Khách xếp hàng mua phở Phú Vương, cơm tấm Ba Ghiền, bánh mì Huỳnh Hoa

0
31

Trời mát, anh Thức muốn ăn tô phở cho ấm bụng. Sau khi chạy lòng vòng 3-4 nơi, anh hòa vào dòng người đang xếp hàng trước tiệm phở Phú Vương.

doi mua xep hang mua thuc an anh 1

Giũ mạnh chiếc áo sũng nước, anh Vinh (27 tuổi, ngụ quận 2) nhanh chóng chạy lên vỉa hè, nép mình vào mái hiên của căn nhà bên cạnh tiệm ăn. Anh cho biết mình chỉ mua một phần về thưởng thức.

“Đường không quá xa, đợi 10-15 phút cũng chả nhằm nhò gì, tôi chỉ thấy hơi cực vì trời mưa đột ngột. Lâu lắm mới được ăn phở, đã gì đâu! Tiếc là chưa được ăn tại tiệm thôi”, anh nói với Zing.

Cách anh Vinh khoảng 2 người, anh Thức (25 tuổi) cùng bạn cũng đang chờ tới lượt.

“Trời mát mẻ nên chúng tôi muốn ăn phở cho ấm bụng. Thế nhưng, từ sáng tới giờ, hai đứa chạy lòng vòng 3-4 tiệm rồi mà chỗ nào cũng đóng cửa, may mà ở đây vẫn mở”, anh kể.

doi mua xep hang mua thuc an anh 2

Anh Thức xếp hàng mua phở trong khoảng 20 phút.

Lần đầu ra đường hậu giãn cách, vị khách sinh năm 1996 vừa hào hứng, vừa có chút lo lắng do tình hình dịch bệnh chưa ổn định.

“Tôi nghĩ Sài Gòn dần mở cửa là tín hiệu đáng mừng, song ai cũng cần chấp hành 5K và cẩn thận vì nguy cơ dịch bệnh vẫn còn”, anh nói.

Sau 4 tháng giãn cách xã hội, nhiều địa điểm ăn uống nổi tiếng Sài thành đã mở bán trở lại, thu hút nhiều khách hàng tới mua về.

Song, cũng có nhiều cơ sở kinh doanh vẫn đóng cửa im lìm, hoặc vắng khách hơn mọi ngày.

Xếp hàng mua bánh mì, cơm tấm

Chia sẻ với Zing, chủ quán phở Phú Vương cho biết hôm 2/10 là ngày đầu tiên tiệm mở cửa trở lại sau vài tháng nghỉ tránh dịch. Cả ngày hôm trước, nhân viên quán thay phiên nhau dọn dẹp, chuẩn bị nguyên liệu cho ngày mở bán.

“Chúng tôi mở hàng lúc 6h và làm luôn tay, luôn chân tới giờ này. Khách tới liên tục, có người mua liền 5-6 phần về nên tôi không đếm nổi đã bán được bao nhiêu”, chủ quán vừa thái thịt, vừa đáp.

Trời vừa ngớt mưa, dòng người xếp hàng trước tiệm cơm tấm Ba Ghiền (quận Phú Nhuận) càng thêm đông đúc.

Khoảng 15 khách hàng lần lượt nối đuôi, kéo dài 3-5 m dọc con đường Đặng Văn Ngữ.

Anh Vĩnh Thụy (39 tuổi), nhân viên, luôn miệng hỏi han, trấn an và xếp đơn cho khách. Anh cũng liên tục nhắc mọi người tấp xe cẩn thận lên lề, không chen lấn, giữ khoảng cách an toàn.

Vừa nhận túi cơm từ phía bếp, anh liền đặt lên chiếc kệ sắt trước mặt, nói với người mua: “Anh chị cứ tự nhiên lấy chai xịt khử khuẩn dùm tui nha! Mọi người thông cảm chờ một chút, ai cũng có phần”.

“Tiệm mới mở bán lại ngày 1/10, nhưng 2 bữa nay vẫn chưa thể chuẩn bị đủ nguyên liệu như thời điểm trước dịch do mua bán khó khăn quá! Bình thường tiệm mở từ 7h tới 21h, chắc bữa nay sẽ hết hàng sớm hơn chút”, anh Vĩnh Thụy nói.

doi mua xep hang mua thuc an anh 5

Khoảng 15 người xếp hàng mua cơm tấm trên đường Đặng Văn Ngữ (quận Phú Nhuận) vào trưa 2/10.

Thấy hàng người ngày một dài, anh Trường (36 tuổi, ngụ ở quận Phú Nhuận) có chút bồn chồn. Thỉnh thoảng, anh lại nhìn giờ trên điện thoại, rồi ngó lên trên đầu hàng và đếm xem còn mấy người nữa sẽ tới lượt mình.

“Hôm nay, tôi tiện đi công chuyện nên ghé qua tiệm mua cơm về ăn trưa. Nhà tôi ở gần đây nên trước dịch, tôi hay mua cơm tấm ăn lắm. Nay chờ hơi lâu một xíu, nhưng mình phải thông cảm vì dịch dã mà”.

Những ngày đầu TP.HCM nới lỏng giãn cách, tiệm bánh mì Huỳnh Hoa (đường Lê Thị Riêng, quận 1) luôn đông khách từ sáng sớm. Ngoài shipper, còn có cả những vị khách tới mua trực tiếp.

Dù phải chờ 10-15 phút trước khi tới lượt gọi món, đa số đều kiên nhẫn, háo hức khi được thưởng thức món ăn yêu thích mà không mất tiền ship.

Vượt 12 km từ quận 8 sang quận 1, Nguyễn Thị Kim Trúc mãn nguyện khi mua được 6 ổ bánh mì về cho gia đình. Khách nữ cho biết lúc mới tới, chị khá ngần ngại khi thấy khoảng 10 người xếp hàng, nhưng vẫn nán lại vì nhớ hương vị quen thuộc.

“Tôi cứ nghĩ sẽ phải chờ lâu, ai dè 10 phút sau có bánh liền. Tôi thấy giá cả có tăng so với trước dịch, nhưng vẫn ở mức chấp nhận được”, Kim Trúc nói.

doi mua xep hang mua thuc an anh 6

Anh Trường mua một phần cơm tấm sau hơn 15 phút xếp hàng.

‘Thiên đường ốc’ quận 4 chưa có khách

15h ngày 2/10, Thảo Nguyên chạy xe từ Bình Thạnh sang đường Vĩnh Khánh (quận 1) tìm mua ốc, hải sản.

Trước khi đi, Nguyên đã cẩn thận lên mạng tìm hiểu và thấy nhiều hàng ốc quen tại phố ẩm thực đã mở cửa trở lại. Tuy nhiên, khi đến nơi, cô không khỏi thất vọng khi chỉ có vài ba quán hoạt động, các tiệm ăn còn lại vẫn giăng dây, đóng cửa.

“Trước đây, con đường này nổi tiếng là ‘thiên đường ốc’ vì nhiều hàng quán, lúc nào cũng tấp nập, sôi động. Cảnh vắng vẻ hiện tại thực sự quá lạ lẫm với mình”, Nguyên nói.

doi mua xep hang mua thuc an anh 7

Ngày 2/10, quán ốc Oanh trên đường Vĩnh Khánh (quận 4) kinh doanh trở lại sau 4 tháng đóng cửa.

Anh Nguyễn Đình Phú, chủ quán ốc Oanh, một trong những tiệm hiếm hoi mở cửa trở lại ngay khi TP.HCM nới lỏng giãn cách, cho biết hầu hết quán khác chưa kinh doanh vì nhiều lý do như còn lo ngại dịch, khó kiếm nguyên liệu, sợ vắng khách…

Sáng 2/10, vợ chồng anh Phú mở lại tiệm ăn sau hơn 4 tháng đóng cửa vì dịch. Ngày hôm trước, cả gia đình anh phải chia nhau ra đi chợ đầu mối tìm nguyên liệu, dọn dẹp lại cửa hàng.

“4 tháng giãn cách ai cũng khó khăn nên cũng chưa đông khách ngay được. Không biết khi nào mới lại được chứng kiến cảnh đông đúc, nhộn nhịp như xưa. Thực sự thì bán mấy thứ như ốc, hải sản này kia phải ăn tại chỗ mới ngon, mới có không khí”, anh Vĩnh chia sẻ.

Trái ngược với cảnh đông đúc của một số tiệm ăn, nhiều hàng quán tại TP.HCM vẫn đóng cửa im lìm.

Quán phở Cao Vân (đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1), tiệm ăn có hơn 70 năm tuổi đời, nổi tiếng với bếp lò không bao giờ tắt lửa, đã phải nghỉ bán từ đầu tháng 7 và hiện vẫn chưa kinh doanh trở lại.

“Nhiều khách hỏi thăm nhưng chắc phải hơn một tháng nữa chúng tôi mới mở cửa lại được. Sau mấy tháng nghỉ dịch, cửa hàng gặp một số hư hại nên cần thêm thời gian tu sửa”, chị Thủy, vợ anh Trần Văn Phụng – chủ quán phở Cao Vân – nói với Zing qua điện thoại.

Tương tự, dù rất sốt ruột khi khách quen liên tục hỏi thăm, chủ tiệm hủ tiếu mì Vạn Lợi (đường Phan Đăng Lưu, quận Phú Nhuận) cho biết quán chưa thể mở cửa trở lại vì gặp khó nhiều khâu.

“Sau 3-4 tháng nghỉ dịch, chúng tôi cũng háo hức kinh doanh lại lắm chứ nhưng kẹt nỗi giờ một số khu chợ truyền thống chưa hoạt động, các mối nguyên liệu quen đều bảo phải đợi thêm. Mấy hôm tới, chúng tôi sẽ tìm cách xoay xở để trở lại trong thời gian sớm nhất”, chủ tiệm hủ tiếu nói.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn