
Thăm, làm việc tại Điện Biên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Vì sự phát triển của một tỉnh miền núi xa xôi nhất của Tổ quốc; vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, 19 dân tộc cùng sinh sống trên địa bàn, các ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cần xem xét nghiêm túc những nhu cầu, nguyện vọng của người dân, để chung tay cùng Điện Biên xây dựng, phát triển bền vững.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm di tích Đồi A1
Chăm lo đời sống người dân tái định cư
Thăm các gia đình tái định cư tại TX. Mường Lay và TP. Điện Biên Phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã lắng nghe những chia sẻ của người dân về quá trình di dân và ổn định cuộc sống, những việc làm hoặc dự định tâm đắc như: Tận dụng diện tích đất bán ngập để canh tác, sản xuất lúa, hoa màu, những triển vọng trong chăn nuôi thủy sản lòng hồ, việc phát triển cây dừa vừa làm cảnh quan, vừa mang lại thu nhập cho gia đình… Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Không phải cứ lo cho người dân tái định cư, xây dựng nhà cửa khang trang; phố, bản sạch đẹp là đã hoàn thành công cuộc tái định cư, mà người dân rất cần những định hướng, chính sách mang tính lâu dài để cuộc sống ổn định, bền vững. Chỗ ở mới đã tốt hơn nhưng sinh kế chưa rõ ràng thì người dân chưa thể an tâm với mảnh đất họ được cấp. Vì vậy, chính quyền địa phương ngoài đáp ứng nhiệm vụ hỗ trợ, đào tạo, triển khai các mô hình sản xuất, tạo việc làm còn có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan (trong đó có Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đảm bảo tương lai cho người dân.
Về thực hiện Đề án 79, với 1.400 tỷ đồng đầu tư các hạng mục nhưng đến nay Đề án vẫn chưa hoàn thành, đặc biệt là tình trạng di dân tự do vào địa bàn huyện Mường Nhé, phá rừng làm nương, gây mất ổn định xã hội tại địa phương. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Chăm lo đời sống, ổn định dân cư ở địa bàn vùng xa, biên giới như Điện Biên không chỉ là thúc đẩy kinh tế phát triển mà còn là củng cố quốc phòng – an ninh, ổn định chính trị – trật tự an toàn xã hội. Khi an ninh chính trị ổn định thì người dân mới an tâm sản xuất, hưởng thụ đời sống vật chất, văn hóa tinh thần. Từ đó, nhận thức của người dân cũng được nâng lên, đồng bào sẽ cảnh giác, ngăn ngừa những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tránh xa các tệ nạn xã hội. Vì vậy, trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm, cùng với những chính sách đã được triển khai về ổn định dân cư, tỉnh cần tập trung nghiên cứu, rà soát việc thực hiện các chính sách về dân tộc, tôn giáo, đưa ra kiến nghị, đề xuất cụ thể với Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương có giải pháp xử lý kịp thời.
Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch
Đoàn công tác Quốc hội đến thăm và làm việc tại Điện Biên đúng dịp Lễ hội Hoa ban, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các thành viên đoàn đều quan tâm nhiều đến chủ trương phát triển kinh tế từ lĩnh vực thương mại – du lịch của tỉnh. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Điện Biên định hướng phát triển kinh tế từ du lịch là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, với những khó khăn về cơ sở hạ tầng, điều kiện giao thông, trong khi điều kiện ngân sách của Trung ương, của tỉnh đều hết sức hạn hẹp thì phát huy nội lực bằng chính những tiềm năng sẵn có của địa phương là hướng đi khả thi hơn cả. Nội lực chính là thay đổi phương thức sản xuất, tái cơ cấu nền nông nghiệp bằng các mô hình kết hợp như vườn – ao – chuồng -rừng, mà trong đó, chính quyền định hướng. Cùng với đó, công tác bảo vệ môi trường; quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là yếu tố tối quan trọng cho cả sự phát triển chung của Điện Biên. Một số tỉnh, thành đã phát triển du lịch dựa trên nền tảng nông nghiệp như Nông trường Mộc Châu (tỉnh Sơn La), hay TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) có loại hình du lịch trải nghiệm thu hút rất nhiều du khách là “học làm nhà nông”. Điện Biên có nền tảng tự nhiên, sinh thái tốt, khi an ninh lương thực đã đảm bảo thì cần xây dựng mô hình du lịch từ nông nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Điện Biên có tiềm năng phát triển du lịch, với những lợi thế về di tích lịch sử cách mạng, truyền thống văn hóa phong phú, điều kiện tự nhiên đa dạng; là địa danh mà cả thế giới đã biết tới qua Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”… Để đánh thức những tiềm năng này, khi chưa có khả năng về tài chính, ngân sách, thì Điện Biên cần gìn giữ, bảo tồn điều kiện sẵn có, đẩy mạnh những lợi thế “trong tầm tay” như: nâng cao công tác quảng bá, quan tâm đào tạo nguồn lực làm du lịch, xây dựng nếp sống con người văn minh, thân thiện, có bản sắc văn hóa riêng; tạo cơ chế thông thoáng, điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư, từ đó sẽ thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Điện Biên.
Bài, ảnh: Phạm Dương
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn