Ben McKechnie, biên tập viên Matador Network chia sẻ cảm xúc không muốn rời xa sau chuyến đi Hà Giang bằng loạt ảnh ấn tượng.
Ga Quảng Ngãi: Tôi đi Hà Giang bằng tàu, xe khách và xe máy. Đầu tiên, tôi đi tàu từ Hà Nội. Tôi thấy đi tàu sẽ quan sát được cuộc sống và văn hóa, đồng thời có cơ hội gặp gỡ mọi người từ nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong ảnh là hai bố con về quê Đà Nẵng từ Nha Trang, nơi ông bố làm nghề đầu bếp. |
Hai bà cháu trên chuyến tàu Huế – Vinh: Để đảm bảo an toàn, người bà luôn mua vé giường mềm mỗi khi đi du lịch cùng cô cháu gái. Hai bà cháu đang trên đường từ thành phố Vinh để đưa cô cháu gái về với bố mẹ. Chúng tôi ở cùng cabin trong 36 tiếng đồng hồ. Suốt thời gian này, người bà liên tục mời tôi ăn những trái quýt xanh nhỏ. |
Khói hương ở đền Bạch Mã, Hà Nội: Dừng lại ở Hà Nội để đắm mình vào không khí của thủ đô, tôi đến đền Bạch Mã, một trong những ngôi đền cổ nhất trong phố cổ. Đây thực sự là nơi để mọi người đến cầu nguyện, ngược với những nơi đầy bẫy dành cho dân du lịch. Truyền thuyết kể rằng vua Lý Thái Tổ xây đền từ thế kỷ 11 để tưởng nhớ một con ngựa trắng đã dẫn đường, đưa nhà vua đến đúng nơi này. |
Đếm tiền quyên góp trong tuần tại đền Bạch Mã, Hà Nội: Nam và nữ giới cùng ngồi trên sàn, vừa nói chuyện ồn ào, vừa thoăn thoắt đếm những đống tiền lẻ và xếp thành từng cọc. Trông tiền có vẻ nhiều, nhưng mệnh giá lớn nhất chỉ là 5.000 đồng. |
Điểm nghỉ chân trên đường tới Đồng Văn, Hà Giang: Điểm đến của tôi ở tỉnh Hà Giang là Đồng Văn. Đầu tiên, tôi đi xe khách 7 tiếng từ bến xe Mỹ Đình lên thành phố Hà Giang. Từ đó, tôi sẽ thuê một chiếc xe máy hoặc bắt xe khách loại nhỏ tới Đồng Văn. Tôi phải dũng cảm. Những con đường núi từ thành phố Hà Giang lên Đồng Văn vừa đẹp lại vừa đáng sợ. |
Quang cảnh của cực Bắc Việt Nam – Lũng Cú, Hà Giang: Tại điểm cực Bắc của lãnh thổ Việt Nam có một cột cờ lớn. Từ chân cột cờ, bạn có thể nhìn sang tỉnh Vân Nam, Trung Quốc qua những quả đồi đầu tiên. Vân Nam và Hà Giang có nhiều điểm chung hơn so với các nơi khác. Cả hai đều có những dân tộc thiểu số sinh sống trên đồi, như H’mong. Họ sống ở cả Hà Giang và Vân Nam, phân cách bởi đường biên giới, và được phân chia thành các cộng đồng nhỏ hơn như H’mong Xanh, H’mong Đen, H’mong Trắng và H’mong Hoa. |
Gia đình người dân tộc và phong cảnh phía bắc Đồng Văn: Các thành viên của một gia đình người dân tộc thiểu số đi giữa ruộng ngô. Hà Giang nghèo cả về kinh tế lẫn cơ sở hạ tầng. Người dân ngày ngày phải trồng ngô, trồng lúa nuôi sống gia đình và mang đi bán ở chợ. Đây là nơi xuất khẩu các loại đào, hồng và mận rất ngon. |
Hai ông cháu ở cửa hàng tạp hóa, thị trấn Đồng Văn: Tôi chưa bao giờ làm nhiều người lớn cười và nhiều trẻ con khóc đến thế (đôi khi cùng lúc) như tôi làm ở Hà Giang. Nhiều người dân ở đây như rất hiếm khi thấy người nước ngoài. Vùng này còn mới đối với du lịch nên ít người đến đây. Du lịch bắt đầu manh nha từ cuối những năm 2000. Đến năm 2015, mọi thứ thay đổi rất nhanh chóng. |
Độc hành trên đèo Mã Pì Lèng: Con đèo Mã Pì Lèng dài 22 km nằm trên sườn núi nhìn xuống dòng sông Gâm, nối Đồng Văn và Mèo Vạc. Đây là một trong những con đường bạn nên đến trong đời, một trong những cảnh đẹp nhất Việt Nam. Tôi đi bộ rất chậm, với chiếc máy ảnh trong tay, nhìn mặt trời lên. Tôi ngắm sương mù lảng bảng trên các đỉnh núi thành những lớp màu xám. |
Những cô bé H’mong nghỉ chân trên đèo Mã Pì Lèng: Con đèo 22 km này là giấc mơ của các nhiếp ảnh gia. Hầu hết những người tôi xin phép chụp ảnh đều đồng ý một cách vui vẻ. Điều duy nhất họ muốn là nhìn ảnh của họ trên màn hình máy ảnh, và tôi rất vui lòng cho họ xem. Từ đầu năm 2015, việc xin giấy phép ở những khu vực bị hạn chế được thực hiện dễ dàng hơn. Bây giờ, bạn chỉ cần đến Đồng Văn, đăng ký ở một nhà nghỉ, nộp lệ phí. Nhân viên nhà nghỉ sẽ lên công an xin giấy phép giúp vào ngày hôm sau. Chuyến đi một năm trước đây, tôi đã phải tự đăng ký ở một trụ sở công an ở Hà Giang và đợi xin giấy phép. |
Chim mẹ bảo vệ tổ – Mèo Vạc, Hà Giang: Hà Giang có nhiều động vật hoang dã, cùng những chú chim rất bạo dạn với người. Ở vùng đất xa xôi hẻo lánh này có tới hơn nửa số khỉ mũi hếch Tonkin có nguy cơ tuyệt chủng trên thế giới sinh sống và ngày càng gia tăng. Tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã công bố thành lập vườn quốc gia Du Già tại Hà Giang. |
Người phụ nữ trên đèo Mã Pì Lèng: Ở đây, phụ nữ có trách nhiệm trồng trọt, còn đàn ông nuôi lợn, dê và gà. Phát triển du lịch trở thành con dao 2 lưỡi, vừa phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cơ hội việc làm, làm dòng tiền luân chuyển nhưng liệu sẽ đối mặt với nguy cơ xói mòn văn hóa địa phương, tăng giá cả và ô nhiễm? Thời gian sẽ trả lời. Sa Pa cũng từng giống như Hà Giang. Văn hóa dân tộc dần bị chuyển hướng theo thương mại hóa. Với vườn quốc gia mới, tôi tự tin là Hà Giang có thể sẽ chọn một con đường khác. |
Sáng sớm trên đèo Mã Pì Lèng: Khu vực này làm tôi tỉnh táo, đánh thức các giác quan và sự chú ý của tôi, vừa làm tôi muốn giữ bí mật lại vừa muốn nói với mọi người về nó. Tôi hy vọng rằng vườn quốc gia mới sẽ bảo vệ môi trường và văn hóa của vùng khi du lịch phát triển. Trong đầu tôi cứ lặp đi lặp lại một câu nói mỗi lúc một mạnh mẽ hơn khi tôi rời xa nơi này: “Hãy đưa tôi trở lại Hà Giang”. |
Nguồn: News.zing.vn