Đầm Hà có không ít di tích mang trong mình những giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan. Trải qua thời gian, hầu hết các di tích đều bị mai một, xuống cấp. Nhờ sự quan tâm kịp thời của huyện, một số di tích đã được đầu tư tôn tạo, tuy nhiên, kết quả còn tương đối nhỏ bé, mới ở mức độ đầu tư ban đầu.
Từ gần 50 năm nay, rừng cò núi Hứa là nơi cư trú của rất nhiều cò.
Hiện toàn huyện mới chỉ có 2 di tích được xếp hạng cấp tỉnh là đình Đầm Hà (thị trấn Đầm Hà) và rừng cò núi Hứa (xã Đại Bình); 3 di tích nằm trong danh mục kiểm kê di tích của tỉnh là đình Tràng Y (xã Đại Bình), đồn Đen (thị trấn Đầm Hà) và chùa Sâu (xã Dực Yên). Trong khoảng 7 năm trở lại đây toàn huyện Đầm Hà chưa có thêm di tích nào được công nhận, xếp hạng.
Có thể nói năm 2018 là năm huyện Đầm Hà mạnh tay chi cho công tác bảo tồn, tôn tạo di tích nhất trong gần 10 năm trở lại đây. Rừng cò núi Hứa là di tích được quan tâm đầu tư nhất. Đây được coi là di tích hiếm hoi, tích hợp nhiều giá trị: Nơi ghi dấu tích cư trú và nền văn hóa của người Việt cổ; nơi ghi dấu ấn kháng chiến chống Pháp của quân dân Đầm Hà, trong đó dấu mốc đáng nhớ là thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện; nơi cảnh quan tự nhiên đẹp, có hàng trăm đàn cò lưu trú và ngày càng sinh sôi từ gần 50 năm nay.
Năm 2018, huyện Đầm Hà đã chi gần 7 tỷ đồng để xây dựng cột cờ, hệ thống giao thông, bãi đỗ xe và nhà trưng bày hiện vật… Tuy nhiên, hiện nay hệ thống giao thông kết nối các điểm di tích chưa được đầu tư, hiện vật và hình thức lưu giữ, trưng bày còn sơ sài… Đặc biệt, hang Hố đen và hệ thống các hầm bí mật, được coi là đại bản doanh của lực lượng vũ trang, chứng tích chiến tranh chống Pháp tại rừng cò núi Hứa hiện đã bị sập đổ, vùi lấp, mất dần dấu vết.
Lễ hội đình Tràng Y. Ảnh: Trần Hoàn (CTV)
Theo dự toán của huyện Đầm Hà, di tích này phải cần đến hơn 30 tỷ đồng nữa để đầu tư tôn tạo, biến nơi đây trở thành vùng du lịch sinh thái tương xứng. Riêng trong 2 năm 2019, 2020 cần đến 10 tỷ đồng để khôi phục lại diện mạo khu khảo cổ, cắm mốc ranh giới bảo vệ khu di tích, phục dựng lại hang Hố Đen và các hầm bí mật; xây dựng hệ thống giao thông, khoanh nuôi, trồng mới rừng tre, sưu tầm các cổ vật, hiện vật, bố trí lại cách bài trí, trưng bày hiện vật…
Cùng với rừng cò núi Hứa, di tích đình Đầm Hà trong năm 2018 đã được đầu tư gần 200 triệu đồng để thực hiện tu sửa nhỏ. Tuy nhiên, do công trình đã được xây dựng gần 10 năm nay, một số hạng mục xuống cấp, nên số kinh phí trên chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Đối với 3 di tích đã nằm trong danh sách kiểm kê di tích của tỉnh là chùa Sâu, đồn Đen và đình Tràng Y, hiện nay đình Tràng Y đã được xây dựng, phục dựng lễ hội, nhưng hồ sơ di tích còn thiếu nên vẫn chưa được UBND tỉnh xét công nhận. Còn di tích chùa Sâu, vốn là điểm tín ngưỡng của người dân trong khu vực, có kiến trúc rất độc đáo nhưng đã bị bỏ hoang nhiều năm. Năm 2018, huyện Đầm Hà đã triển khai dự án phục dựng chùa Sâu, trong đó đã chi gần 1,5 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, chuẩn bị xây dựng chùa. Song việc này hiện chưa có lộ trình thực hiện rõ ràng, bởi chưa huy động được kinh phí.
Tường, xà ngang, kèo và mái chùa Sâu được làm bằng đá. Ảnh: Cẩm Nang
Riêng đối với di tích đồn Đen được đánh giá có quy mô lớn và nhiều nét kiến trúc độc đáo, đặc trưng của kiến trúc xây dựng đồn bốt của người Pháp. Tuy nhiên, di tích này có nguy cơ không bảo toàn được, bởi nằm trong khuôn viên của đơn vị quân sự, nhiều năm qua không được bảo tồn, tôn tạo, không xác định giá trị di tích, hồ sơ về công trình này bị thất lạc. Đến thời điểm này, huyện Đầm Hà cũng vẫn chưa có kế hoạch nào để bảo tồn di tích này.
Từ thực trạng trên cho thấy, huyện Đầm Hà cần có đầu tư tương xứng hơn cho công tác bảo vệ, tôn tạo di tích, qua đó giữ gìn, phát huy giá trị lịch sử của vùng đất giàu truyền thống.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn