nước tươi mát dưới khu nhà hàng, khi thực khách lựa chọn sẽ được bắt lên chế biến tại chỗ.
Dừng chân bên nhà chồ “Đầm Chuồn An Phú” do anh Phan Thành Huân làm chủ, nhiều du khách ấn tượng bởi đa dạng loại hải sản được nhốt ở phía dưới. “Cá tôm ở đây phải còn sống. Tất cả được người dân trong vùng nuôi nên đảm bảo an toàn, không lo khan hiếm nguồn hàng. Nhưng ăn ngon, sạch cũng phải biết bảo vệ môi trường”, anh Huân hồ hởi. Theo anh Huân, để trở thành một điểm đến ấn tượng, thu hút khách không riêng gì anh mà nhiều hộ kinh doanh trên đầm luôn xem việc bảo vệ môi trường, hệ sinh thái là ưu tiên hàng đầu. Khách đến đây được hướng dẫn, nhắc nhở không xả rác xuống đầm, thay vào đó bố trí nhiều thùng rác khắp nơi. Tất cả rác thải đều được thu gom hàng ngày, nhà vệ sinh có bồn chứa riêng cũng được thuê xe tới hút đem đi xử lý định kỳ. Anh trải lòng: “Nếu thấy rác dưới đầm nhân viên của quán ngay lập tức chèo đò xuống vớt lên. Ông trời cho mình thiên nhiên tuyệt đẹp để kinh doanh thì mình phải biết gìn giữ, bảo vệ. Chứ kinh doanh mà bỏ quên, hủy hoại môi trường là có tội lắm”.
Xuôi theo chuyến đó, chúng tôi gặp ông Trần Lào, một người có thâm niên gần 30 năm làm nghề đánh bắt thủy sản. Ông Lào kể rằng, trước đây ngư dân dùng tre sáo vít lại thành “trợ” quây diện tích nuôi thủy sản của nhà mình. Theo thời gian, thân tre mục ruỗng, làm ô nhiễm môi trường nước. Được hướng dẫn của đơn vị chuyên môn, dân trong vùng đã thay tre bằng lưới, ví nên hàng rào. Việc đánh bắt khiến thủy sản tự nhiên cũng hao cạn nên nhiều ngư dân chuyển hướng mua con giống, như cá dìa, cá kình, tôm sú, tôm chì, ghẹ… về nuôi. “Như vậy, mình vừa bảo vệ được nguồn lợi thủy sản tự nhiên, vừa đáp ứng nhu cầu của một số nhà hàng trên đầm, tạo ra thu nhập. Làm chi cũng phải tính chuyện lâu dài, đảm bảo được môi trường nước từ việc nhỏ nhất thì mới ổn định”, ông Lào tâm tình.
Thức ăn cho thủy sản cũng được như ngư dân trong vùng quan tâm. Đa số, sử dụng rong rêu tự nhiên thay cho bột hay các chất kích thích tăng trưởng, giúp tôm cá vừa chắc, vừa thơm thịt mà vẫn giữ được nguồn nước sạch. Chưa hết, dân trong vùng còn tham gia ngăn chặn tình trạng rà điện, phá hủy môi trường sống của thủy sản.
“Ngớ người” trước Đầm Chuồn
Hẳn vì vậy mà nhiều du khách ở lại qua đêm ở đầm Chuồn hứng thú dậy sớm để theo những ngư dân như ông Lào đi đánh bắt thủy sản, mua luôn tại chỗ và chế biến các bữa ăn sáng. Anh Nguyễn Hoài Phong (du khách TP. Hồ Chí Minh) xuýt xoa khi được trải nghiệm thú vị trên đầm Chuồn từ đi đò, nấu ăn trên nhà chồ, cùng ngư dân đánh bắt hải sản, ngắm hoàng hôn và bình minh… “Đi nhiều nước trong khu vực, khi về đầm Chuồn mới ngớ người ra. Ở đây không thua đâu hết, cảnh sông nước lênh đênh êm đềm, con người hiền hòa, cách làm du lịch chất phát. Tôi sẽ quay trở lại”, anh Phong vừa khen, vừa viết những dòng chia sẻ lên mạng xã hội để khoe với bạn bè.
Theo ông Phan Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Phú An, một trong những ưu tiên được chính quyền xã quan tâm đó là làm sao vừa phát triển du lịch, vừa bảo vệ được môi trường trên hệ thống đầm phá tự nhiên tuyệt đẹp như đầm Chuồn. Ngoài các biện pháp thu gop rác thải thường xuyên, mọi lúc, mọi nơi, người dân kinh doanh trên đầm Chuồn còn là tuyên truyền viên đến với từng du khách. Phải để du khách hiểu được giá trị của đầm phá cũng như gìn giữ những gìn thiên nhiên ban tặng. “Bên cạnh khuyến khích người dân thả nuôi những loài cá phù hợp với hệ thống sông nước đầm phá để phục vụ thực khách, xã cũng khuyến cáo người dân hạn chế đánh bắt tự nhiên, nhất là đánh bắt thủy sản bằng điện”, ông Việt cho hay.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn