Là nước đi đầu tiêm chủng, Israel đang đối diện đợt bùng dịch do biến chủng Delta. Tuy nhiên, các chuyên gia tỏ ra lạc quan vì số bệnh nhân nặng và phải nhập viện vẫn ở mức thấp.
Từ khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên vào tháng 2/2020 đến nay, Israel đã trải qua 3 đợt phong tỏa toàn quốc với mức độ nghiêm ngặt khác nhau. Đợt dịch nghiêm trọng nhất tại quốc gia này là vào tháng 1, thời điểm số ca mắc mới có lúc chạm ngưỡng 10.000 ca mỗi ngày, theo Worldometers.
Vài ngày trước khi chính phủ Israel áp lệnh phong tỏa toàn quốc lần thứ 3, chương trình tiêm chủng tại đây được khởi xướng vào ngày 19/12/2020 với vaccine Pfizer. Chưa đầy 2 tuần, hơn 10% trong số 9 triệu người Israel đã được tiêm liều đầu.
Khi số người được tiêm chủng tại Israel ngày một tăng, số ca mắc mới cũng đồng thời giảm. Dữ liệu từ Israel cho thấy tiêm chủng diện rộng làm giảm số ca bệnh nặng, theo báo cáo công bố ngày 5/3 của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ.
Dần dần, các biện pháp chống dịch được nới lỏng. Ngày 18/4, chính phủ Israel gỡ bỏ yêu cầu đeo khẩu trang ngoài trời và cho phép trường học lần đầu tiên mở cửa trở lại hoàn toàn trong hơn 1 năm. Trong tháng 5, số ca mắc Covid-19 mới mỗi ngày tại Israel được giữ dưới mức 100.
Người dân Israel ăn mừng khi lệnh đeo khẩu trang ngoài trời được dỡ bỏ vào ngày 18/4. Ảnh: Flash90. |
Tính đến đầu tháng 6, hơn 70% người trên 20 tuổi tại Israel đã nhận được đủ 2 liều vaccine, theo Times of Israel. Ngày 1/6, đa số biện pháp chống dịch được gỡ bỏ như giới hạn về số người tụ tập và yêu cầu xuất trình chứng nhận đã tiêm chủng để tham gia các buổi sự kiện.
Lệnh đeo khẩu trang trong không gian kín là một trong số ít những biện pháp giới hạn chống dịch còn được giữ lại. Đến ngày 15/6, yêu cầu này cũng được gỡ bỏ, thời điểm số ca nhiễm trung bình mỗi ngày trong 1 tuần trở lại chỉ còn 16 ca.
Nhưng chỉ 10 ngày sau, Israel đã phải khôi phục quy định đeo khẩu trang trong không gian kín.
Biến chủng Delta ập tới
Khi người dân tại Israel đang làm quen trở lại với cuộc sống bình thường, sự xuất hiện biến chủng Delta nhắc nhở rằng họ vẫn đang ở giữa đại dịch. Biến chủng này lần đầu được phát hiện ở Ấn Độ và có khả năng lây lan nhanh hơn.
Biến chủng Delta lọt vào Israel thông qua sân bay, Jerusalem Post dẫn lời giới chức y tế đưa tin. Nhưng nguyên nhân biến chủng bắt đầu phát tán trong cộng đồng là do những người được yêu cầu cách ly không chịu ở nhà.
Trong 1 tuần sau khi lệnh đeo khẩu trang trong nhà được gỡ bỏ, Covid-19 bùng lên ở trường học tại thành phố Binyamina và Modi’in. Theo điều tra sơ bộ của Bộ Y tế Israel, nguồn gốc bùng dịch có liên quan tới một gia đình mới trở về Israel từ nước ngoài. Kết quả giải trình tự gene sơ bộ cho thấy các em mắc biến chủng Delta.
Ngày 25/6, Israel ghi nhận thêm 227 ca mắc Covid-19, mức cao nhất kể từ ngày 7/4. Đây cũng là ngày thứ 4 liên tiếp số ca nhiễm mới mỗi ngày tại Israel vượt quá 100. Diễn biến này khiến giới chức y tế tái áp đặt lệnh đeo khẩu trang trong nhà ngay từ trưa 25/6.
Nachman Ash, lãnh đạo nhóm ứng phó Covid-19 của Israel, nhấn mạnh rằng ông không tin Israel đang đối diện làn sóng lây nhiễm lớn. Ông Ash cũng chỉ ra rằng tuy số ca nhiễm tăng, số bệnh nhân Covid-19 bị bệnh nặng vẫn ở mức thấp.
Chính quyền Israel ngày 21/6 khuyến khích mọi thiếu niên 12-15 tuổi chích ngừa biến chủng Delta. Ảnh: Zuma Press. |
Dù vậy, ông Ash cũng nhận định rằng lúc này nhìn lại, có lẽ sẽ tốt hơn nếu chính phủ không bỏ yêu cầu đeo khẩu trang vào ngày 15/6. Tuy nhiên, ông cũng không chắc điều này sẽ ngăn được xu hướng tăng ca nhiễm như hiện tại.
Bên cạnh khôi phục lệnh đeo khẩu trang trong nhà, giới chức y tế Israel cũng đang lên kế hoạch siết giới hạn với số người tụ tập nếu đợt dịch lần này không suy giảm, theo Channel 13.
Israel dự kiến đón đoàn khách du lịch quốc tế đầu tiên vào ngày 1/7, nhưng đến nay, thời điểm này đã được lùi lại 1 tháng. Công dân Israel được khuyến cáo không ra nước ngoài trừ khi thật sự cần thiết. Sân bay quốc tế Ben Gurion cũng được bổ sung số thiết bị kiểm tra sức khỏe.
Số ca mắc tăng, nhưng ít người bị nặng
Với những quốc gia ở châu Á đang thực hiện chương trình tiêm chủng, kinh nghiệm của Israel trong những tuần tới sẽ có tính chất tham khảo hữu ích, theo Nikkei Asia.
“Israel là phòng thí nghiệm tuyến đầu cho việc cuộc sống sẽ thế nào tại quốc gia có hơn 90% người trên 50 tuổi đã tiêm chủng”, Eyal Leshem – giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới và Y học du lịch, thuộc Trung tâm Y tế Sheba (Israel) – nhận định.
Dù còn quá sớm để đưa ra nhận định, số liệu ban đầu cho thấy dấu hiệu tích cực. Trong đợt bùng dịch mới, tỷ lệ ca tử vong vì Covid-19 của Israel vẫn tiệm cận con số 0. Chỉ 26 trong 729 bệnh nhân đang điều trị là phải nhập viện, New York Times dẫn dữ liệu Bộ Y tế Israel đưa tin ngày 24/6. Số ca mắc mới mỗi ngày thấp hơn nhiều so với đỉnh dịch tháng 1.
90% ca nhiễm mới nhiều khả năng do biến chủng Delta gây nên, theo Ran Balicer, người đứng đầu nhóm chuyên gia cố vấn về Covid-19 cho chính quyền Israel. Trẻ em dưới 16 tuổi – hầu hết chưa tiêm chủng – chiếm khoảng 50% số ca nhiễm gần đây.
Khoảng 50% số người trưởng thành nhiễm Covid-19 đều đã tiêm đầy đủ vaccine Pfizer. Những ca nhiễm này vẫn nằm trong dự kiến vì vaccine Pfizer có hiệu quả bảo vệ cao nhưng không phải 100%, ông Balicer trả lời Wall Street Journal.
Nhân viên một bệnh viện mặc đồ bảo hộ trong lúc chống dịch tại thành phố Tfat, phía bắc Israel ngày 4/2. Ảnh: Flash90. |
“Có ý kiến cho rằng nhiều người tại Israel đã tiêm chủng vẫn nhiễm bệnh, vậy chắc chắn vaccine không hiệu quả. Nhưng như vậy không đúng”, giáo sư Balicer nói.
“Vì 85% người trưởng thành của Israel đã tiêm chủng, kể cả vaccine có hiệu quả bảo vệ 90% trước biến chủng Delta, số ca nhiễm dự kiến ở nhóm đã tiêm chủng vẫn sẽ nhiều hơn ở nhóm chưa tiêm chủng. Nguyên nhân là chênh lệch tương đối về số lượng giữa hai nhóm”, ông Balicer giải thích.
Giới chức y tế Israel cũng lạc quan cho rằng kể cả biến chủng lây lan, chứng cứ từ các nước như Anh cho thấy vaccine Pfizer sẽ ngăn chặn số bệnh nhân nặng và số ca nhập viện tăng mạnh, từ đó giảm gánh nặng cho hệ thống y tế.
Israel cũng chỉ ghi nhận 5 trường hợp bệnh nặng trong 10 ngày qua, giáo sư Balicer nói. Ông cũng bổ sung rằng còn quá sớm để biết liệu tương lai sẽ có những trường hợp như vậy hay không.
Cyrille Cohen, chuyên gia dịch tễ học thuộc Đại học Bar-Ilan (Israel), cũng có cùng sự lạc quan về vaccine như giáo sư Balicer.
“Bạn có khả năng bị ốm, nhưng bạn có thể ở nhà (mà không phải nhập viện). Đây là điểm khác biệt rất lớn”, giáo sư Cohen nói. “Được bảo vệ một phần còn tốt hơn là không có gì, đặc biệt là nếu bạn không được lựa chọn”.
Nguồn: News.zing.vn