Huyền thoại Hollywood mất 30 năm để làm phim đầu tay

0
Huyền thoại Hollywood mất 30 năm để làm phim đầu tay

Phil Tippett là chuyên gia kỹ xảo hình ảnh với 46 năm kinh nghiệm. Ông đã đóng góp vào thành công của các thương hiệu “Stars War”, “Jurassic Park”, “RoboCop”…

Phil Tippett khởi nghiệp tại Hollywood với vai trò họa sĩ hoạt hình cho một công ty quảng cáo. Năm 1975, sự nghiệp Tippett có bước ngoặt lớn khi ông và Jon Berg được đạo diễn George Lucas thuê thực hiện một cảnh trong Star Wars: A New Hope (1977). Năm 1978, khi mới 27 tuổi, ông được bổ nhiệm vào vị trí trưởng bộ phận hoạt hình tại Industrial Light and Magic.

Năm 1984, Tippett thành lập xưởng kỹ xảo hình ảnh Tippett Studio. Hãng đã thực hiện hàng nghìn dự án – từ phim điện ảnh, truyền hình tới các đoạn quảng cáo trong và ngoài nước Mỹ. Các dự án do công ty thực hiện gần đây phải kể đến The Falcon and the Winter Soldier, The Mandalorian, Solo: A Star War Story… Thế mạnh của công ty là các thiết kế quái vật, người ngoài hành tinh và sinh vật kỳ bí trên màn ảnh.

Phil Tippett được tôn vinh là một trong các huyền thoại của ngành kỹ xảo đồ họa tại Hollywood. Tài năng và cống hiến của ông được ghi nhận bằng hai giải Oscar các năm 1984 và 1994 cho Thành tựu đặc biệt ở lĩnh vực kỹ xảo đồ họa (Stars War – Episode VI: Return of the Jedi) và Kỹ xảo hình ảnh xuất sắc (Jurassic Park). Tippett giành hai giải Emmy vào các năm 1985, 1986, một giải BAFTA năm 1994 cùng nhiều ghi nhận và giải thưởng quan trọng khác từ giới chuyên môn.

Sự nghiệp gắn liền với nhiều thương hiệu ăn khách

Trong 46 năm làm nghề, Phil Tippett đã tham gia thực hiện kỹ xảo hình ảnh cho 28 dự án điện ảnh và truyền hình. Rất nhiều tác phẩm trong số này thuộc các thương hiệu đại chúng ăn khách như Stars War, Jurassic Park, Indiana Jones, RoboCop hay Twilight.

Tiêu biểu cho những sinh vật vũ trụ Tippett từng nhào nặn trên màn ảnh phải kể đến Jabba the Hutt trong Return of the Jedi (1983) và Tauntauns của The Empire Strikes Back (1980) thuộc vũ trụ điện ảnh Star Wars. Thành công giúp Phil Tippett tạo dựng danh tiếng, mang đến cho ông cơ hội tham gia nhiều dự án quan trọng như RoboCop (1987) hay Jurassic Park (1993).

Đầu thập niên 1990, công nghệ đồ họa vi tính bắt đầu được áp dụng rộng rãi tại Hollywood. Đây là thử thách không nhỏ với Phil Tippett – vốn mạnh ở mảng hoạt hình tĩnh vật (stop-motion). Năm 1991, khi được Steven Spielberg chọn mặt gửi vàng cho vị trí giám sát việc xây dựng đàn khủng long bằng công nghệ vi tính thay vì thể loại stop-motion truyền thống trong Jurassic Park, Tippett từng thốt lên: “Tôi đến tuyệt chủng mất thôi”.

Tuy nhiên, Phil Tippett đã lèo lái Tippett Studio hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Jurassic Park đánh dấu bước chuyển tiếp trong sự nghiệp Tippett nói riêng và xưởng kỹ xảo của ông nói chung trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Tới năm 1995, với thành công của Starship Troopers, Tippett Studio càng củng cố vị trí vững chắc trong lĩnh vực kỹ xảo hình ảnh tại Hollywood.

Từ Jurassic Park, Phil Tippett chủ yếu đảm nhận công việc giám sát hiệu ứng hình ảnh cho Tippett Studio. Dự án mới nhất của Tippett trong vai trò này là bốn phần cuối của loạt Twilight. Song song, ông cũng tự đảm nhận vai trò biên kịch và đạo diễn nhiều dự án phim hoạt hình stop-motion thể loại kỳ ảo.

Tâm huyết của nhà làm phim kỳ cựu

Tuy nhiên đến năm 2021, Tippett mới ra mắt phim dài đầu tay nhan đề Mad God. Tác phẩm được Phil Tippett thực hiện với nguồn kinh phí chủ yếu đến từ nền tảng kêu gọi vốn trực tuyến Kickstarter. Theo WAtoday, tác phẩm hoạt hình stop-motion đã có đêm công chiếu vào cuối tuần qua tại LHP Monster Fest – sự kiện thường niên dành cho người hâm mộ các bộ phim thiêng (cult movie).

Ý tưởng về Mad God được Phil Tippett phát triển từ những năm 1980, sau khi ông hoàn thiện RoboCop 2 (1990). Tuy nhiên, Tippett đã xếp kho dự án tâm huyết sau khi chứng kiến công nghệ đồ họa CGI đang đẩy thể loại stop-motion trôi dần vào quên lãng. Giữa thập niên 2000, Phil Tippett đã tái khởi động dự án với vốn sản xuất từ cộng đồng.

Tác phẩm không có lời thoại và được mô tả là “cơn ác mộng triền miên trong tâm tưởng”. Phim theo chân một nhân vật bí ẩn, được biết đến với tên Assassin, băng qua nhiều vùng đất hoang tàn nơi quá khứ trộn lẫn với tương lai. Assassin chạm trán hàng loạt quái vật, thây ma, trải qua những thử nghiệm kỳ quái lẫn các hiện tượng siêu nhiên dị thường khác.

Trước phim điện ảnh Mad God, tầm nhìn về thế giới quái dị trên từng được Tippett thể hiện qua chùm phim hoạt hình ngắn cùng tên. “Nhiều người gọi Mad God là bộ phim theo trường phái siêu thực. Tôi rất tiếc phải nói rằng bạn nên học lại định nghĩa của từ này, bởi đó không phải biểu hiện của siêu thực”, Phil Tippett nói về bộ phim dài đầu tay đã tiêu tốn của mình 30 năm để thực hiện.

Ông chia sẻ sự nghiệp của mình được xây dựng từ đam mê thời thơ ấu: “Tôi từng là một thằng nhóc mê mệt những con quái vật. Tôi đã dành nhiều năm thơ ấu, khoảng khi lên 8 thì phải, để nhào nặn và tô vẽ những con quái vật của riêng mình”. Hai nguồn cảm hứng lớn ảnh hướng đến Tippett là tranh của Hieronymus Bosch và tác phẩm do Ray Harryhausen – nhà làm phim stop-motion tiên phong tại Hollywood – thực hiện.

Tippett tự nhận xét ông đã được rất nhiều người truyền cảm hứng. Thành tựu nhà làm phim gặt hái xuyên suốt sự nghiệp đều là kết quả của những lần hợp tác ăn ý trong công việc. Ông dành nhiều lời ngợi khen cho ê-kíp đã cùng mình hoàn thiện Mad God, bao gồm cả những sinh viên trẻ mình dìu dắt.

Nhà làm phim quan điểm Mad God là bộ phim phản ánh nỗi sợ hãi cảm giác bị cô lập. Ông nói: “Bạn chỉ có thể hiểu rõ chính mình. Tâm trí tôi chính là chiếc lồng mà bản thân vô thức bị nhốt bên trong. Nhưng bản thân nó cũng là cả vũ trụ. Ta sẽ không bao giờ biết đường mình đang đi dẫn xuống hay lên cũng như đích đến của nó”.

“Với tôi, Mad God dẫn đến sự suy sụp về tâm lý. Tôi từng phải nhập viện tâm thần để chữa trị trong một thời gian. Tôi mất sáu tuần để hồi phục khỏi tình trạng bất ổn ấy”, ông nói. Tippett coi bộ phim dài đầu tay là chiến thắng cá nhân cũng như gánh nặng tâm lý được gỡ bỏ. “Tôi sẽ không làm thêm phim Mad God nào nữa. Điều đó bất khả thi. Đây là thứ ta chỉ có thể làm một lần trong đời”, ông nói thêm.

Cũng trong bài phỏng vấn, Phil Tippett chia sẻ ông đã hoàn thành dàn ý và khoảng 800 khung phân cảnh cho một hậu truyện mang tính thương mại cho Pequin’s Pendequin. Tác phẩm mới, được nhà làm phim mô tả là tươi sáng và hạnh phúc hơn, lấy cảm hứng từ những bộ phim hoạt hình cổ điển của Warner Brothers và Popeye.

Nguồn: News.zing.vn