(TITC) – Theo thống kê của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), khách du lịch quốc tế năm 2015 đạt 1,184 tỷ lượt khách, tăng 4,4%. So với năm 2014, khách du lịch đến các điểm đến quốc tế (có nghỉ qua đêm) tăng hơn 50 triệu lượt khách.
Từ sau khủng hoảng năm 2010, năm 2015 được ghi nhận là năm thứ 6 liên tiếp lượng khách du lịch quốc tế đạt mức tăng trưởng hàng năm trên trung bình, đạt 4% hoặc hơn.
Tổng thư ký UNWTO, ông Taleb Rifai nhận định “Năm 2015, Du lịch quốc tế đã tiến đến một tầm cao mới, thể hiện rõ vai trò của ngành đang đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm cho nhiều người ở khắp nơi trên thế giới. Các quốc gia cần tăng cường các chính sách để thúc đẩy ngành Du lịch tiếp tục tăng trưởng, bao gồm tăng cường tính bền vững trong hoạt động du lịch và phát triển nguồn nhân lực, tạo điều kiện đi lại thuận lợi”.
Nhìn chung, nhu cầu du lịch quốc tế tăng mạnh dù kết quả có thể khác nhau tại từng điểm đến, do những biến động của tỷ giá hối đoái, giá dầu và các mặt hàng khác sụt giảm giúp thu nhập của người dân tại các quốc gia nhập khẩu tăng lên nhưng lại làm giảm nhu cầu xuất khẩu đồng thời làm gia tăng các mối lo ngại về an toàn, an ninh.
Ông Taleb Rifai cũng nhấn mạnh “Tỷ giá hối đoái, giá dầu, thiên tai và khủng bố diễn ra nhiều nơi trên thế giới đã ảnh hưởng đến kết quả của Du lịch thế giới năm 2015. Xã hội hiện tại đề cao các vấn đề an toàn an ninh, do vậy chúng ta cần nhận thức rằng phát triển du lịch phần lớn phụ thuộc vào sức mạnh tập thể để thúc đẩy du lịch an toàn, an ninh và thông suốt. Về khía cạnh này, UNWTO kêu gọi chính phủ các quốc gia trên thế giới cần lồng ghép Du lịch vào kế hoạch bảo đảm an ninh quốc gia, nhằm giúp giảm thiểu các mối đe dọa đối với ngành du lịch và phát huy tối đa năng lực ngành trong việc hỗ trợ an toàn, an ninh và thông suốt trong hoạt động du lịch.
Tăng trưởng du lịch tại các nền kinh tế phát triển (+5%) cao hơn các nền kinh tế mới nổi (+4%). Tính theo khu vực, trong năm 2015, châu Âu, châu Mỹ và châu Á- Thái Bình Dương đều đạt ngưỡng tăng trưởng 5%. Các điểm đến ở Trung Đông tăng 3%, dữ liệu khách quốc tế của châu Phi bị giới hạn nên số liệu sẵn có ước tính khu vực này giảm 3%, kết quả này chủ yếu do sự yếu kém của ngành Du lịch khu vực Bắc Phi vốn chiếm tới 1/3 lượt khách đến cả khu vực.
Trong năm 2015, Trung Quốc, Mỹ, Anh là những quốc gia dẫn đầu về tăng trưởng du lịch outbound.
Trong số các thị trường nguồn hàng đầu thế giới, Trung Quốc là quốc gia có mức tăng trưởng chi tiêu du lịch mỗi năm đạt hai con số kể từ năm 2004, là quốc gia tiếp tục dẫn đầu du lịch outbound toàn cầu, mang lại lợi ích cho các điểm đến ở Châu Á như Nhật Bản, Thái Lan hay Mỹ và các điểm đến khác ở châu Âu.
Ngược lại, chi tiêu của các thị trường nguồn như Nga và Brazil trước đây vốn rất hào phóng nhưng hiện tại đã giảm đáng kể do nền kinh tế của các quốc gia này đang gặp khó khăn cũng như sự mất giá của đồng rúp Nga và đồng real Brazil so với các đồng ngoại tệ khác.
Theo Chỉ số lòng tin, UNWTO cho thấy năm 2016 vẫn sẽ là một năm có triển vọng tốt đối với ngành Du lịch dù ở mức độ thấp hơn so với hai năm trước. Dựa vào xu hướng hiện tại và triển vọng qua Chỉ số lòng tin, UNWTO dự báo năm 2016 tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch quốc tế cũng sẽ đạt mức 4%. Tính theo khu vực, UNWTO dự báo khu vực châu Á-Thái Bình Dương, châu Mỹ sẽ tăng mạnh nhất với mức tăng là +4% đến +5%, tiếp đó là châu Âu với mức tăng +3,5% đến + 4,5%. Châu Phi cũng được dự báo với con số triển vọng là +2% đến +5%, Trung Đông với mức tăng +2% đến +5%, tuy nhiên, không có sự ổn định và chắc chắn ở khu vực này.
Phạm Thanh
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn