Của báu đặc sắc nhất trong kiến trúc Ấn Độ giáo trên thế giới lại không ở tại quốc gia ra đời đạo này, mà ở Campuchia. Đền Angkor ngự trị tại Campuchia được ví như cung điện của thiên đường, nơi linh hồn quốc vương thường ngao du.
Thế kỷ 12, hoàng đế Suriyavarman 2 xây dựng nên đền Angkor dâng cho Vishnou, vị thần linh Ấn độ giáo. Chung quanh đền có hào rãnh vây quanh, bên ngoài có nhiều ao chứa nước. Thiết kế đền Angkor cân đối, trang nhã, quy mô rộng lớn, diện tích tường ngoài quây vào đền hơn 80.000 m2. Người tham quan từ cửa phía ngoài đi vào sẽ nhìn thấy toàn thể vật kiến trúc sừng sững bên trên, choán hết tầng sân thượng này đến tầng sân thượng khác trùng điệp. Phía trên trung tâm thánh điện có một tháp cao 61 m. Muốn đến được đây, du khách phải đi qua nhiều cửa, bậc lên xuống và sân vườn mở rộng. Chung quanh có 4 tháp thấp biểu hiện dấu hiệu của 4 ngôi đền phụ thuộc.
Kiến trúc đền Angkor. Ảnh: baulink.hu |
Trang sức điêu khắc phong phú nhiều vẻ của đền Angkor cùng thiết kế cân xứng nghiêm ngặt của nó hình thành nên sự đối xứng. Trên điêu khắc đá miêu tả sinh động các cảnh trong sử thi Ấn Độ. Rất nhiều nam nữ thần linh vui đùa, nhảy múa trong tư thế chọc ghẹo. Trên phù điêu của hành lang cột dài mấy trăm thước thể hiện nhân vật có thật trong lịch sử Khmer. Hình tượng được yêu thích nhất và xuất hiện lặp đi lặp lại là nữ thần vũ đạo Khmer, Apsara.
Đền Angkor là một thành tựu rực rỡ, thể hiện trình độ nghề nghiệp và hiểu biết sâu sắc của người thiết kế đối với không gian nơi đây. Trong điều kiện có hạn, kiến trúc và kỹ thuật còn thu hẹp, nhưng hiệu quả về chỉnh thể của nó khiến người đời kinh ngạc và ngợi ca. Thần Vishnou trong Ấn Độ giáo đại diện cho sự ổn định và bền lâu, nhưng quyền lực ấy từng bị uy hiếp nghiêm trọng. Năm 1973, vì chiến tranh leo thang mà cả quần thể kiến trúc đền chùa to lớn trở thành nơi ẩn thân của Khmer đỏ. Hiện nay, trên những vách đền chùa này vẫn còn lưu lại vết đạn lỗ chỗ.
Trải qua 20 năm bị bỏ mặc, công tác bảo hộ tiếp tục được tiến hành. Nhưng lại xuất hiện nỗi lo lắng khác, đó là về quá trình tôn tạo cẩu thả khiến công trình tổn hại. Đền Angkor – kiểu mẫu phi thường của di sản tôn giáo, lịch sử, kiến trúc Campuchia – mong chờ được đãi ngộ công bằng theo đúng những gì nó xứng đáng được hưởng.
(Theo sách 100 Kỳ Quan Thế Giới)
Nguồn: Vnexpress.net