Kéo nhau hái nấm mùa mưa tại Đà Lạt

0
Kéo nhau hái nấm mùa mưa tại Đà Lạt

Sau gần một tháng đổ mưa, nhiều loại nấm tự nhiên ở Đà Lạt phát triển, những cánh rừng thông lại nhộn nhịp bước chân của người dân địa phương và du khách đến hái nấm.

Trải nghiệm hái nấm rừng thu hút nhiều du khách mỗi khi Đà Lạt vào mùa mưa. Ảnh: Bích Ngọc Bích.

Mùa mưa Đà Lạt bắt đầu từ cuối tháng 5 đến tháng 10. Lúc này, nấm bắt đầu mọc nhiều dưới gốc thông trong bìa rừng gần trung tâm thành phố. Mạc Mỹ Nhân (23 tuổi, đến từ TP.HCM) lần đầu trải nghiệm hái nấm kết hợp dã ngoại cùng nhóm bạn vào ngày 21/5 vừa qua.

“Năm nay Đà Lạt mưa sớm, nấm bắt đầu mọc lác đác từ giữa tháng 5. Dưới chân núi Langbiang có nhiều loại nấm như gan bò, trứng gà, kaki… Cả nhóm xác định chỉ hái nấm trứng gà vì hình dáng dễ phân biệt, giá trị dinh dưỡng cao. Trong một buổi sáng lên rừng, chúng tôi có dịp biết thêm nhiều loại nấm trong tự nhiên”, cô chia sẻ với Tri Thức – Znews.

Trải nghiệm mỗi năm chỉ có một lần

Hái nấm vào đầu mùa, Mỹ Nhân mất gần nửa tiếng để tìm được những gốc cây có nấm mọc. Sau gần 2 tiếng, cô thu hoạch được gần 4 kg nấm trứng gà vàng, kích thước nhỏ hơn lòng bàn tay và một số nấm gan bò đỏ.

“Thời điểm tôi đi nấm mọc chưa nhiều. Tôi canh ngày mưa lớn, sáng hôm sau nắng vừa lên là nấm nhú khỏi mặt đất. Khi hái sớm, cây nấm chưa nở bung, ăn không bị mềm hay nhũn. Buổi sáng dạo quanh rừng thông tĩnh mịch, vén cỏ tìm nấm cũng là cách giảm căng thẳng hiệu quả”, Mỹ Nhân thông tin.

Nữ du khách cho biết việc hái nấm cần có kỹ thuật, khi hái nấm dùng 2 ngón tay nắm chắc thân nấm và đẩy dứt khoát về một phía. Cách hái này giúp nấm không bị rụng mũ, đồng thời giữ được gốc để hút chất dinh dưỡng từ đất và tiếp tục sinh sôi cho những đợt thu hoạch kế.

“Cần thêm một con dao nhỏ để cắt phần thân bị hỏng trước khi cho vào giỏ, tránh lây sâu bệnh sang những cây nấm khác, đồng thời rút gọn được thời gian sơ chế nấm khi nấu nướng”, cô nói thêm.

Nhóm của Mỹ Nhân mang theo thảm picnic, bình nước suối 5 lít, dụng cụ nấu nướng và đồ ăn vặt để dã ngoại và nướng nấm tại rừng. Cô chọn lọc kĩ lại các loại nấm, bóp với muối và rửa nước nhiều lần. Sau đó nướng trên vỉ đến khi nấm săn lại và dậy mùi thơm.

“Thưởng thức nấm do chính tay mình thu hoạch là cảm giác thích thú khó tả. Chế biến tại rừng cũng giữ được chất dinh dưỡng và độ tươi ngon của nấm”, Mỹ Nhân bày tỏ. Đối với nữ du khách, nấm rừng ăn sần sật và có vị ngọt tự nhiên, riêng nấm trứng gà có vị béo nhẹ, kết cấu hơi bột như lòng đỏ trứng.

Trong khi đó, Hiền An (24 tuổi, đến từ Đắk Lắk) chọn hái nấm tại khu vực hồ Tuyền Lâm cùng một người bạn sống tại Đà Lạt.

“Nấm có đến hàng trăm loại, trong đó có loại ăn được, loại không ăn được. Tôi đi cùng người dân bản địa có hiểu biết về nấm để phân biệt đúng các loại nấm và tránh bị lạc trong rừng”, cô cho biết.

Nấm rừng thường mọc dưới gốc thông, nơi ánh sáng chiếu vào, xác định được một gốc cây có nấm sẽ dễ dàng tìm ra các cụm nấm khác. Để tránh lãng phí, Hiền An chỉ hái khoảng 1,5 kg, gồm các loại nấm quen thuộc như trứng gà, gan bò và kaki vàng.

“Sau khi hái xong, tôi mang nấm về homestay rửa sạch bằng nước muối loãng và chế biến thành các món như cháo, xiên nướng, cuốn bánh tráng hoặc xào sả ớt để kẹp với bánh mì. Vị lạ miệng, lại còn thanh đạm”, cô chia sẻ.

Ngoài hái nấm, nữ du khách còn dành thời gian lang thang khắp rừng thông, cảm nhận mùi nhựa thông phả trong nắng sớm và ngắm những giọt nước mưa dần tan trên lá. “Hái nấm là một trải nghiệm khó quên, giúp tôi thu thập thêm kiến thức về nấm và tận hưởng những phút giây thư giãn”, cô bộc bạch.

Lưu ý an toàn từ người bản địa

Với những du khách không am hiểu nhiều về nấm, việc đặt tour hái nấm của những đơn vị uy tín hoặc đi cùng người dân bản địa có nhiều kinh nghiệm là cách trải nghiệm an toàn. Trong trường hợp tự khám phá, du khách cần tìm hiểu kĩ các thông tin về khu vực hái nấm, địa hình và các loại nấm ăn được.

Theo chị Hương Giang, người bản địa có nhiều năm kinh nghiệm dẫn tour trekking rừng và hái nấm, các loại nấm thường mọc theo khu vực và mùa. Một số loại nấm chỉ xuất hiện đầu mùa như nấm trứng gà và cuối mùa như nấm sữa. Các loại nấm ăn được gồm gan bò, kaki đỏ, kaki vàng, trứng gà, nấm cối, nấm hương, san hô, nấm sữa, nấm phễu…

“Nhiều loại nấm ăn được có điểm tương đồng với nấm độc. Ví dụ như nấm mối tro dễ nhầm với nấm vôi có độc vì đều phủ bên ngoài lớp phấn, nấm trứng ngỗng dễ nhầm với nhiều loại nấm độc vì phần mũ trắng xòe hay nấm dẻ đỏ dễ nhầm với một số loại nấm độc có màu đỏ. Du khách ít đi hái nấm rất khó phân biệt”, chị Giang thông tin.

Tuy nhiên, không phải các loại nấm sặc sỡ đều mang độc tính, vẫn có một số loại nấm ngoại lệ như nấm trứng gà với màu vàng tươi, nấm dẻ với màu đỏ, xanh và tím hay nấm gan bò với màu đỏ thẫm.

Để tránh ăn phải nấm độc, du khách nên đi cùng người dày dặn kinh nghiệm về nấm hoặc hỏi người dân bản địa và tìm hiểu kỹ để chắc chắn loại nấm mình ăn không có độc.

“Nấm cũng cần sơ chế cẩn thận, loại bỏ bụi bẩn từ môi trường ngoài và cắt đi phiến nấm – nơi chứa bào tử và những con vật ăn nấm. Sau đó ngâm muối trên 30 phút mới có thể chế biến thành các món ăn. Nếu không quen ăn nấm rừng, du khách không nên ăn nhiều vì có thể dẫn đến tình trạng choáng váng, chóng mặt”, người dẫn tour này nói.

hai nam Da Lat anh 9

Hoạt động hái nấm diễn ra vào sáng sớm, khoảng 6-10h nên du khách cần mặc trang phục dài để giữ ấm. Ảnh: Hương Giang.

Ngoài ra, đồi thông Đà Lạt vào mùa mưa khá trơn, du khách đi hái nấm nên mang theo áo mưa dự phòng, mặc quần áo dài để giữ ấm cơ thể, đồng thời tránh muỗi và côn trùng đốt. Đặc biệt là chọn giày bệt, giày có độ bám cao hoặc mang ủng để tránh trượt ngã.

“Tour hái nấm thường có giá từ 800.000 đồng đến 2,5 triệu đồng, tuỳ vào tiện ích của gói dịch vụ. Nấm rừng Đà Lạt nhìn đơn giản nhưng không đơn giản, du khách cần tìm đơn vị giàu kinh nghiệm để đảm bảo an toàn, bởi một sai sót nhỏ cũng có thể dẫn đến những trường hợp đáng tiếc”, chị Giang chia sẻ.

Nguồn: Znews.vn