Khách du lịch hàng không tại Việt Nam tăng nhanh nhất Đông Nam Á

0
153

Ngày 11/4, tọa đàm “Giải pháp thúc đẩy hàng không phát triển bền vững” đã diễn ra tại Quy Nhơn (Bình Định). Theo các nhà quản lý, đại diện nhiều hãng bay, hàng không và du lịch thúc đẩy nhau phát triển. 

Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường Du lịch, Tổng cục Du lịch, khẳng định: “Hiện trên 80% khách nước ngoài đến Việt Nam từ hàng không, lượng khách nội địa đi phương tiện này cũng ngày một tăng. Hàng không và du lịch giống như hai cánh máy bay có mối quan hệ khăng khít. Tại các sự kiện xúc tiến du lịch, chúng tôi đều mời các hãng hàng không tham gia cùng nghiên cứu, thiết lập đường bay, điểm đến; tìm nguồn khách trong và ngoài nước”.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng khách du lịch đi qua đường hàng không ở Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á. Trong giai đoạn 2016-2021, Việt Nam tăng trưởng 17% so với trung bình của Đông Nam Á là 6%. 

Cùng nhận định tích cực về xu hướng này, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế dự báo Việt Nam sẽ là thị trường hàng không phát triển nhanh thứ năm thế giới và nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á trong 5 năm tới. 

Năm 2012, lượng khách thông qua các cảng hàng không đạt hơn 37 triệu lượt. Đến năm 2019, dự kiến con số này lên tới 112 triệu lượt. 

Các hãng bay mới thường tìm ra các cách sáng tạo để cạnh tranh với đơn vị lâu năm. 

Các hãng bay mới thường tìm ra các cách sáng tạo để cạnh tranh với đơn vị lâu năm. 

Mạng đường bay của các hãng trong nước cũng mở rộng rất nhanh với sự tham gia của Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar và Bamboo Airways. Tại thị trường quốc tế, 71 hãng nước ngoài và 4 hãng trong nước đang khai thác 140 đường bay, kết nối Việt Nam tới 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Một ví dụ tiêu biểu về tác động của hàng không tới du lịch là tỉnh Bình Định. Ông Nguyễn Phi Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, chia sẻ: “Cách đây 3-4 năm, Quy Nhơn giống như nàng công chúa ngủ quên. Từ 2 chuyến bay mỗi ngày (2015), hiện sân bay Phù Cát đã có 20 chuyến. Tỉnh từng mong đón 1-2 triệu khách mỗi năm thì riêng quý một năm nay, Quy Nhơn đã đón một triệu lượt khách”. 

Bamboo Airways là một trong những hãng bay giúp cho các địa phương giàu tiềm năng du lịch có cơ hội “cất cánh”. Ông Đặng Tất Thắng, Phó chủ tịch thường trực Bamboo Airways, cho hay, công ty đi sau nên luôn phải tìm cách làm mới. Hãng sẽ khai thác những tuyến kết nối các địa phương có tiềm năng du lịch, đông dân như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bình Định… với sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Đơn vị này cũng đưa ra các gói vé máy bay kết hợp phòng lưu trú/chơi golf với giá ưu đãi. Trong thời gian tới, hãng dự định làm dịch vụ “bay kết hợp nghỉ dưỡng trên du thuyền Hạ Long” vì theo khảo sát, khoảng 65% khách nước ngoài đến Việt Nam đều thăm Hạ Long.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Nguyên Tùng, Giám đốc Dự án Công ty Vietjet Air, hàng không Việt Nam có nhiều cơ hội nhưng cũng có giới hạn cản trở sự tăng trưởng bền vững. 

Hiện Việt Nam có 22 sân bay, thị trường hơn 90 triệu dân, khách du lịch quốc tế khoảng 15 triệu. Nhưng một điểm đến quan trọng là sân bay Điện Biên hiện tàu bay lớn không đến được. “Chúng tôi đề xuất đầu tư sân bay đó, mong mỏi của nhà đầu tư lớn nhưng vướng rất nhiều. Nếu ta có đường băng đủ lớn sẽ thúc đẩy toàn bộ sự phát triển kinh tế, xã hội của một vùng Tây Bắc rộng lớn”, ông Tùng cho hay.

Tháng 1 vừa qua, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch”. Mục tiêu của đề án là mở các đường bay mới, tăng tần suất các đường bay hiện có giữa Việt Nam và các thị trường du lịch trọng điểm trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… Ngoài ra, các đường bay nội địa mới cũng sẽ được mở để kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm Đông Bắc Bộ, di sản miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ – Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và đảo ngọc Phú Quốc. 

An Yên

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn