Gavin không hiểu chuyện gì đang diễn ra khi đứa trẻ nói “cháu sẽ cho chú thứ mà chú muốn”, và nhìn xuống chiếc quần short của anh.
Gavin Fernado đến từ Australia, vừa trở về từ Siem Reap, Campuchia với nỗi đau đáu về số phận tối tăm của những đứa trẻ tại thiên đường du lịch này.
Gavin đang bước khỏi chiếc thuyền máy tại Siem Reap, Campuchia, thì một cậu bé nắm lấy tay và kéo tới tấm ván dẫn lên bờ.
Du khách có thể gặp những đứa trẻ chào mời tại các bến tàu. Ảnh: Back of The Ferry. |
Cả nhóm phá lên cười trước cảnh tượng ấy, ai cũng nghĩ đó chỉ là đứa trẻ bản địa thân thiện với đám khách Tây kỳ lạ. Nhưng tới cuối đường, cậu bé dẫn Gavin tách khỏi nhóm. Với giọng đầy cương quyết, cậu bé nói: “Cháu sẽ cho chú thứ mà chú muốn”.
Gavin không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Bé trai không quá 8 hoặc 9 tuổi.
“Năm đôla. Chú có muốn cháu không? Cháu sẽ cho chú điều đó”, em nói. Phải tới lúc cậu bé nhìn xuống quần short của Gavin rồi đảo mắt lại thân dưới của mình, anh mới ngỡ ra.
Gavin bỏ đi, nhưng lòng không thể yên khi nghĩ đến cảnh người nào đó tiêm nhiễm những ký ức hoặc hiểu biết về thế giới tồi tệ vào đầu một đứa trẻ đang tuổi thơ ngây.
Anh đang đứng giữa một đất nước xinh đẹp với những con người thân thiện, mà phải đối mặt với thế giới ngầm của nạn xâm hại và lạm dụng tình dục trẻ em. Phần đáng sợ nhất chính là việc sự thật hiện hữu quá hiển nhiên.
Lãnh địa của những kẻ lạm dụng tình dục trẻ em
Campuchia được mô tả như thiên đường dành cho những kẻ ấu dâm. Đất nước này thu hút hơn 5 triệu du khách mỗi năm với những điểm đến nổi tiếng như Angkor, loạt bãi biển tại Sihanoukville…
Tuy nhiên, nạn buôn bán trẻ em tồn tại trên khắp đất nước này, với sự hậu thuẫn của người bản địa và du khách nước ngoài.
Theo UNICEF, khoảng 30% trong số 100.000 người hành nghề mại dâm tại Campuchia là trẻ em – những đối tượng dễ tiếp cận nhất.
Nếu Gavin đi bộ một mình trên phố Tây, những tài xế tuk tuk sẽ thì thầm vào tai anh bao lời mời mọc như: “Massage đặc biệt nhé? Cô em trẻ đẹp nhé?”.
Anh từng nghe nhiều câu chuyện về những du khách phương Tây nhận lời mời tới chốn hoan lạc từ vài tài xế tuk tuk, để rồi đứng hình khi được một nhóm bé gái mới lớn vây quanh.
Mại dâm trẻ em tại Campuchia phát triển từ hơn một thập kỷ trước. Video: NBC.
Đại diện UNICEF Campuchia, bà Iman Morooka, cho biết những tụ điểm giải trí như quán bar, tiệm massage… là nơi trẻ bị lạm dụng nhiều nhất.
Phần lớn trẻ em bị mua bán từ các vùng quê nghèo tại Campuchia. Cha mẹ bán con vào tay má mì với hy vọng được học hành và có cuộc sống đầy đủ hơn.
Theo bà Morooka, nhiều trẻ em nước này bị ép rời xa gia đình để vào trại mồ côi – nơi nạn xâm hại tình dục trẻ em lộng hành.
Những đứa trẻ mồ côi cũng gặp nguy hiểm khi sống giữa thiên đường du lịch. Các tổ chức nhân quyền cho rằng tình trạng “du lịch thiện nguyện” cho phép những kẻ ấu dâm tiếp cận trẻ mồ côi dễ dàng hơn, khi trẻ em có xu hướng dễ được khuyến khích làm mọi thứ để có tiền.
Tara Winkler, nhà hoạt động xã hội Australia, nhận định: “Phần lớn du khách đến các trung tâm trẻ em là người tốt, muốn giúp đỡ. Nhưng nếu họ được tiếp xúc gần gũi với trẻ, những kẻ ấu dâm và du khách mua dâm cũng có thể tiếp cận các em”.
Tara phát hiện ra những sự thật đen tối về trẻ mồ côi tại Campuchia. Video: 9News.
Nỗ lực đẩy lùi tệ nạn
Vợ chồng Bridget và Donald Brewster dành hơn một thập kỷ để đấu tranh chống lại nạn buôn người tại Campuchia.
Năm 2005, họ quyết định bán nhà, bỏ việc và rời Mỹ đến Campuchia để thành lập tổ chức Agape International Missions (AIM) nhằm giải thoát những nạn nhân trong ngành công nghiệp tình tục.
AIM có nhiều chương trình giúp đỡ hơn 3.000 bé gái và phụ nữ thoát khỏi cảnh làm nô lệ tình dục. Donald nhắc đến Sokha Chan, cô gái được bán vào tay cựu quân nhân Mỹ khi mới lên 7.
Trong vòng 5 năm, Chan phải làm việc tại nhiều nhà thổ bất hợp pháp, bị xâm hại trong những căn phòng tối khóa kín.
Cho tới khi vợ chồng Brewster xuất hiện, Chan được giải cứu. Sau 10 năm, Chan hiện sống tại Mỹ và say mê với công việc của một thợ làm bánh.
Svay Pak, vùng ngoại ô nghèo của Phnom Penh, là nơi nạn lạm dụng tình dục trẻ em lộng hành. Ảnh: CNN. |
Những người nổi tiếng tại Hollywood đang lên tiếng trước vấn nạn này
Diễn viên Ashton Kutcher có bài phát biểu đầy xúc động trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện Mỹ: “Tôi từng xem đoạn phim về người đàn ông Mỹ xâm hại một đứa trẻ chỉ bằng tuổi con mình, ông ta đến Campuchia như khách du lịch. Đứa trẻ trong đoạn phim đó chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh, nghĩ mình đang tham gia một trò chơi”.
Kutcher đồng sáng lập tổ chức phát triển phần mềm ngăn chặn nạn buôn người, họ xác định hơn 6.000 trường hợp trong các đường dây buôn bán nô lệ tình dục.
Về phía UNICEF, tổ chức này khuyến cáo du khách không thăm các trại trẻ mồ côi, không đối xử với trẻ em như thú vui trên đường du lịch và hãy báo ngay cho các nhà chức trách nếu bạn phát hiện bất cứ trường hợp lạm dụng trẻ em nào.
Theo Satellite
Nguồn: Vnexpress.net