Với một đòn tre mỏng, người Việt có thể gánh cả những thứ ngang cân nặng của mình, Isaac Schultz, blogger du lịch người Mỹ, ngạc nhiên.
Nhiều người nước ngoài như Issac hiếu kỳ trước điều đó, thậm chí, một nhóm nghiên cứu từ Đại học Calgary (Canada) đã tìm hiểu về quang gánh trong chuyến du lịch Việt Nam.
“Quang gánh là một công cụ quan trọng với nông dân ở những miền quê và người bán hàng rong trong thành phố. Đòn làm từ tre dẻo dai, cho vai thoải mái nâng đỡ và đôi quang gánh như nhẹ hơn”, TS. Hạc Văn Vinh thuộc Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên, viết trong nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học Journal of Experimental Biology tháng 12/2019.
Bằng cách đặt đôi quang đối trọng trên đòn tre (đòn gánh), người lao động có thể gánh phân ra đồng ruộng, hay mang hàng hóa đi khắp thị trấn. Với khách nước ngoài, quang gánh như một chiếc cân lớn.
Gánh hàng rong tại TP HCM. Ảnh: Đào Tuấn Phước. |
“Khi gánh, bạn tiêu tốn một phần lớn năng lượng cho từng bước đi. Bạn sẽ đặt một chân trên nền đất, chân còn lại nhấc lên cho cân bằng lực. Vì quang gánh dao động theo trục thẳng đứng, nó sẽ tác động đến vài điểm trên cơ thể của những người nông dân nhiều hơn”, Ryan Schroeder, kỹ sư cơ khí tại Đại học Calgary, nhận xét trong nghiên cứu do ông dẫn đầu.
Những nhà nghiên cứu nhận định, phương thức hoạt động của đòn gánh tương tự như một cây gậy nhảy pogo khi người chơi dùng động lực để nhảy về phía trước. “Điều bạn thực sự cần hiểu chính là cách thức đôi quang gánh dao động, sao cho nó tác động lực lên thân trên của bạn hơn là đôi chân bên dưới. Như vậy, cơ bắp của bạn sẽ không phải gồng lên quá nhiều”, ông Schroeder đánh giá.
Đội nghiên cứu của Schroeder yêu cầu các tình nguyện viên là nông dân tại Việt Nam gánh những túi cát nặng bằng khoảng nửa cân nặng cơ thể, đi trên đoạn đường dài khoảng 18 m. Schroeder cho biết, một người cao tuổi còn phàn nàn vì phải gánh quá ít. Thí nghiệm của Schroeder nhằm tạo ra một loại balo ít tác động đến cơ thể và lưng của người dùng, giảm mệt mỏi.
Theo quan sát của đội nghiên cứu, những người nông dân bước nhịp nhàng với dao động của đôi quang, sao cho chúng nảy lên theo mỗi bước chân và giảm sức nặng đè lên vai. Họ cũng thường đổi bên vai gánh.
Dù quang gánh phổ biến khắp những vùng quê Việt Nam, người ta cho rằng dụng cụ tiện lợi này đang bị đe dọa trước tiến trình hiện đại hóa của đất nước. Tại những thành phố như Hà Nội, gánh hàng rong ít hiện diện hơn, tương lai này có thể sớm xảy đến với nhiều nơi khác.
“Vùng sâu vùng xa Việt Nam đang thay đổi chóng mặt trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày nay, người dân tại những địa phương hẻo lánh cũng ít dùng quanh gánh. Thay vào đó là xe đẩy, xe máy hay những phương tiện vận chuyển khác”, GS.TS. Nguyễn Văn Sơn, Đại học Y Dược – Đại học Thái Nguyên, bày tỏ.
Liệu những máy móc tiên tiến có thay thế dụng cụ thô sơ tại làng quê Việt hay không là điều cần thời gian trả lời. Có lẽ đã đến lúc để bỏ chiếc balo sang một bên và thử dùng đòn gánh truyền thống của người Việt, Issac chia sẻ.
Bảo Ngọc (Theo Atlas Obscura)
Nguồn: Vnexpress.net