Indonesia tiến tới mở cửa, người Việt chưa nguôi ám ảnh đại dịch

0
38

Một số người Việt ở Indonesia mong chờ kế hoạch tiến tới cuộc sống bình thường mới, nhưng ký ức về đại dịch tại đây đã để lại những tác động tâm lý và khiến họ không khỏi lo lắng.

Nguoi Viet o Indonesia truoc binh thuong moi anh 1

“Điều đầu tiên tôi muốn làm khi Indonesia mở cửa là đưa gia đình về Việt Nam thăm người thân vì chúng tôi đã nhiều năm không về”, anh Thái Thanh Long – sống cùng gia đình tại Bandung, Tây Java, Indonesia – chia sẻ với Zing về những mong mỏi khi nghe tin Indonesia đang xây dựng lộ trình để tiến tới cuộc sống bình thường mới sau Covid-19.

Dẫu vậy, anh không giấu lo lắng: “Cuộc khủng hoảng Covid-19 vừa qua ở Indonesia để lại những ký ức đau buồn cho chúng tôi. Vì vậy, việc mở cửa không khỏi khiến chúng tôi e sợ, nhưng đây là điều cần phải làm”.

“Chúng tôi đã chuẩn bị về mặt tâm lý, thể chất để bảo vệ bản thân; đồng thời cầu mong Indonesia sẽ không trải qua thêm một làn sóng virus tồi tệ nào nữa”, anh nói thêm.

Indonesia vừa trải qua cuộc khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất Đông Nam Á, từng đạt đỉnh hơn 56.000 ca mắc hồi giữa tháng 7. Số người chết vì Covid-19 trong một ngày từng có thời điểm vượt 1.800 người.

Tuy nhiên, trong những tháng qua, dịch bệnh tại nước này đã được kiểm soát mạnh mẽ, với trung bình trên 1.000 trường hợp mắc mới mỗi ngày trong vòng một tuần nay.

Trước những diễn biến tích cực này, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Kinh tế của Indonesia Airlangga Hartarto cho biết chính phủ Indonesia đang chuẩn bị một lộ trình để tiến tới bình thường mới khi quốc gia đạt được miễn dịch cộng đồng.

Vị bộ trưởng cho biết: “Các điều kiện tiên quyết chính là phải đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng, tiêm chủng phải được tăng cường lên đến 2,5 triệu liều mỗi ngày và số trường hợp mắc Covid-19 mới mỗi ngày phải ít hơn 5.000”, theo Antara News.

Nguoi Viet o Indonesia truoc binh thuong moi anh 2

Một điểm tiêm ngừa Covid-19 ở Bali. Ảnh: NVCC.

Trải qua những ký ức kinh hoàng về đại dịch, một số người Việt tại Indonesia tuy rất trông chờ kế hoạch đưa cuộc sống trở lại bình thường mới, họ tỏ ra lo lắng và thận trọng.

Đồng quan điểm với anh Long, chị Hồ Hiền, chủ một chuỗi nhà hàng ở Bali, cho biết: “Cuộc sống cần phải tiếp diễn. Việc mở cửa hoàn toàn và tự do tiếp xúc tất nhiên vẫn tiềm ẩn những rủi ro. Nếu rủi ro đó tới, có lẽ tôi phải chấp nhận nó giống như một tai nạn trên đường”.

Những người Việt này cho rằng tập thể thao, sống lành mạnh và tuân thủ 5K là điều tốt nhất mà mỗi cá nhân có thể làm để bảo vệ bản thân trước mọi nguy cơ khi bước vào bình thường mới.

Mong ngóng trong lo lắng

Chị Lê Hòa – sống cùng chồng là người Đức tại Yogyakarta, miền Trung Java, Indonesia – cho biết chị rất mong Indonesia có thể bước vào bình thường mới trước Giáng sinh, để vợ chồng chị về nghỉ lễ cùng gia đình tại Đức.

Cả anh Long, chị Hiền và chị Hòa đều mô tả cuộc sống đang dần trở lại. Đường phố xung quanh nơi họ sống cũng bắt đầu đông đúc, ngoại trừ các khu du lịch vắng khách.

Nguoi Viet o Indonesia truoc binh thuong moi anh 3

Cảnh đường phố ở Bali, Indonesia vào xế chiều 12/10. Ảnh: NVCC.

“Tuy nhiên, tôi khá lo lắng vì tuần tới là đại lễ Maulid rất quan trọng với người Hồi giáo. Lễ này ở Indonesia thường được tổ chức rất lớn, như Tết ở Việt Nam vậy. Tôi và một số người quen lo sợ sau dịp lễ thì số ca nhiễm sẽ lại tăng cao, do mọi người sẽ lại tụ tập đông đúc”, chị Hòa nói với Zing.

Dẫu vậy, chị Hòa cho rằng chính phủ Indonesia đang làm khá tốt trong việc kiềm chế số ca lây nhiễm. Chị hy vọng chính phủ vẫn có thể làm tốt trong đợt lễ sắp tới.

Chị Hiền cũng chia sẻ quan điểm tương tự. “Miễn là chính phủ có chính sách rõ ràng, hợp lý và hợp lòng dân, thì mọi chuyện đều có thể vượt qua”, chị nói.

Trong khi đó, anh Long không giấu lo sợ sau khi trải qua làn sóng dịch bệnh kinh hoàng tại Indonesia vừa qua.

“Thời điểm đó tôi thật sự khủng hoảng. Mỗi ngày tôi đọc báo, nghe đài, đều thấy có hàng chục nghìn ca mắc mới và số người chết rất nhiều. Thậm chí, nhiều đồng nghiệp và khách hàng thân quen của tôi đã qua đời vì căn bệnh”, anh kể, đồng thời chia sẻ nỗi lo về một làn sóng khác tương tự sẽ ập đến.

“Nếu chỉ mình tôi thì không sao, nhưng cả gia đình tôi đều ở đây, vợ tôi, con tôi, và cả mẹ vợ. Một mình tôi thì tôi lo lắng một, nhưng cả gia đình thì tôi lo lắng gấp 10. Cũng may, ngoại trừ hai con, gia đình tôi đều đã được tiêm vaccine”, anh nói.

Dẫu vậy, anh vẫn tỏ ra tin tưởng vào chính phủ và mong chờ ngày mở cửa, để những khó khăn của anh và gia đình có thể được tháo gỡ phần nào. “Tôi hiểu rằng chính phủ Indonesia đang có những biện pháp quản lý để không có một làn sóng chết chóc nào như thế xảy ra lần nữa”.

Dẫu có lo lắng, việc mở cửa vẫn là một niềm vui to lớn đối gia đình anh, cả về công việc lẫn cuộc sống, anh chia sẻ.

Anh Long cho biết công việc của mình gặp nhiều hạn chế, khó khăn trong việc gặp gỡ, thảo luận với đối tác. “Khi đã có vaccine và không còn hạn chế, chúng tôi có thể tự tin hẹn, họp, gặp gỡ đối tác. Mọi việc có thể suôn sẻ và hiệu quả hơn nhiều”, anh Long nói.

Bên cạnh đó, việc học online của con cái cũng tạo áp lực lên vợ chồng anh vì phải kèm cặp con học nhiều hơn, đặc biệt là khi con đầu của anh chỉ mới 6 tuổi và con thứ chỉ mới 3 tuổi.

“Các bé đang tuổi hiếu động mà không được ra đường đi chơi, cũng không được tiếp xúc bạn bè. Vì vậy, tôi cũng mong sớm có vaccine cho trẻ em”, anh nói thêm.

Nguoi Viet o Indonesia truoc binh thuong moi anh 7

Nhà hàng của chị Hiền ở Bali. Ảnh: NVCC.

5K sẽ trở thành quy tắc cố định

Chị Hòa cho biết bản thân chị và chồng đều là những người đã chống chọi với Covid-19, đồng thời đã tiêm vaccine.

Chị hiểu rằng hai vợ chồng chị đều có sự bảo vệ tốt chống lại Covid-19, nhưng những ký ức trong đại dịch để lại những tác động tâm lý và khiến chị hình thành thói quen bảo vệ bản thân.

“Chẳng hạn, khi đến nơi nào có người lạ, tôi vẫn sẽ có chút sợ hãi và giữ khoảng cách, dù mọi người đều đã đeo khẩu trang. Hoặc khi tôi gặp ai đó đeo khẩu trang không đúng cách, hoặc không đeo khẩu trang, tôi sẽ cảm thấy rất khó chịu nên sẽ nhắc nhở đối phương”, chị nói.

“Khi đại dịch quét qua thành phố nơi tôi sống, sự lo lắng đã khiến tôi luôn phải nhìn trước ngó sau khi đi bất kỳ đâu. Dù tôi biết hiện tại bản thân đã an toàn hơn, nhưng đến giờ, tôi vẫn còn phản xạ như vậy khi đi ra đường”, chị kể.

Chị Hòa cho biết bản thân vẫn sẽ tuân thủ các biện pháp phòng tránh tối thiểu để bảo vệ mình và những người xung quanh.

Nguoi Viet o Indonesia truoc binh thuong moi anh 8

Anh Thái Thanh Long đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở thành phố Bandung, Tây Java, Indonesia. Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm, anh Long chia sẻ: “Quá ám ảnh! Chúng ta không thể xem thường được! Vì vậy, khi đã mở cửa hoàn toàn, mỗi hoạt động hàng ngày, hàng giờ của chúng ta lại càng phải cẩn trọng hơn”.

“Điều quan trọng nhất khi sống chung với dịch đó chính là cẩn thận, tuân thủ 5K. Khẩu trang, xịt khuẩn, giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc với người khác. Những điều đó giờ đây đối với gia đình tôi đã trở thành thói quen hàng ngày ăn vào trong tâm trí và không thể bỏ qua, kể cả sau này”, anh Long nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, anh Long cũng cho rằng kể cả sau khi dịch bệnh đã lắng xuống, các hoạt động như trình giấy chứng nhận đã tiêm vaccine, quét mã theo dõi sức khỏe, đo nhiệt độ, xịt khuẩn, giữ khoảng cách nhất định… khi vào các tụ điểm đông người vẫn nên tiếp tục được duy trì.

Đồng quan điểm, chị Hiền tin rằng kể cả khi bước vào bình thường mới, cuộc sống sẽ không thể trở lại như trước đây.

“Tất cả sẽ đổi mới, từ tâm sinh lý của chúng tôi, cho đến công việc và thói quen sống. 5K – đối với gia đình chúng tôi và tôi tin là với nhiều người khác nữa – sẽ trở thành một loại ‘đồng phục’, quy tắc cố định trong sinh hoạt và tương tác xã hội hàng ngày”, chị nói.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn