Mỗi tháng, hàng nghìn du khách từ Trung Quốc tới vùng biên giới Triều Tiên để chứng kiến cuộc sống thường ngày ở nước láng giềng.
“Đây là một nơi bạn nhất định phải tới xem. Chúng ta sẽ sớm sang Triều Tiên”, hướng dẫn viên Yu Quanqing nói với đoàn khách. Trong vòng một giờ, họ đi phà hoặc tàu cao tốc xuôi dòng Áp Lục, dọc biên giới Triều Tiên.
“Hai bên bờ sông đều là lãnh thổ Triều Tiên, bạn thấy đấy, vậy là chúng ta như đang ra nước ngoài rồi. Bạn phải dùng ống nhòm để ngắm cảnh, không có nhiều thời gian để phung phí đâu”, hướng dẫn viên vừa nói vừa mời chào ống nhòm cho thuê giá 10 nhân dân tệ (1,5 USD) một lượt.
Đoàn khách lên bờ sau chuyến tham quan. Ảnh: Kevon Frayer. |
Trong khi những căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên ngày một gia tăng, hàng nghìn người Trung Quốc vẫn đổ xô đi ngắm cảnh nước láng giềng.
“Khách Trung Quốc đến đây để thỏa mãn tính tò mò. Họ muốn xem Triều Tiên nghèo khổ tới đâu”, anh Yu cho biết. Hiện anh làm hướng dẫn viên tại Đan Đông, Trung Quốc. Hàng ngày anh lái phà chở khách trên sông Áp Lục, đưa họ tới gần lãnh thổ Triều Tiên trong một giờ, giá 70 nhân dân tệ mỗi lượt (hơn 10 USD).
Anh cho rằng, tình hình chính trị càng nóng lên, người Trung Quốc càng hiếu kỳ: “Chắc chắn họ cũng có lo lắng, nhưng chỉ chút ít thôi. Chẳng có chiến tranh đâu mà. Đó là điều phần lớn người Trung Quốc tin”.
Du khách từ khắp nơi tại Trung Quốc đổ về cầu cảng sông Áp Lục mỗi ngày. Dọc con đường ra cảng, các nhà chức trách đặt một loạt cảnh báo có nội dung như “Tận hưởng cuộc sống tươi đẹp. Tuân thủ luật biên giới” hay “Không nói chuyện hoặc trao đổi vật dụng với những người bên kia biên giới”.
Hầu hết du khách tới đây đều chăm chú nhìn những phụ nữ phía bên kia sông giặt giũ, lính gác tản bộ trên bờ với súng mác trên vai và lá cờ Triều Tiên bay phấp phới như lời nhắc nhở: từ phần đất này dưới quyền của Bình Nhưỡng, chứ không phải Bắc Kinh.
Triều Tiên nhìn từ sông Áp Lục. Video: Dr Robert Frew.
Vài ngày trước khi Triều Tiên thử bom hạt nhân, Jing Xingyi và bạn trai, Shi Junming, cùng hàng trăm du khách bước xuống phà xuôi dòng Áp Lục. “Khi tới đây, chúng tôi muốn xem người Triều Tiên sống ra sao”, Jing cho biết.
Khi được hỏi có lo lắng về tour khám phá xuyên biên giới này không, Shi gật đầu ngượng ngùng: “Một chút. Những người lính Triều Tiên có thể bắt tôi”.
Wei Jing, nhân viên công ty điện thoại, đưa cả gia đình đi tour ngắm cảnh Triều Tiên một ngày. “Con gái tôi đang được nghỉ hè và chúng tôi muốn thăm thú cảnh quan thiên nhiên”, Wei giải thích.
Trước khi selfie gần một ngư dân Triều Tiên chèo thuyền tới gần, Wei chỉ ra mặt đối lập giữa quê nhà và quốc gia láng giềng: “Khác biệt giữa Trung Quốc và Triều Tiên chính là hệ thống chính trị. Mỗi bên đều có những lợi thế riêng”.
Đoàn khách quan sát một đồn canh gác của lính biên phòng Triều Tiên. Ảnh: Kevin Frayer. |
60 phút kết thúc, Jing và bạn trai kết luận: “Họ khá lạc hậu. Họ không có điều kiện sống lý tưởng”.
Hướng dẫn viên Yu nói rằng những trải nghiệm về Triều Tiên khiến anh tin tưởng rằng Trung Quốc đang đi đúng đường: “Khi nhìn vào những người Triều Tiên này, chúng tôi cảm thấy mình đang ở vị thế cao hơn. Tôi lấy làm tiếc cho họ. Tôi đã thấy người dân Triều Tiên nghèo thế nào dưới hệ thống chính trị như vậy. Phần lớn họ đều thiếu tự do và phải ăn đồ đạm bạc. Người Triều Tiên thậm chí sống không đủ no”.
Một người đàn ông Triều Tiên đạp xe dọc bờ bên kia sông, Yu đùa rằng: “Hãy nhìn xem, ngay bên phải kia. Hãy nhìn những chiếc xe ôtô tư nhân Triều Tiên. Tất cả đều được nhập khẩu! Sản xuất tại Nhật Bản!”.
Theo Guardian
Nguồn: Vnexpress.net